Huyện lúa Đức Thọ khởi sắc từ nguồn vốn ưu đãi

20/08/2019
(VBSP News) Đức Thọ là một huyện thuần nông của tỉnh Hà Tĩnh đang gặp những khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, phát triển kinh tế địa phương. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự nỗ lực của NHCSXH tỉnh, năm 2018, huyện đã có 23/27 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2019 về đích 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh.
Vốn tín dụng chính sách tiếp sức cho nông dân Đức Thọ phát triển kinh tế vườn đồi

Vốn tín dụng chính sách tiếp sức cho nông dân Đức Thọ phát triển kinh tế vườn đồi

Tập trung giảm nghèo bền vững
Những năm qua, cơ cấu kinh tế của huyện đã và đang chuyển dịch đúng hướng. Năm 2018, ngành nông nghiệp chỉ còn gần 21%, công nghiệp - xây dựng 37,5%, thương mại - dịch vụ gần 46% trong tổng thu nhập của huyện; thu nhập bình quân đạt trên 39 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 4%. Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm khẳng định, chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở Đức Thọ đạt được hiệu quả cao, có sự đóng góp không nhỏ của NHCSXH. Các chương trình tín dụng chính sách không chỉ đơn thuần giải quyết vấn đề giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội mà còn mang đến giá trị nhân văn sâu sắc, phát huy sức mạnh của cộng đồng, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh.
Giám đốc NHCSXH huyện Đức Thọ Trần Toại Nguyện cho biết, đến hết quý I/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH huyện đạt trên 344 tỷ đồng, với 8.300 hộ gia đình được vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, trả nợ, trả lãi đúng quy định. Nhiều hộ đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm ăn khá giả. Đặc biệt, NHCSXH huyện tập trung cho vay tại 4 xã: Đức Dũng, Đức An, Đức Thanh và Liên Minh đang phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2019, với doanh số cho vay trên 5,7 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ 4 xã này lên 68,3 tỷ đồng.
Điểm tựa cho hộ nghèo
Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH thì nhiều người dân trên địa bàn huyện Đức Thọ không có điểm tựa để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
Năm 2016, anh Phạm Quốc Dũng ở xã Đức Lạng mua 11ha đất đồi tại thôn Vĩnh Yên - nơi khó khăn nhất của xã, để lập nghiệp. Với nỗ lực và ý chí vượt khó thoát nghèo, không bao lâu 11ha đồi hoang vu sạch cỏ dại, cũng là lúc gia đình anh cạn vốn. Cảm phục trước quyết tâm của anh, năm 2017, Hội Nông dân xã đã tư vấn cho gia đình anh Dũng vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm tại NHCSXH huyện. Có vốn trong tay, anh Dũng đầu tư trồng keo và cam kết hợp chăn nuôi. Đến nay, trang trại của gia đình anh Dũng đã mở rộng với 7ha keo, 4 ha cam (500 gốc, trong đó gần 400 gốc đã cho quả bói vụ đầu) cùng hàng trăm con bò, gà. Tổng giá trị trang trại lên đến 2 tỷ đồng.
Ở xã Đức Lạng, rất nhiều hộ gia đình đã lập nghiệp thành công từ đồng vốn tín dụng chính sách như gia đình anh Dũng. Điển hình là anh Lê Hữu Luận vay vốn NHCSXH đầu tư trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Đến nay, trên diện tích đồi của gia đình đã có 250 gốc cam, 100 gốc thanh long, nhãn kết hợp chăn nuôi bò, gà. Trừ chi phí, gia đình anh thu trên 200 triệu đồng/năm. Hay chị Võ Thị Sửu tận dụng đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH để làm nhà lưới trồng rau sạch; làm chuồng trại kết hợp nuôi 200 con gà, 100 con vịt, hơn 10 con lợn thịt. Thu nhập bình quân gia đình chị đạt trên 150 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Đức Lạng Lê Văn Hiệp cho biết, hiện dư nợ toàn xã đạt hơn 13 tỷ đồng, với 278 hộ vay vốn. Những năm qua, kinh tế vườn đồi cùng nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang mang lại bộ mặt mới cho xã Đức Lạng cũng như các xã vùng bán sơn địa huyện Đức Thọ. Nhờ sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp và công tác ủy thác hiệu quả các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn, người dân trên địa bàn huyện Đức Thọ đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

 

Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác