Ý Đảng làm thỏa nguyện lòng dân (Kỳ 2: Đòn bẩy thúc đẩy giảm nghèo)
Đổi thay những phận nghèo
Bà Trương Thị Hướng ở thôn Nam Thạnh, xã Nam Đà, huyện Krông Nô là một trong những hộ nghèo nhiều năm liền của xã. Năm 2015, gia đình bà được địa phương bình xét đủ điều kiện để NHCSXH huyện Krông Nô tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo. Có vốn, bà Hướng đầu tư vào chăn nuôi dê. Tận dụng nguồn thức ăn tại địa phương cùng sự chăm chỉ của các thành viên trong gia đình, nên đàn dê phát triển thuận lợi. Bình quân mỗi năm, hộ bà Hướng luôn duy trì đàn dê từ 10 - 15 con trong chuồng, doanh thu dao động từ khoảng 60 triệu - 70 triệu đồng/năm.
Có thu nhập ổn định từ đàn dê, gia đình bà mạnh dạn đầu tư vào rẫy cà phê và xây dựng thêm chuồng trại để chăn nuôi heo. Kinh tế gia đình dần đi vào ổn định, khấm khá qua từng năm và đến năm 2018 thì thoát nghèo hoàn toàn. Giữa năm 2019, gia đình bà Hướng không những trả hết nợ mà còn dành dụm được một số vốn đáng kể để làm ăn. Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, bà Hướng cho biết: “Gia đình luôn nhờ sự đồng hành từ NHCSXH, địa phương và bà con lối xóm mới có ngày hôm nay. Hiện tại, với điểm xuất phát mới, gia đình sẽ phấn đấu lao động sản xuất, nâng mức thu nhập, sớm xây dựng cuộc sống ổn định hơn”.
Gia đình ông Trần Văn Lành ở thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil có tất cả 10 nhân khẩu, từng là hộ nghèo nhiều năm liền của xã. Kinh tế của gia đình ông chủ yếu dựa vào 1,5ha cà phê. Để trang trải cuộc sống, ông Lành và vợ phải làm thêm đủ việc, nhưng cũng không thấm tháp vào đâu. Cuối năm 2014, gia đình được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo và hơn 60 triệu đồng từ chương trình cho vay HSSV. Có vốn, ông dùng một phần trang trải chi phí học tập cho con cái, số tiền còn lại đầu tư vào mua bò, dê và gà về thả vườn.
Với sự chăm chỉ, cần cù của các thành viên trong gia đình, đàn vật nuôi của gia đình ông Lành được chăm sóc và phát triển về số lượng. Nguồn thu nhập của gia đình ông cũng dần dần được cải thiện, qua đó có điều kiện để đầu tư, chăm sóc vườn cà phê, hồ tiêu một cách bài bản. Đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu về trên 6 tấn cà phê nhân và 1,5 tấn hồ tiêu. Sau khi trừ chi phí, vườn cây đã mang lại cho gia đình ông lợi nhuận trên 150 triệu đồng/năm. Nhờ đó, ông Lành đã trả nợ ngân hàng đúng hạn, bảo đảm cuộc sống, con cái yên tâm học hành và quan trọng hơn là thoát được cái “mác” hộ nghèo.
Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, đời sống, mức thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh được cải thiện rất lớn. Toàn tỉnh có gần 150 nghìn hộ gia đình nằm trong diện chính sách được tiếp cận, sử dụng vốn vay hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Trong đó, bình quân mỗi năm, có 15.800 hộ gia đình thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Những con số này đã góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ của tỉnh Đắk Nông khoá XI là mỗi năm giảm số hộ nghèo từ 2 - 4%.
Hiệu quả từ “cánh tay nối dài”
Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền cũng quan tâm, chỉ đạo sâu sát các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 40. Thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến được với rất nhiều người nghèo; thực sự là “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong việc đưa Chỉ thị số 40 đi vào thực tiễn đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Hội Phụ nữ huyện Đắk Rlấp hiện có 2.566 hội viên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH. Tổng dư nợ mà NHCSXH ủy thác qua Hội Phụ nữ huyện Đắk R’lấp đạt 93 tỷ đồng. Đây là một trong những tổ chức chính trị xã hội có nguồn vốn ủy thác lớn tại địa bàn Đắk R’lấp. Dù tổng dư nợ lớn nhất, nhưng nợ quá hạn tại Hội Phụ nữ Đắk R’lấp lại chiếm con số khá thấp, chiếm 0,12% dư nợ (tính đến hết tháng 6/2019).
Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đắk R’lấp Lê Thị Nguyệt khẳng định, sau khi nguồn vốn được giải ngân, các cấp hội đã sát cánh với hội viên để tư vấn, hướng dẫn sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả. Nhờ đó, hội viên vay vốn luôn phát triển kinh tế tốt, tạo thu nhập ổn định và trả được lãi, nợ gốc cho ngân hàng.
Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Hà Thị Hạnh cho biết, thực hiện Chỉ thị số 40, những năm qua, Hội Phụ nữ tỉnh đã nhận ủy thác của NHCSXH để cho 41 nghìn lượt hộ vay vốn, với tổng dư nợ đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Trong đó, 5 nghìn hội viên vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn tại Hội Phụ nữ tỉnh chỉ là 0,23%, giảm 0,37% so với năm 2014 (khi chưa có Chỉ thị số 40).
Bên cạnh Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh cũng là một trong những đơn vị thực hiện khá hiệu quả công tác ủy thác cho vay tín dụng chính sách. Sau khi Chỉ thị 40 được ban hành, với trách nhiệm của mình, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội trực thuộc nâng cao vai trò trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Đến nay, thông qua 416 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hơn 18.680 hội viên được vay vốn ưu đãi, với tổng dư nợ qua NHCSXH tỉnh hơn 705 tỷ đồng.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Nông Đào Thái Hòa đánh giá, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, đông đảo người dân, nhất là hộ nghèo, đều có thể dễ dàng tiếp cập được với nguồn vốn chính sách. Cũng nhờ sự kiểm tra, giám sát của các tổ chức hội, đoàn thể, nên NHCSXH đã thực hiện có hiệu quả hơn các chương trình tín dụng chính sách tại cơ sở.
Trong những năm qua, cùng với Chỉ thị số 40, tín dụng chính sách ở Đắk Nông đang góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hàng nghìn người nghèo trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được với nguồn vốn, có điều kiện phát triển kinh tế để thoát khỏi tình cảnh đói nghèo. Đó thực sự là ý Đảng làm thỏa nguyện lòng dân.
Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đắk Nông lần thứ XI xác định: Tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm tại NHCSXH tỉnh đạt từ 10% trở lên; nợ quá hạn dưới 0,5%. Hàng năm, tỉnh dành trên 10 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH đáp ứng 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp, 100% nhu cầu vay vốn của HSSV; duy trì, tạo việc làm cho 25.000 lao động tại địa phương. |
Bài và ảnh Lương Nguyên
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Hiệu ứng đột phá từ sự chuyển dời nhận thức
- » Quảng Ngãi tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
- » Hội nghị trực tuyến sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 tại Nghệ An
- » Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW: Tạo đột phá trong tín dụng chính sách ở Nghệ An
- » Đoàn Kiểm tra, giám sát HĐQT NHCSXH làm việc tại Bình Thuận
- » Thoát nghèo vươn lên khá giả nhờ vay vốn nuôi gà thả đồi
- » Tín dụng chính sách tiếp sức người nghèo