Ý Đảng làm thỏa nguyện lòng dân (Kỳ 1: Đảng gần dân, sát dân)
Nhiều “điểm sáng” tín dụng chính sách
Xã Nam Đà là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Hiện, toàn xã có gần 1.400 lượt hộ gia đình được vay vốn, với dư nợ gần 45 tỷ đồng. So với thời điểm cuối 2014 (thời điểm chưa có Chỉ thị số 40), nguồn vốn cho vay tăng hơn 27 tỷ đồng, và tăng hơn 760 hộ vay. Tỷ lệ nợ quá hạn của xã chỉ chiếm 0,05% dư nợ, mức thấp nhất tại các địa phương trong tỉnh.
Chủ tịch UBND xã Nam Đà, Phạm Ngọc Ánh cho biết, sau khi có Chỉ thị số 40, Đảng ủy xã Nam Đà đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02 về tăng cường tín dụng chính sách và chỉ đạo tổ chức họp các chi bộ trực thuộc để triển khai, định hướng thực hiện hiệu quả nghị quyết chuyên đề. Cùng với đó, UBND xã Nam Đà đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện Krông Nô nâng cao hoạt động bình xét, giải ngân vốn vay. Đặc biệt, quan tâm chỉ đạo sâu sát khâu kiểm tra, giám sát trong quá trình vay vốn, sử dụng vốn; hạn chế tối đa tình trạng chây ì, nợ lãi hàng tháng, nợ gốc khi đến kỳ hạn của các hộ vay.
Nguồn vốn tín dụng chính sách khi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đa phần được thực hiện hiệu quả, góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Nếu như năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã đạt trên 10% thì đến năm 2018, con số đó giảm xuống còn 4,4%. Dự kiến hết năm 2019, toàn xã phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,2%.
Cũng là một địa phương thực hiện khá hiệu quả Chỉ thị số 40, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp đã tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình được vay vốn ưu đãi để làm ăn. Đây cũng là địa phương duy nhất của huyện Đắk R’lấp không có nợ quá hạn với NHCSXH đến thời điểm hiện tại. Đó là nhờ cả vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tín, Điểu M’Bơn chia sẻ, hàng năm, UBND xã Quảng Tín đã xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch; phối hợp với NHCSXH huyện Đắk R’lấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ dân nằm trong diện chính sách hiểu rõ chủ trương, chính sách, quy định của các chương trình tín dụng sách xã hội đang triển khai. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã cũng tiến hành theo dõi thường xuyên việc sử dụng nguồn vốn vay của người dân. Vì thế, nhiều hộ dân nâng cao trách nhiệm của mình, trả nợ đúng thời hạn. Đến nay, toàn xã có gần 1 nghìn hộ gia đình được vay vốn ưu đãi, với dư nợ tại NHCSXH là gần 35 tỷ đồng. So với năm 2014, nguồn vốn cho vay tăng 20 tỷ đồng và gần 650 hộ vay vốn.
Chuyển biến rõ nét
Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Nông, Đào Thái Hòa cho biết, sau khi triển khai Chỉ thị số 40, bên cạnh việc phân bổ nguồn vốn từ Trung ương và nguồn lực địa phương để tập trung giải ngân cho vay, quá trình bình xét, cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay tại cơ sở luôn được NHCSXH các huyện trực thuộc thực hiện sâu sát. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với NHCSXH nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Cho đến thời điểm này, Chỉ thị số 40 đã thực sự đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác tín dụng chính sách cũng vì thế mà được nâng cao hiệu quả. Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Nguyễn Đình Trung đánh giá, mỗi tổ chức cơ sở Đảng đã thực sự phát huy trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40. Minh chứng cho điều này là mỗi đơn vị đã xây dựng, triển khai, ban hành nhiều nghị quyết thực hiện. Các tổ chức cơ sở Đảng cũng đã trực tiếp chỉ đạo chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả Chỉ thị này. Nhờ đó, sau 5 năm, nguồn vốn cho vay ưu đãi, chất lượng tín dụng, số hộ được vay vốn trong toàn tỉnh tăng gấp nhiều lần so với năm 2014. Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2019, tổng nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Đắk Nông đạt hơn 2.600 tỷ đồng, với gần 70.000 hộ gia đình được vay vốn; tăng hơn 1.000 tỷ đồng và 11.860 hộ vay so với thời điểm cuối năm 2014.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tỉnh Đắk Nông đã cùng với hệ thống NHCSXH ưu tiên tập trung mọi nguồn lực bổ sung để hỗ trợ vay vốn cho người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Giai đoạn 2014 - 2019, nguồn ngân sách của tỉnh và các nguồn lực địa phương ủy thác cho NHCSXH tỉnh là hơn 76 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, toàn tỉnh đã giúp hàng nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Bài và ảnh Lương Nguyễn
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Kiến tạo sức bền nông thôn mới
- » Tọa đàm “An toàn tài chính cho phụ nữ”
- » Khánh Hòa sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng
- » Toạ đàm “Giáo dục tài chính cho hộ nghèo và đối tượng chính sách qua điện thoại di động”
- » CHO TÂY NGUYÊN THÊM XANH (Kỳ 2: Có thêm động lực từ Chỉ thị số 40)
- » CHO TÂY NGUYÊN THÊM XANH (Kỳ 1: Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi)
- » Vượt lên đói nghèo