Quảng Ngãi tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quá trình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hoạt động của NHCSXH các cấp, đặc biệt quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc…
Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi Trần Duy Cường cho biết: Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương cũng giúp NHCSXH chủ động hơn về nguồn vốn, giảm bớt sự phụ thuộc đối với ngân sách trung ương. Đến nay, tổng nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 160 tỷ đồng, tăng 107 tỷ đồng so với cuối năm 2014.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác; thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả. Đến nay, 4 tổ chức chính trị - xã hội đang tham gia quản lý 2.790 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại thôn, bản với 96.653 hộ vay, số tiền 3.324 tỷ đồng, chiếm 99,67%/tổng dư nợ.
Dấu ấn tín dụng chính sách xã hội
Tính đến hết tháng 6/2019, NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 3.335 tỷ đồng, với gần 100 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã tạo điều kiện cho 20.302 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, trang trải chi phí học tập; 9.409 lao động được tạo việc làm và đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; 12.451 hộ vay vốn để SXKD tại vùng khó khăn; 41.598 công trình NS&VSMTNT được xây dựng; 1.343 căn nhà cho hộ nghèo được xây mới,…
Qua đó, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã giúp cho gần 55 nghìn hộ thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo đến nay xuống còn 9,39%, ước tính đến hết năm 2019 giảm còn 7,79% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020) và có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Vài năm trước, gia đình ông Đinh Văn Hòa ở thôn Hà Thành, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà là một trong những hộ nghèo của xã. Nhà có ruộng vườn, nhưng do thiếu vốn, gia đình ông cứ mãi sống trong vòng luẩn quẩn nghèo khó. Cuộc sống thực sự thay đổi khi ông được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để cải tạo 2ha mía, mua thêm giống keo để trồng và chăn nuôi thêm trâu, gà.
Với sự nỗ lực của bản thân, kinh tế gia đình ông khấm khá, cuộc sống ổn định hơn với khoảng 1ha keo, 1,5ha mía, trên 10 sào ruộng. Ngoài ra, ông còn đầu tư mua thêm máy băm ruộng để kiếm thêm thu nhập. Sau khi trừ chi phí, thu nhập gia đình ông Hòa đạt khoảng 100 triệu đồng/năm. Đến nay, ông trả được nợ ngân hàng, thoát nghèo và trở thành hộ nông dân làm kinh tế giỏi của địa phương.
Giống như ông Hòa, gia đình ông Đinh Quang Ôn ở thôn Hoăn Vậy, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà cũng là một trong những hộ đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH để làm kinh tế. Cuộc sống gia đình ông ổn định hơn, nhà cửa được xây dựng khang trang, có điều kiện lo cho con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40 và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, tỉnh mong muốn Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét, bố trí kinh phí, hỗ trợ đối ứng từ ngân sách Nhà nước cùng với nguồn vốn từ NHCSXH cho hộ nghèo vay vốn, nhằm đảm bảo kinh phí xây dựng nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, nâng mức cho vay chương trình HSSV; nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân vùng khó khăn và chương trình cho vay giải quyết việc làm.
Bên cạnh đó, cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định; kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, điều chỉnh cơ chế xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan phù hợp với đặc điểm, điều kiện đặc thù của hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS nhằm tạo cơ hội phục hồi SXKD vươn lên thoát nghèo bền vững,…
Bài và ảnh Thanh Diễm
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW: Tạo đột phá trong tín dụng chính sách ở Nghệ An
- » Đoàn Kiểm tra, giám sát HĐQT NHCSXH làm việc tại Bình Thuận
- » Thoát nghèo vươn lên khá giả nhờ vay vốn nuôi gà thả đồi
- » Tín dụng chính sách tiếp sức người nghèo
- » Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cơ sở
- » Công đoàn cơ sở NHCSXH tỉnh Thanh Hóa trao quà cho người dân bị thiệt hại do mưa lũ tại Mường Lát
- » Sơn La sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư