Hiệu quả cho vay đồng bào DTTS ở Sơn La

24/07/2018
(VBSP News) Đồng bào DTTS ở tỉnh Sơn La chiếm 84,5% dân số trên toàn tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh Sơn La có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho trên 1,1 triệu người dân trên địa bàn, song do xuất phát điểm thấp cùng khó khăn đặc thù của vùng miền núi nên kết quả chưa cao, hiện vẫn còn 5/64 huyện nghèo nhất nước, với 102 xã, 1.341 thôn bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 55%.
Tại các buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, các hội, đoàn thể tuyên truyền kịp thời cho bà con hiểu về chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước và cùng trao đổi cách làm hay trong phát triển kinh tế hộ

Tại các buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, các hội, đoàn thể tuyên truyền kịp thời cho bà con hiểu về chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước và cùng trao đổi cách làm hay trong phát triển kinh tế hộ

Để thúc đẩy kinh tế phát triển và thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sơn La tập trung lãnh đạo các vấn đề chủ yếu như xây dựng cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý hợp lý, chuyển mạnh kinh tế tự nhiên, tự cung tự cấp sang nền kinh tế hàng hóa, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư theo Chương trình 134, 135, 30a, chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt tập trung ưu tiên đầu tư tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS tại các huyện nghèo các xã bản đặc biệt khó khăn. Nhờ vậy, 5 huyện nghèo Mường La, Phù Yên, Quỳnh Nhai, Bắc Yên, Sốp Cộp có được diện mạo mới về kinh tế - xã hội, hàng vạn gia đình đồng bào DTTS được cải thiện cuộc sống, được sử dụng điện lưới quốc gia, được dùng nước hợp vệ sinh, được xóa nhà tạm dột nát và tỷ lệ hộ nghèo được giảm bình quân 3,7%/năm. Nổi bật là 100% hộ DTTS được tiếp cận thuận lợi hầu hết các chương trình tín dụng từ NHCSXH, trong đó có đến 12 chương trình có đối tượng là hộ đồng bào DTTS và 3 chương trình tín dụng dành riêng cho những gia đình DTTS đặc biệt khó khăn với dư nợ trên 1.969 tỷ đồng, chiếm 51% tổng dư nợ của NHCSXH.

Huyện Mường La là một trong những điển hình trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hiệu quả ở Sơn La. Hiện có 16 Điểm giao dịch/16 xã trên toàn huyện đang hoạt động ổn định, tạo điều kiện cho đồng bào vay vốn dễ dàng, đầu tư kịp thời mùa vụ sản xuất, phát triển đàn gia súc. Hơn 330 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi đầu tư đã góp phần đắc lực cho vùng rẻo cao này đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa ngày càng rõ rệt, đồng thời thực hiện một số dự án mới như sản xuất rau sạch, hoa quả tươi, khoai tây giống tại các xã Ngọc Chiến, Nậm Giôn, Chiềng Hoa, Hủa Trai… Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc còn mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn tín dụng ưu đãi khai thác 130ha mặt nước, đưa mô hình nuôi cá tầm Việt Nam ở các xã Mường Chai, Chiêng Loa, Hua Trại, thị trấn Ít Ong đạt năng suất 260 kg/lồng cá, thu nhập 90 triệu đồng/ha/năm.

Nhiều mô hình kinh tế gia đình của đồng bào DTTS tại Sơn La phát triển bền vững nhờ phát triển hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Nhiều mô hình kinh tế gia đình của đồng bào DTTS tại Sơn La phát triển bền vững nhờ phát triển hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, bản làng vùng sâu, vùng xa ở huyện Mường La đã phát huy được tiềm năng lợi thế, từng ngày thay da đổi thịt, cộng đồng người Mông, Thái, Dao, Khơ Mú… đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Tiêu biểu như gia đình ông Lò Văn Hòa, dân tộc Thái ở bản Hốc xã Nặm Păm, năm 2014 được tiếp cận chương trình tín dụng ưu đãi dành riêng cho hộ đồng bào DTTS cho vay 8 triệu đồng theo Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ cùng lồng ghép với các nguồn vốn chính sách khác đã hỗ trợ công việc chăn trâu, bò sinh sản và cải tạo đất thành vườn cây ăn quả bưởi, cam, chanh leo. Dần dà qua thời gian do làm tốt việc chăm sóc, phòng bệnh nên vườn cây xanh tốt, trâu bò béo khỏe, sinh sản đều đều. Việc phát triển kinh tế gia đình được thuận lợi, ông bà Hòa trả hết nợ vay ngân hàng, tu sửa nhà ở kiên cố và thực hiện kế hoạch vay thêm vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại.

Ngoài gia đình ông Lò Văn Hòa ở xã Nặm Păm, còn có hàng trăm hộ đồng bào DTTS nhờ đồng vốn chính sách mà thoát cảnh nghèo khó, nâng cao cuộc sống như gia đình chị Lường Thị Pắc hiện đã có 4 con bò thịt, đàn gà đen 100 con; hộ bà Lò Thị Hạo ở bản Piềng có 6 con lợn nái, 8 lồng nuôi cá trắm, chép giữa lòng hồ thủy điện Sơn La…

Phó Chủ tịch UBND xã Nặm Păm Tòng Thị Pùa cho hay: “Từ nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho đồng bào DTTS đã hỗ trợ bà con 11 bản trong xã phát triển khá mạnh phong trào chăn nuôi trâu bò sinh sản, gà đen, có lồng cá bè lòng hồ. Đại bộ phận gia đình người Mông ở Nặm Păm nhờ sử dụng vốn chính sách không chỉ thoát nghèo, ổn định cuộc sống mà đã thâm canh cây trồng vật nuôi thành hàng hóa, làm giàu chính đáng”.

Rời huyện 30a Mường La, chúng tôi về Tân Lập một xã đặc biệt khó khăn của thảo nguyên Mộc Châu đang mùa thu hoạch mận. Bản làng nơi đây đổi thay nhanh chóng, những mái nhà tranh tre xiêu vẹo ngày nào được thay bằng những ngôi nhà lợp ngói, triền đồi bát ngát màu xanh no ấm của chè, táo, mận, măng điền trúc. Ông Lò Văn Thống ở bản Hoa 2 tâm sự, trước đây, người dân Tân Lập chủ yếu sống nhờ vào nương rẫy, nhưng từ khi gia đình vay được vốn tín dụng chính sách qua NHCSXH huyện Mộc Châu, kể cả 8 triệu đồng lãi suất 0,1%/tháng dành cho đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để chăn nuôi trâu bò, khai hoang mở đất trồng ngô lai, mận hậu, hồng không hạt; thêm vào đó lại được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nhờ vậy mà năng suất cao, thu nhập khá, làm cho cuộc sống gia đình yên vui hơn, thoát cảnh nghèo túng.

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La Thào Xuân Nếnh nhận xét: “Nhờ nguồn vốn ưu đãi các huyện, xã vùng cao hiện nay có 94% nhà ở của đồng bào dân tộc được xây dựng vững chắc, thoáng đãng, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm rõ rệt, từ 55% xuống dưới 30%, thu nhập đầu người bình quân tăng trên 20 triệu đồng/năm”.

Có thể khẳng định, những kết quả thiết thực trong công cuộc giảm nghèo tại các vùng đồng bào DTTS tại Sơn La có phần đóng góp đắc lực của nguồn vốn nguồn vốn tín dụng chính sách. Các huyện nghèo rẻo cao, các xã đặc biệt khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa ở Sơn La đang chuyển biến tích cực về mọi mặt. Đồng bào ngày càng phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. NHCSXH từ tỉnh đến huyện tiếp tục huy động, tạo lập nguồn vốn, kịp thời truyền tải nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, quyết tâm đầu tư trúng và đúng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh Đông Dư

Các tin bài khác