Đồng bào ở Krông Ana thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi
Chị H’Nhi Adrơng, người dân tộc Ê Đê ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana trước đây thuộc diện hộ nghèo, không có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Năm 2005, được các cấp Hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động, gia đình chị mạnh dạn vay 7 triệu đồng từ NHCSXH huyện để mua 01 con trâu phục vụ việc cày đất thuê, kéo guồng bóc tách hạt ngô cho bà con ở địa phương. Tích cóp dần từng đồng vốn, gia đình chị mua vật tư, phân bón chăm sóc vườn cà phê lên xanh tốt, năng suất cao, cho nên đến năm 2008 chị đã trả hết nợ vay cũ. Gia đình chị tiếp tục được NHCSXH huyện cho vay vốn để đầu tư thâm canh cây cà phê, lúa nước, ngô lai… Đến năm 2014, gia đình không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Chị H’Nhi Adrơng chia sẻ: “Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, gia đình mình cảm ơn NHCSXH nhiều lắm! Lúc vợ chồng mới cưới nhau ra ở riêng, cuộc sống khó khăn đủ bề, nhờ nguồn vốn ưu đãi và sự hướng dẫn tận tình của cán bộ NHCSXH, mình đầu tư chăm sóc cà phê, hồ tiêu và mua trâu, bò về chăn nuôi, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Các gia đình anh Y Đuân, chị H’Wen K’tla ở buôn Chóa, xã Ea Na hay gia đình anh Y Gim Byă ở buôn Căm, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana… cùng nhiều hộ khác cũng đã thoát nghèo từ nguồn vốn vay của NHCSXH. Anh Y Gim Buôn Byă cho biết: “Trước đây khi chưa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, mình gặp khó khăn về nguồn vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Đi vay vốn NHTM thì lãi suất cao, làm không có lãi. Vì vậy, cái nghèo cứ đeo bám gia đình mình cũng như nhiều bà con trong buôn, không dứt ra được. Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, hồ đập thủy lợi, cấp đất sản xuất, nhờ có nguồn vốn ưu đãi này đã giúp cho gia đình mình cũng như hàng trăm hộ dân khác ở địa phương thoát khỏi đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống”.
Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn ưu đãi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo là người DTTS vay đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, hằng tháng, NHCSXH tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo NHCSXH các huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tại Điểm giao dịch xã; đồng thời giảm thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, cận nghèo vay vốn dễ dàng.
Nhiều năm nay, NHCSXH huyện Krông Ana duy trì tốt hoạt động tại Điểm giao dịch xã, thị trấn; thực hiện giao dịch cố định vào các ngày trong tháng ngay tại cơ sở. Tại mỗi Điểm giao dịch xã đều công khai bảng biểu về chế độ chính sách tín dụng ưu đãi, lãi suất cho vay; công khai dư nợ và các văn bản mới liên quan đến tín dụng chính sách… Từng Tổ giao dịch lưu động của NHCSXH huyện cũng hoạt động hiệu quả, tỷ lệ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi tại các Điểm giao dịch luôn đạt từ 95% trở lên.
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Na, huyện Krông Ana Y Pil Êban cho biết: Xã Ea Na hiện có hơn 3.700 hộ, với 13.800 khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 30% dân số, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của NHCSXH huyện, đến nay 1.760 hộ dân trong xã được vay vốn ưu đãi với dư nợ hơn 35 tỷ đồng để đầu tư chăm sóc cà phê, hồ tiêu, trồng cây ăn trái và mở rộng chăn nuôi theo mô hình trang trại… Nhờ nguồn vốn ưu đãi kết hợp hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, hội nghị tập huấn, chuyển giao KHKT của ngành nông nghiệp được tổ chức xuống tận cơ sở cho nên trong những năm gần đây đã giúp cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn thoát nghèo bền vững, nhiều hộ đã vươn lên khá giả.
Giám đốc NHCSXH huyện Krông Ana Bùi Văn Tuyên khẳng định: Xác định nhiệm vụ là phục vụ người nghèo, đồng bào DTTS, người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, NHCSXH huyện luôn duy trì tốt hoạt động Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn, thực hiện giao dịch cố định vào các ngày trong tháng. Ngoài ra, ở các thôn, buôn còn có các Tổ giao dịch lưu động để phối hợp các hội, đoàn thể tư vấn, hướng dẫn và giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay sao cho phát huy hiệu quả cao nhất. Tính đến thời điểm hiện nay, doanh số cho vay của NHCSXH huyện đạt hơn 225 tỷ đồng với hàng nghìn lượt hộ vay để đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, sửa chữa nhà ở, xây dựng công trình nước sinh hoạt…
Đến thăm các buôn làng vùng sâu, vùng khó khăn ở huyện Krông Ana hôm nay, bộ mặt buôn làng đã có nhiều thay đổi, cuộc sống của đồng bào không ngừng được cải thiện. Trong sự thay đổi lớn đó có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo, người đồng bào DTTS đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh Công Lý
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đồng vốn nặng tình đồng đội
- » Người nghèo vùng DTTS và miền núi được vay tối đa 50 triệu đồng
- » Phụ nữ xã Võ Ninh thoát nghèo từ vốn ưu đãi
- » Diện mạo mới trên vùng cao Đakrông
- » Tăng cả quy mô lẫn chất lượng
- » Quảng Bình tăng nguồn vốn chính sách giảm nghèo bền vững
- » Tổng kết công tác thi đua của Khối thi đua Khối Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở năm 2016
- » Hội thảo đánh giá giới về khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động
- » Kinh nghiệm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở Cần Thơ
- » Bản Nghèo thoát nghèo nhờ đồng vốn chính sách