Vùng đất khó trồng nấm trúng đậm

21/12/2012
(VBSP) Trong thời gian qua, HTX Phú Lương A, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) là đơn vị đi đầu, dẫn dắt bà con đến với nghề trồng nấm. Đây cũng là nơi tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn bà con cách sử dụng vốn vay chính sách hợp lý, đúng mục đích vào nghề trồng nấm. Hiện tại, HTX Phú Lương có hơn 230 hộ dân vay vốn, tham gia sản xuất nấm với 400 lao động, đạt thu nhập 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của HTX đã toả đi các thị trường thuộc các tỉnh, thành phố phía Nam, Hà Nội, Hải Phòng và đang hướng ra thị trường nước ngoài.
Xã viên HTX thực hiện các công đoạn sản xuất giống nấm sò

Xã viên HTX thực hiện các công đoạn sản xuất giống nấm sò

 Ông Nguyễn Thụ - Chủ nhiệm HTX Phú Lương A cho biết: “HTX được thành lập từ năm 2005, với sự khuyến khích của Hội ND và sự đầu tư kịp thời của NHCSXH huyện. Ban đầu ông Hồ Viết Diện (hiện là Phó Chủ nhiệm) cùng 6 người dân của xã tự bỏ tiền túi đi tham gia học hỏi trồng nấm ở các trại nấm ở Viện Di truyền nông nghiệp tại Hà Nội. Năm 2006, mẻ nấm đầu tiên được nghiệm thu thành công. Từ đó đến nay, HTX Phú Lương A được xây dựng, phát triển, chuyên sản xuất các loại nấm mới như kim chi, linh chi, đùi gà…”.

Ông Thụ, Chủ nhiệm cho biết thêm: ngay từ buổi đầu thành lập, cơ sở vật chất rất khó khăn, song NHCSXH huyện Phú Vang đã cho các xã viên vay vốn ưu đãi của chương trình GQVL, đầu tư cho HTX mua máy sấy lạnh. Đây là loại máy sấy không làm mất màu, mất chất dinh dưỡng trong nấm, góp phần cho hàng năm HTX sản xuất được 12 tấn nấm sò, 10 tấn nấm rơm, đảm bảo chất lượng, đạt doanh thu tổng thể 3 - 4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi gần 300 triệu đồng.

Từ sự hỗ trợ đó đã trở thành “bà đỡ” mát tay cho nghề trồng nấm ở Phú Lương, góp phần giải quyết cho hàng trăm lao động địa phương, giúp người dân thoát nghèo, ổn định đời sống. Quan trọng hơn, người trồng nấm nơi đây có thể tự trồng nấm ở nhà, vừa tham gia sản xuất nấm ở HTX, tạo sự linh hoạt trong SXKD. Sản phẩm làm ra đã được HTX bao tiêu nên người dân rất yên tâm. Hiện tại, cùng với HTX, toàn xã Phú Lương có 10 thôn thì 7 thôn làm nấm với hơn 600 người tham gia và sử dụng gần 3 tỷ đồng vốn vay ưu đãi để phát triển nghề này ở nông thôn. Chị Nguyễn Thị Mùi ở thôn Xài Đông, phấn chấn kể với mọi người: “Gia đình tôi trồng nấm từ lâu rồi. Trước đây, mỗi mùa vụ thường đốt rơm ngay tại cánh đồng hoặc mang về chất thành đống cao làm chất đốt, vừa ô nhiễm, vừa phung phí. Từ khi HTX nấm Phú Lương A được thành lập và nhờ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, chúng tôi được học nghề trồng nấm. Gìờ đây, mỗi gia đình đều có từ 2 - 3 vòm nấm, thu nhập vài triệu đồng/tháng”.

Vừa phơi rơm, chị Mùi vừa nói say sưa về kỹ thuật trồng nấm. Theo lời chị, nguồn nguyên liệu, chi phí đầu vào sản xuất nấm, kể cả tiền mua giống cũng không cao lắm. Chỉ cần chuẩn bị rơm khô, đóng bịch, vô meo giống và đầu tư tiền vốn vay của ngân hàng hay của gia đình tự có đúng cách, đúng mục đích thì nhất định đạt kết quả cao về thu nhập từ nghề làm nấm. Ví như gia đình chị có 3 vòm nấm rơm, sò được đầu tư theo kỹ thuật mới và 15 triệu đồng vay cuả NHCSXH, đã cho thu từ 120 -150kg nấm tươi, với giá bán hiện nay, từ 40 - 60 ngàn đồng/kg, đã có thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê, chỉ riêng thôn Xài Đông đã có 215 hộ dân vay vốn chính sách, trồng nấm theo kỹ thuật mới, sản lượng bình quân 80 -100 ngàn tấn, doanh thu từ 3 - 4,5 tỷ đồng/năm. Bà con ở đây cho hay, ngoài 2 vụ lúa, nhờ vốn chính sách đầu tư, nghề trồng nấm phát triển mà nhiều hộ đã thoát nghèo, thành khá giả.

Ông Bí thư Đảng uỷ xã Hồ Thanh Uyển cho hay “Nghề trồng nấm đã cứu cánh nông dân xã Phú Lương. So với các nghề khác thì nghề trồng nấm được bà con nông dân tiếp thu nhanh hơn cả, đồng thời đồng vốn chính sách đầu tư cũng mang lại hiệu quả  rõ rệt”.

Thanh An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác