Giúp hộ cận nghèo xóa nghèo bền vững

21/12/2012
(VBSP) Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, ranh giới giữa hai đối tượng này chỉ cách nhau tối thiểu 1.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi giữa hai đối tượng này lại cách nhau một trời một vực và sự cách biệt này đang trở thành rào cản, khiến mục tiêu xóa nghèo bền vững khó đạt hiệu quả như mong muốn.
Tuy đã thoát nghèo nhưng cuộc sống gia đình anh Nguyễn Văn Thành vẫn bấp bênh do thiếu vốn

Tuy đã thoát nghèo nhưng cuộc sống gia đình anh Nguyễn Văn Thành vẫn bấp bênh do thiếu vốn

Lửng lơ hộ cận nghèo

 Theo chân cán bộ tín dụng của NHCSXH tỉnh Ninh Bình, chúng tôi tới xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, một xã thuần nông với 100% số hộ dân sống dựa chủ yếu vào nông nghiệp. Chia sẻ với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Tiên, Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban giảm nghèo xã cho biết: Xã có 1.266 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 165 hộ nghèo (chiếm 14,8%) và khoảng 90 hộ cận nghèo (chiếm 8%). Trong nhiều năm qua, chính sách cho vay vốn của Nhà nước đối với hộ nghèo đã phát huy hiệu quả. Ðến thời điểm này, đã có 208 hộ nghèo trên địa bàn xã được vay vốn của NHCSXH, trong đó 128 hộ là hộ nghèo và 80 hộ đã thoát nghèo. Tổng dư nợ sáu tháng đầu năm tính đến thời điểm này là 2,03 tỷ đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, phần lớn các hộ cận nghèo trong xã hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, bởi thực chất, ranh giới giữa các hộ nghèo và hộ cận nghèo cũng rất mong manh, chỉ cách nhau 1.000 đồng/người/tháng. Và trong khi đối tượng hộ nghèo được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ như được vay vốn lãi suất thấp, được hưởng các chế độ ưu tiên về y tế, giáo dục,… thì đối tượng hộ cận nghèo lại không được hưởng bất kỳ một chế độ ưu đãi nào. Thực tế trong địa phương thời gian qua, có không ít hộ nghèo sau một thời gian thoát nghèo, vì lý do thiên tai, dịch bệnh,… và đặc biệt vì thiếu vốn SXKD, lại quay trở lại tái nghèo. Hộ anh Nguyễn Văn Thành, ở xóm 1, xã Khánh Tiên là một trong những hộ như vậy.

Thoát nghèo từ năm 2001, nhưng với bốn nhân khẩu mà chỉ biết trông chờ vào hơn ba sào lúa và đàn lợn, gà khi được, khi mất nên từ khi thoát nghèo đến nay, gia đình anh cũng chỉ quẩn quanh ở mức đủ ăn. Vài năm trở lại đây, bố ốm, các con anh cũng dần lớn khôn, kèm theo đó là chi phí cho cuộc sống cũng ngày càng tăng, cho nên gia đình anh lại lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Anh tâm sự: “Tôi rất mừng vì nhờ số vốn vay từ NHCSXH, gia đình tôi đã từng bước thoát nghèo. Nhưng mấy năm gần đây, kinh tế khó khăn, lại thêm gia đình có người ốm cho nên cho dù đầu tắt mặt tối làm ăn, nhưng gia đình vẫn không tích lũy được đồng nào, nhiều lúc thiếu trước hụt sau”. Có kế hoạch sẵn là sẽ thuê mảnh đất bên cạnh để đào ao, nuôi cá, nhưng tất cả vẫn chỉ là dự án vì lý do anh đưa ra, đó là thiếu vốn. “Tôi chỉ mong vay được từ 20 đến 30 triệu đồng với lãi suất thấp dưới 1%/tháng, nhưng hỏi ngân hàng nào họ cũng lắc đầu vì tôi không có tài sản thế chấp. Bây giờ, chỉ còn biết trông mong vào Chính phủ, vào NHCSXH cho vay”, anh tâm sự.

Theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015):

Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống. Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6 triệu đồng/người/năm) trở xuống.

Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng. Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.

Cũng giống gia đình anh Thành, nhưng gia đình anh Ðinh Văn Thanh, ở xóm 4, thôn Ngọc Ðông, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, còn lâm vào tình cảnh khốn khó hơn khi đàn vịt anh đầu tư đang đối mặt với dịch bệnh, có nguy cơ mất trắng. Sau khi thoát nghèo nhờ 8 triệu đồng vay từ NHCSXH huyện Gia Viễn cách đây vài năm, cuộc sống gia đình anh vẫn không hết bấp bênh. Không còn được vay vốn từ NHCSXH trong khi tiềm lực gia đình chưa đủ mạnh, cho nên  vợ chồng anh phải nhận thầu 9 sào ruộng. Ngoài ra, do không vay được vốn ở các Ngân hàng thương mại nên anh đánh liều vay bên ngoài 40 triệu đồng với lãi suất 3%/tháng để chăn nuôi vịt và kinh doanh cám. Nhưng hai năm nay, kinh tế khó khăn, giá cám tăng trong khi giá vịt ngày càng rẻ, lại thêm dịch bệnh, khiến anh càng trở nên túng quẫn. “Tôi chỉ mong được NHCSXH cho vay vốn với lãi suất thấp để có thể trả hết nợ bên ngoài, tiếp tục đầu tư kinh doanh cám, nuôi bò, để phát triển kinh tế gia đình”, anh Thanh mong mỏi.

Cần sự tiếp sức kịp thời

Theo con số thống kê mới nhất của Bộ LĐTB&XH, cả nước hiện có hơn 1,5 triệu hộ cận nghèo (chiếm 6,98% tổng số hộ). Ðây là những đối tượng không đủ điều kiện để được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Ðồng thời, do không có tài sản thế chấp nên đây cũng là những đối tượng rất khó tiếp cận nguồn vốn từ các Ngân hàng thương mại để phát triển kinh tế gia đình. Thực tế, hộ cận nghèo là những đối tượng rất dễ bị tác động bởi các điều kiện tự nhiên cũng như sự thay đổi của kinh tế - xã hội. Chỉ cần thiên tai, dịch bệnh xảy ra, hoặc nền kinh tế biến động xấu, hộ cận nghèo có thể trở thành hộ nghèo trong thời gian rất ngắn. Vì vậy, bản thân người dân, cũng như chính quyền các cấp, hội, đoàn thể đã có nhiều đề xuất về việc nên mở rộng đối tượng vay vốn đối với những hộ cận nghèo.

Theo Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban giảm nghèo xã Gia Minh, huyện Gia Viễn, Vũ Ðức Hạnh, nhờ vốn vay từ NHCSXH, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể, từ 27% năm 2008 đến nay xuống còn 13,06% (theo tiêu chí hộ nghèo mới). Tuy nhiên, trên địa bàn xã, tỷ lệ hộ cận nghèo vẫn còn 17,8% (187 hộ/810 hộ). Ðây là những hộ tuy vượt qua ngưỡng nghèo nhưng có nguy cơ tái nghèo cao vì không được tiếp tục vay nguồn vốn ưu đãi thông qua NHCSXH để tái đầu tư mở rộng sản xuất, tăng thu nhập. Là một xã thuần nông, lại nằm trong vùng chậm lũ, nên các hộ dân thuộc đối tượng cận nghèo đều cùng chung mong muốn được tiếp tục nhận sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là được vay vốn tín dụng ưu đãi để ổn định đời sống, đầu tư phát triển sản xuất.

“Là túi lũ của vùng cho nên có những thời điểm lũ về, chỉ sau một đêm, lũ cuốn trôi sạch banh của cải, nhiều hộ dân phải tạm sống trên mái nhà chờ cơn nước rút”,  Chủ tịch Hội PN xã Gia Minh Nguyễn Thị Huyền, tâm sự. Ðể các hội viên thoát nghèo, Hội PN xã cũng như chính quyền địa phương, các cấp hội, đoàn thể khác đã có nhiều nỗ lực, tạo điều kiện để chị em làm ăn kinh tế. Tuy nhiên, để thoát nghèo bền vững, người dân vẫn thật sự cần hỗ trợ, nhất là nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.

Cùng với đó, nhiều ý kiến khác cũng đề xuất Chính phủ bổ sung đối tượng cho vay và cơ chế cho vay đối với hộ gia đình cận nghèo theo hướng mức cho vay, thủ tục như hộ nghèo, nhưng lãi suất gần hoặc ngang bằng lãi suất thị trường. Với cách này, ngân sách Nhà nước sẽ không bị ảnh hưởng vì không phải cấp bù lãi suất, chi phí NHCSXH tăng không đáng kể, điều quan trọng là hộ cận nghèo được tiếp cận vốn vay và hưởng ưu đãi về cách thức phục vụ. Ðiều này cũng hoàn toàn phù hợp với yêu cầu “nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững” mà Nghị quyết số 5 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã đề ra.

Hồng Anh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác