Làm theo ông Kàn sẽ hết nghèo

21/12/2012
(VBSP) Đó là điều mà nhiều hội viên nông dân xã Tân Phượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) tự hào về ông Trịnh Hữu Kàn - Chủ tịch Hội ND xã mình.
Ông Kàn chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với hội viên

Ông Kàn chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với hội viên

 Ông Kàn bảo, bản người Dao của ông trước đây nghèo lắm. Đói ăn nên không ai chịu đi học. Người Dao chỉ biết lầm lũi lên nương, vào rừng hái lượm củ măng, bông chít, kiếm cái ăn qua ngày thôi.

Có cái chữ mới hết nghèo

Từ nhỏ ông Kàn đã đam mê đèn sách. Ông luôn ý thức, muốn thoát nghèo phải có kiến thức, phải đi học cái chữ. Học hết cấp II ở bản, ông vượt 30km đường rừng ra thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên để học cấp III. Ngày đó đường sá đi lại khó khăn, nhà nghèo không có tiền mua xe đạp, ông phải đi bộ ra thị trấn học.

Cuối tuần, ông về nhà gùi gạo, gùi củi ra trọ học. Ngày đó, ở tuổi ông, trong bản chỉ có mình ông đi học. Người trong bản bảo: “Đúng là Kàn thật, là đồ dở hơi, hâm hấp…”. Học hết cấp III, do bố mẹ già, các em còn nhỏ, ông đành tạm gác giấc mơ học tiếp lên cao.

Có trình độ văn hoá, ông được bổ nhiệm làm cán bộ văn hoá, rồi Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã. Năm 2005, ông được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội ND xã. Thấu hiểu những khó khăn, cực nhọc của bà con, do nhận thức yếu kém, ông tâm sự: “Bản người Dao nghèo một phần do thiếu hiểu biết, do không có kiến thức. Muốn đồng bào Dao đưa giống cây, con mới, khoa học kỹ thuật vào trồng lúa, nuôi lợn… mình phải làm gương để mọi người noi theo” - ông Kàn tâm sự.

Làm giỏi để bà con làm theo

Đi nhiều nơi tham quan học hỏi, trở về, ông xây chuồng trại để nuôi lợn. Bây giờ, trong chuồng lợn nhà ông lúc nào cũng có 30 con. Trong chăn nuôi, ông tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm phòng định kỳ, đồng thời sử dụng thức ăn chăn nuôi để rút ngắn thời gian xuất chuồng. Với cách làm này, mỗi năm ông xuất 2 lứa lợn.

“Muốn đồng bào Dao đưa giống cây, con mới, khoa học kỹ thuật vào trồng lúa, nuôi lợn… mình phải làm gương để mọi người noi theo”, ông Trịnh Hữu Kiên.

Ngoài lợn, ông còn nuôi 5 con trâu, trên 100 con vịt, hơn 100 con gà; trồng hơn 1 mẫu ruộng lúa. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên lúa nhà ông vụ nào cũng bội thu. Trung bình mỗi năm ông thu về trên 2 tấn thóc. Thóc nhiều, ăn không hết, ông dùng để chăn nuôi. Tính tổng thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm, gia đình ông thu gần 100 triệu đồng. Không những vậy, gia đình ông còn nhận chăm sóc, bảo vệ 25ha rừng tự nhiên phòng hộ. Khu rừng của ông chưa bao giờ để xảy ra phá rừng, cháy rừng.

Những kinh nghiệm đúc rút trong quá trình trồng lúa, nuôi lợn, gà, vịt… của gia đình, ông hướng dẫn lại bà con trong bản, trong xã. Thấy ông nói đúng như những gì ông làm được, bà con dân bản tin, nghe theo lời ông. Đã có hàng chục gia đình làm theo cách ông Kàn hướng dẫn không những hết đói nghèo mà đã có của ăn của để. Như hộ ông Bàn Hữu Phẩm, từ nghèo đói, theo chỉ dẫn của ông Kàn đã vay trên 30 triệu đồng NHCSXH để nuôi lợn. Giờ đây, mỗi năm ông xuất bán trên 100 con lợn thịt, thu về khoảng 50 triệu đồng. “Nhờ có ông Kàn động viên, giúp đỡ, gia đình tôi mới có ngày hôm nay” - ông Phẩm tâm sự.

Năm nào ông Trịnh Hữu Kàn cũng được UBND xã tặng Giấy khen; được Hội ND huyện khen thưởng… Song, phần thưởng lớn nhất đối với ông là số hộ nghèo đói trong xã ngày một ít đi, số hộ khá giàu ngày càng nhiều. Nội dung hoạt động của Hội ngày càng thiết thực, hiệu quả…

Triệu Huấn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác