Tuy đã thoát nghèo nhưng cuộc sống gia đình anh Nguyễn Văn Thành vẫn bấp bênh do thiếu vốn
Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình là làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân quê hương của cụ Nam Cao. Trong ngôi nhà cũ của nhà văn, chúng tôi được thưởng thức món chuối nổi tiếng thơm ngon, độc đáo. Đó là chuối Ngự Đại Hoàng, hay còn gọi là chuối tiến vua, sản phẩm vừa được cơ quan chức năng dán nhãn tem chỉ dẫn địa lý.
Mùa thu ăn chuối Đại Hoàng
Tích cũ xưa kể lại vào thời Trần, hàng năm vua Trần cùng các văn võ bá quan, cờ xí rợp trời xuôi thuyền từ Thăng Long về phủ Thiên Trường yết kiến Thái Thượng Hoàng. Một lần đến ngã ba Tuần Vường, đoàn thuyền dừng lại. Dân các làng đổ ra mừng đón. Mọi người ai cũng mang của ngon, vật lạ để dâng tiến vua. Cặp vợ chồng nông dân nọ ở làng Đại Hoàng, vì nghèo không có vật gì quý giá dâng tiến nên rất băn khoăn. May sao trong vườn nhà còn một buồng chuối nhỏ xinh xắn đã chín, toả hương thơm ngát. Họ bèn chặt hạ, đưa tiến vua cung kính mong được nhà vua thông cảm. Nhà vua bèn nếm thử, thấy vị ngọt, hương thơm, càng ăn càng thấy ngon. Vua ban thưởng và truyền cho dân làng Đại Hoàng nhân rộng loại chuối này để cho thần dân khắp nơi cùng thưởng thức. Từ đó loại chuối này ở Đại Hoàng được mang tên chuối Ngự.
Khác với loại chuối thông thường, chuối Ngự nhỏ hơn, khi chín có màu vàng da cam, cuống quả có màu xanh, đầu ruồi nhỏ, có 3 chiếc tua vươn dài cong cong rất đẹp. Vỏ mỏng, thịt vàng, ăn thơm, có vị ngọt thanh đạm, quyến rũ mà ăn nhiều không cảm thấy chán. Vào mùa thu mà được thưởng thức chuối Ngự cùng với cốm lúa non thì không gì sánh nổi. Thân phận chuối Đại Hoàng theo dòng thời gian cũng ba chìm, bảy nổi. Vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, xã vận động người dân chủ chuối để trồng cây lương thực, cây chuối Ngự đã gần như mất hẳn. Trước nguy cơ biến mất giống chuối quý, từ năm 2001 đến nay, được dự án bảo tồn gien chuối quý hiếm của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF/SGP - UNDP) tài trợ nên diện tích trồng chuối tại huyện Lý Nhân đang dần được hồi phục. Trong nhiều năm liền Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam phối hợp với Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội và các hộ dân làng Đại Hoàng triển khai thực hiện dự án bảo tồn gien giống chuối quí này và phát triển thành vùng chuyên canh trồng chuối Ngự đặc sản. Đến nay, diện tích trồng chuối của cả huyện Lý Nhân đã tăng lên nhiều, khoảng hơn 100ha, trong đó: chủ yếu tập trung ở Hòa Hậu, quê hương Chí Phèo ngày xưa. Mới đây Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất và tiêu thụ giống chuối đặc sản quí hiếm này của nước ta. Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp - Viện Cây lương thực & cây thực phẩm - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng đã phối hợp với Hội Sản xuất và tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng tổ chức lễ gắn tem nhãn chuối Ngự Đại Hoàng nhằm quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Đại Hoàng” cho sản phẩm chuối Ngự của Hà Nam. Sản phẩm chuối Ngự Đại Hoàng được gắn tem nhãn góp phần nâng cao giá trị và uy tín của sản phẩm trên thị trường, đồng thời giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm nổi tiếng của Hà Nam.
Làng “SIDA” thoát nghèo…
Tuy nhiên, chuyến công tác của chúng tôi về Lý Nhân lần này không chỉ để thưởng thức chuối Ngự mà còn để chứng kiến một Lý Nhân có nhiều bước đột phá trong công tác giảm nghèo của tỉnh Hà Nam. Lý Nhân là huyện lớn nhất của tỉnh Hà Nam, với số dân hiện tại vào khoảng 175 ngàn khẩu. Cách đây 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo ở đây là trên 18% nhưng càng về sau này tỷ lệ này càng giảm. Năm 2011, giảm xuống còn 15%, tuy nhiên chỉ trong vòng 1 năm qua tỷ lệ này đã được rút xuống rất nhanh. Theo số liệu của NHCSXH huyện thì nay tỷ lệ hộ nghèo ở Lý Nhân chỉ còn 12,5% và hộ cận nghèo còn 8,6%. Phải nói đây là một bước tiến ngoạn mục trong việc giảm nghèo của vùng đất chiêm trũng này.
Trong chuyến đi này, chúng tôi còn ghé được vào một địa danh “tai tiếng” của Lý Nhân là xã Chính Lý, một thời được biết ơn với cái tên “làng SIDA”, khiến cuộc sống của người dân trong xã bị đảo lộn. Đói nghèo, bệnh tật và cả sự xa lánh của người đời. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực vượt bậc, những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ đã đoàn kết vượt qua chính mình, giúp đỡ nhau cùng vươn lên sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Tiếp chúng tôi, ông Hoàng Văn Lộc - Chủ tịch UBND xã cho biết cách đây 10 năm (từ 2002 trở về trước) tỷ lệ hộ nghèo của Chính Lý lên tới 47,5%, nay giảm xuống chỉ còn độ 1/3 (15,5%), tương tự hộ cận nghèo cũng chỉ còn hơn 11%. Phải nói đây là nỗ lực phi thường của địa danh “nổi tiếng” này. Họ đang trên đường thoát nghèo nhờ những đồng vốn quí giá của NHCSXH cho các thế mạnh sản xuất nông nghiệp là chăn nuôi trồng trọt. Nhất là giống nhãn Khoái Châu có gốc gác từ Hưng Yên đang đâm chồi, bén rễ vào vườn tược nơi này. Họ đang thoát khỏi những điều tiếng của người đời bằng chính nghị lực của mình. Cũng như nhiều địa phương, chuyện thoát nghèo khó khăn gian khổ biết nhường nào, nhưng nguy cơ tái nghèo cũng là nỗi ám ảnh không nguôi với người dân Chính Lý.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Đỗ Thị Hiên, một chủ hộ cận nghèo ở đây cho biết: “Tôi quanh năm vất vả làm ruộng nhưng vẫn không đủ tiền cho con ăn học. Cũng may mà nhờ có nguồn vốn ưu đãi tín dụng của NHCSXH thông qua chương trình HSSV, các con tôi mới được đến trường. Đến nay, việc học tập của các cháu đã ổn định, một cháu đã ra trường còn một cháu vẫn đang học đại học. Cuộc sống của gia đình cũng khá lên, nhưng khó khăn vẫn còn không ít. Chị Hiên mong mỏi được tiếp tục vay vốn từ NHCSXH để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, để ổn định và phát triển cuộc sống gia đình, tránh tái nghèo trở lại. Chị Hiên tâm sự dù đã được xếp vào diện thoát nghèo nhưng vẫn lo lắm, vì số tiết kiệm được chẳng đáng là bao, muốn mở rộng sản xuất cũng khó. Nếu không được tiếp tục vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế, chẳng may gặp trận bão lớn, hay gặp dịch bệnh là “cụt vốn”, tái nghèo ngay. Tái nghèo, đâu chỉ là chuyện của Chính Lý, hay cả Lý Nhân?
Thoát nghèo nhưng vẫn ám ảnh tái nghèo
Trong một chuyến công tác mới đây tại một tỉnh miền núi phía Bắc, chúng tôi đã nghe không ít câu chuyện cười ra nước mắt về chuyện loay hoay giữa “cận nghèo” và nghèo. Một số hộ gia đình sau khi được xếp vào danh sách cận nghèo, nghĩa là không còn được nhận miễn phí phân bón, đã làm đơn xin quay lại làm… hộ nghèo. Thực tế, chuyện thoát nghèo rồi lại tái nghèo có khi nhanh như lật bàn tay, bởi chỉ cần một đợt dịch bệnh hay rét đậm làm chết vài con trâu, bò, mấy đám nương, khoảnh lúa là có thể biến hộ trung bình thành cận nghèo, từ cận nghèo quay trở lại vạch xuất phát. Chính vì sự mong manh như vậy nên để giảm nghèo bền vững, để mức sống tối thiểu của người dân được đảm bảo (nghĩa là không rơi vào rủi ro khi có thiên tai hoặc cú sốc kinh tế) cần có một chính sách an sinh xã hội bền vững. Theo đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ cận nghèo cần phải được tính đến vì xét cho cùng dù đã thoát nghèo họ vẫn chưa thể tự bơi.
Khi trao đổi với đại diện các tổ chức nhận ủy thác từ NHCSXH tại các địa bàn trên huyện Lý Nhân, được biết hiện vẫn còn rất nhiều những hộ gia đình cũng có mong muốn như chị Hiên, anh Trường. Thời gian qua, UBND tỉnh Hà Nam và một số địa phương khác cũng đã ủy thác thêm vốn cho NHCSXH địa phương để cho hộ nghèo và cận nghèo vay phát triển mở rộng SXKD, dịch vụ tạo thêm nhiều việc làm mới, đi XKLĐ giúp họ phát triển bền vững. Theo quan điểm của một số nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực giảm nghèo, một trong những nguyên nhân cơ bản gây tái nghèo là do các hộ cận nghèo thiếu vốn để đầu tư sản xuất. Bởi vì, số đối tượng này không đủ điều kiện để được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Mặt khác, họ cũng không có đủ điều kiện cần thiết để tiếp cận nguồn vốn của các Ngân hàng Thương mại vì không có tài sản thế chấp và không biết cách thức lập đề án vay vốn. Do vậy, để giúp hộ cận nghèo phát triển kinh tế bền vững, không tái nghèo trở lại cần phải có “phao cứu sinh” để các đối tượng này bám vào đó tiếp tục vượt qua khó khăn. Chiếc “phao” đó chính là nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để người dân dễ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi về lãi suất thấp và ưu đãi về cách thức cho vay. Nếu các hộ cận nghèo được vay vốn từ NHCSXH, họ sẽ không phải thế chấp tài sản khi vay vốn. Đồng thời, thủ tục vay vốn người dân sẽ được các tổ, nhóm, hội, đoàn thể hỗ trợ. Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Nam Lê Văn Hoạch cũng cho rằng, hiện khoảng cách giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo ở nước ta cũng như vùng đồng bằng chiêm trũng như Hà Nam không lớn. Bản thân hộ cận nghèo cũng chịu nhiều nguy cơ, rủi ro khi sản xuất còn thiếu tính bền vững. Vì vậy, chính sách tín dụng cho đối tượng này là thực sự cần thiết, nhằm tạo ra cú hích trong phát triển kinh tế. Nhưng đừng nên xem đây là nguồn vốn cứu tế xã hội mà là động lực để người dân vươn lên trong cuộc sống bằng những giải pháp sản xuất hay sinh kế mang tính bền vững.
Tất nhiên, không thể có chuyện “thần kỳ” một sớm một chiều. Nhưng câu chuyện thoát nghèo ở Lý Nhân cũng là điều đáng ghi nhận. 10 năm tỷ lệ hộ nghèo đã được xóa bỏ 1/3, thu nhập đầu người tăng lên đáng kể. Những kỳ tích này không chỉ được thể hiện ở những con số khô khan mà còn được chứng thực bởi những hình ảnh xóm làng trù phú soi bóng bên bờ con sông Châu êm đềm trong một buổi chiều thu…
Thành Tâm