Con đường nào để thoát nghèo được bền vững

21/12/2012
(VBSP) Tiến sỹ Lò Giàng Páo (ảnh) - Phó Viện trưởng Viện Dân tộc thuộc Ủy ban Dân tộc cho rằng, muốn giúp phát triển kinh tế bền vững thì cần có vốn chính sách hỗ trợ cho cả hộ cận nghèo và trên nữa.

 10909

Phóng viên: Theo đánh giá của Viện Dân tộc chính sách tín dụng có ý nghĩa thế nào với người dân nông thôn nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng?

Trả lời: Tín dụng chính sách là chủ trương của Đảng và Nhả nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng… Chính sách này có ý nghĩa rất lớn, tạo điều kiện để hộ nghèo, người nghèo tiếp cận, được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống. Thời gian qua NHCSXH rất tích cực trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đã đóng góp thiết thực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo. Sự kết hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội thông qua hoạt động của Tổ TK&VV là một mô hình hiệu quả mà NHCSXH đã, đang triển khai rất phù hợp với điều kiện ở các vùng miền trong cả nước. Trong gần 10 năm hoạt động, NHCSXH đã triển khai được hơn 10.000 điểm giải ngân đến tận xã, đưa tín dụng chính sách trực tiếp đến với người nghèo; trên 10 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần giúp hơn 2 triệu hộ thoát nghèo. Những người nghèo đã sử dụng vốn vay có hiệu quả và có ý thức trong việc hoàn trả vốn vay. Nhiều hộ nghèo đã nâng cao nhận thức, biết làm ăn và vượt qua đói nghèo, vươn lên trở thành những hộ khá giả.

Đối với vùng DTTS giai đoạn 2006 - 2010, mỗi năm đã có hơn 55.000 hộ trên cả nước thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Chủ yếu của nguồn vốn là đầu tư vào các đối tượng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng nhà ở, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập… góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao được nhận thức, cách làm ăn cho hơn 3,2 triệu lượt hộ đồng bào dân tộc.

Tuy nhiên các chính sách đều có những mặt được và chưa được. Ví dụ, ở nhiều vùng vốn chính sách vẫn còn khó triển khai và khó quản lý. Nhiều nơi chưa mở rộng chính sách tín dụng ưu đãi cho xã vùng khó khăn theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó, ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS.

Phóng viên: Theo ông, khi xây dựng các chính sách hỗ trợ người nghèo cần chú ý những điểm gì?

Trả lời: Theo tôi, với chính sách tín dụng ưu đãi hiện nay còn quá nhiều chương trình, nên chúng ta cần thu gom lại thành một số chương trình để cho vay có trọng điểm và có sự đồng bộ giữa các ngành chứ không riêng gì ngân hàng. Bởi đói nghèo được tạo bởi nhiều nguyên nhân phức tạp khác nhau. Cứ nhìn vào tình cảnh của những hộ nghèo sẽ thấy, không phải chỉ vì họ không có hoặc thiếu vốn làm ăn. Có hộ nghèo do gia đình luôn có người ốm đau bệnh tật kinh niên, hay tai nạn cấp kỳ mắc phải. Có hộ nghèo do sản xuất bị thiên tai mất mùa, hoặc kinh doanh gặp rủi ro… Chính vì vậy, quyết định của Chính phủ cũng đã nêu rõ, mức chuẩn nghèo mới “là căn cứ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và chính sách kinh tế - xã hội khác”.  Những chính sách như thế, rõ  ràng không chỉ có thể được thực  hiện bởi các cấp chính quyền mà cả hệ thống chính trị - xã hội, với nhiều chương trình lớn nhỏ khác nhau, trong đó ngân hàng nói chung. NHCSXH cũng chỉ là một kênh, song đó là một công cụ hỗ trợ đắc dụng.

Tôi cho rằng, cần xây dựng một chương trình giảm nghèo chung, bền vững và toàn diện, bao gồm hệ thống các chính sách giảm nghèo; lồng ghép và chỉ đạo thực hiện tập trung, thống nhất các chương trình, dự án có liên quan đến mục tiêu giảm nghèo. Có như vậy mới huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội có hiệu quả nhất. Chúng ta cần đặc biệt ưu tiên nguồn lực cho vùng khó khăn nhất, đối tượng khó khăn nhất, vùng đồng bào DTTS.

Phóng viên: Đồng bào DTTS cho rằng, mức cho vay hộ nghèo tối đa 30 triệu đồng vẫn không đủ tiền mua con trâu và cày, nên gia đình không vay vốn, ông nghĩ sao?

Trả lời: Hiện nay mức cho vay trung bình chỉ từ 10 - 20 triệu đồng, mức tối đa 30 triệu đồng/hộ nên quy mô đầu tư còn nhỏ lẻ, manh mún. Với tình hình giá cả tăng như thời điểm hiện nay, thì số tiền như vậy các hộ nghèo không thể đủ để mua một con trâu hay con bò… và họ không có cơ hội để mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững. Giải quyết những tồn tại này để gỡ khó cho hộ nghèo là việc làm cấp thiết nhưng ai gỡ và gỡ như thế nào đang là bài toán chưa có lời giải.

Phóng viên: Có nhiều kiến nghị cho rằng, muốn xóa nghèo một bền vững nên cho cả hộ cận nghèo vay vốn chính sách, ý kiến của ông về vấn đề này?

Trả lời: Có thể nói, ranh giới giữa những hộ nghèo và cận nghèo là vô cùng mong manh bởi rất nhiều yếu tố: Chuẩn nghèo quốc gia hiện còn quá thấp, một số hộ vì gặp rủi ro, còn một số khác bị đưa ra khỏi diện hộ nghèo do địa phương phải “chạy” theo thành tích.

Hiện nay, nước ta vẫn còn trên 1,5 triệu hộ cận nghèo. Nhưng số đối tượng này không đủ điều kiện để được vay vốn ưu đãi của NHCSXH. Và họ cũng là những đối tượng rất khó tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Thương mại để phát triển sản xuất. Thực tế, hộ cận nghèo có thể trở thành hộ nghèo rất nhanh khi nền kinh tế biến động xấu. Đặc biệt, với các hộ cận nghèo là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, miền núi thì ranh giới giữa nghèo và cận nghèo lại càng trở nên mong manh khi xảy ra thiên tai, bão lũ (lũ quét)… gia đình họ sẽ mất tất cả. Vì vậy, đã có nhiều đề xuất về việc nên mở rộng đối tượng vay vốn, đối với cả những hộ cận nghèo vì đây có thể là “con đường” giúp người dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng thoát nghèo bền vững.

Nhiều lập luận cho rằng, ngoài được ưu đãi về lãi suất thấp các hộ cận nghèo nếu được vay vốn từ NHCSXH còn được hưởng những ưu đãi đặc biệt mà không Ngân hàng Thương mại nào có. Đó là ưu đãi về cách thức cho vay. Ví dụ, khi vay vốn từ NHCSXH, người dân sẽ không phải thế chấp tài sản. Đồng thời, thủ tục vay vốn người dân sẽ được các tổ, nhóm, hội, đoàn thể giúp. Một ưu đãi khác mà người dân được hưởng là cách xử lý nợ, cũng như cách kết hợp vừa cho vay vốn, vừa hướng dẫn làm ăn. Hiện nay, tiêu chí cận nghèo còn thấp, chỉ bằng tiêu chí nghèo của quốc tế, nên nếu tăng số lượng hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi thì đời sống kinh tế sẽ tốt lên rất rõ. Muốn giúp phát triển kinh tế bền vững thì phải hỗ trợ không chỉ cho những hộ cận nghèo mà cả đến hộ trung bình, trung bình khá. Có như vậy, khi gặp phải cú sốc về kinh tế, họ sẽ không bị rơi xuống nghèo.

Quang Cảnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác