“Điểm tựa” của hộ cận nghèo ở Bắc Giang

30/05/2016
(VBSP News) Triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từ giữa tháng 4/2013, sau 3 năm thực hiện, đến nay, dư nợ cho vay hộ cận nghèo trong toàn tỉnh đã đạt trên 547 tỷ đồng với hơn 16.742 hộ vay. Ngay từ khi triển khai, chương trình đã nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp chính quyền đến người dân, trở thành “điểm tựa” để hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Các hộ cận nghèo ở xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch

Các hộ cận nghèo ở xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Bé ở thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa khi nếp nhà mới vừa được xây dựng thay cho căn nhà cấp bốn lụp xụp năm nào. Còn nhớ 3 năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Bé vừa thoát khỏi diện nghèo. Sau khi trả hết số tiền vay thì gia đình chị lại thiếu vốn để phát triển kinh tế, cộng với số tiền nuôi các con đang tuổi ăn học khiến gia đình chị đứng trước nguy cơ tái nghèo.

Cuối năm 2013, niềm vui lớn đã đến với gia đình chị Bé khi được NHCSXH huyện Hiệp Hòa cho vay 25 triệu đồng vốn ưu đãi hộ cận nghèo để đầu tư mua cặp trâu sinh sản. Nhờ “mát tay” chăm sóc, trong 3 năm qua, gia đình chị đã có thêm 2 con nghé. Với số tiền bán nghé, gia đình đã có điều kiện mua thêm con giống và nuôi các con ăn học. Chị Bé phấn khởi chia sẻ: “Nguồn vốn ưu đãi chính là “điểm tựa” để gia đình tôi vươn lên trong hoàn cảnh hết sức khó khăn lúc bấy giờ. Cũng nhờ nguồn vốn này mà tôi có thể nuôi con ăn học, nay cháu đã ra trường và đi làm, dành dụm tiền cất nếp nhà khang trang cho cả gia đình”.

Cầm trong tay 40 triệu đồng vay tại Điểm giao dịch xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, chị Nguyễn Thị Tuyển ở thôn Sỏi Làng xúc động nói: “Số tiền này có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình tôi, giúp chúng tôi hiện thực hóa ước mơ giản dị là đầu tư vào chăn nuôi để có thêm nguồn lực cho các con ăn học nên người”.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lý, Vũ Thế Sự cho biết: “Ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất mong manh. Với phương thức làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc nhiều vào thời tiết thì đôi khi, chỉ sau một đợt dịch bệnh, thiên tai, có người đau ốm hoặc con cái đi học là hộ vừa thoát khỏi diện nghèo không còn vốn để đầu tư SXKD. Đến khi đáo hạn, nếu ngân hàng thu hết cả nợ gốc lẫn lãi, đối tượng này sẽ không còn nguồn để tái đầu tư nên rất dễ tái nghèo. Vì vậy, chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo của Chính phủ đã giải bài toán cơn “khát” vốn cho những hộ cận nghèo của địa phương”.

Theo Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Bắc Giang, chương trình cho vay hộ cận nghèo ngay từ khi mới triển khai đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn, hàng năm, chi nhánh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch, có giải pháp để nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Ngoài việc phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách hộ cận nghèo có nhu cầu về vốn, NHCSXH các huyện còn phối hợp với các ban, ngành liên quan công khai chủ trương, chính sách, đối tượng thụ hưởng và danh sách các hộ được vay; thường xuyên kiểm tra tình trạng sử dụng, đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành địa phương trong việc định hướng, hướng dẫn hộ vay cách làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với địa phương và nhu cầu thị trường cũng rất quan trọng.

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Sỏi Làng, xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên,  Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: “Các cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phải rà soát từng nhà, bình xét công khai ở thôn, tổ để chọn đúng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, phải thường xuyên quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nuôi con gì, trồng cây gì phù hợp với điều kiện thực tế. Khi đó, nguồn vốn chính sách mới thực sự phát huy hiệu quả”.

Bài và ảnh Hồng Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác