Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới

12/11/2014
(VBSP News) Trong những năm qua, nguồn vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn không ngừng tăng trưởng. Từ đó, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống, xây dựng nông thôn mới ở Lạng Sơn.
Người dân xã Tràng Phái phát triển đàn lợn thịt từ nguồn vốn vay

Người dân xã Tràng Phái phát triển đàn lợn thịt từ nguồn vốn vay

Thực hiện chương trình cho vay vốn ưu đãi NS&VSMTNT, NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể gắn tuyên truyền chương trình vay vốn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân. Trong 2 năm nay, nguồn vốn Chương trình cho vay NS&VSMTNT tăng trưởng lớn, hiện dư nợ đạt 110 tỷ đồng, tăng 30,23 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2013. Các địa phương đã sử dụng vốn có hiệu quả, xây, sửa được trên 26 nghìn công trình NS&VSMTNT. Các công trình này đưa vào sử dụng đã góp phần đảm bảo nước sinh hoạt, giữ gìn môi trường sạch đẹp, cải thiện, nâng cao đời sống của người dân. Đây là chương trình vốn đã góp phần quan trọng vào thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ cho vay vốn NS&VSMTNT, trong những năm qua, các chương trình tín dụng của NHCSXH và các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Giám đốc NHCSXH tỉnh Lạng Sơn Trần Việt Sơn, cho biết: Đơn vị hiện đang thực hiện 10 chương trình tín dụng. Các chương trình này đã và đang giúp người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, vươn lên nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống.

Cùng với nguồn vốn của NHCSXH, các Ngân hàng thương mại ở Lạng Sơn cũng tích cực thực hiện chính sách vốn cho nông nghiệp, nông thôn theo Thông tư số 14/2010/TT-NHNN. Theo đó, NHCSXH tỉnh, huyện cử cán bộ tín dụng bám sát cơ sở, nắm nhu cầu sử dụng vốn, tuyên truyền, tạo điều kiện cho vay, hướng dẫn thủ tục vay, tư vấn sử dụng vốn, ưu tiên lãi suất thấp… Đến nay, tổng dư nợ vốn cho vay theo chính sách này là 2.949 tỷ đồng, tăng trưởng 6,7% so với cuối năm 2013. Trong đó, vốn vay tập trung sử dụng vào chi phí phát triển sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ phi nông nghiệp…

Từ hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư đó, những năm qua có hơn 5 nghìn hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở, gần 2 nghìn hộ được giúp đỡ thoát nghèo/năm, 26 nghìn công trình nước sạch, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi được xây dựng hợp vệ sinh… và hàng trăm hộ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó, nhiều mô hình có hiệu quả cao như: mô hình các hộ nuôi bò dự án ở xã Vạn Linh, Gia Lộc, huyện Chi Lăng; mô hình nuôi chim cút, nuôi thỏ ở xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng; phát triển chăn nuôi lợn thịt ở xã Tràng Phái, huyện Văn Quan… Hiệu quả thiết thực này đã thực sự góp phần quan trọng vào thực hiện các tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, tiêu chí nhà ở dân cư, môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Ông Triệu Đức Chính - Chủ tịch UBND xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng cho biết: Tổng dư nợ vốn đưa vào sản xuất trên địa bàn hiện là 17 tỷ đồng. Người dân đã sử dụng mua vật tư phân bón, máy móc, giống cây trồng, vật nuôi… thực hiện tốt việc chuyển đổi cây trồng, mùa vụ, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Từ đó, xã giảm nghèo hiệu quả, nâng tỷ lệ hộ có thu nhập khá giả lên 45%. Để xây dựng nông thôn mới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đến năm 2016 giảm nghèo dưới 10% và nâng cao thu nhập lên mức 18 triệu đồng/người/năm.

Phát huy vai trò đó đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới, các Ngân hàng thương mại, NHCSXH trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh nguồn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, không ngừng góp sức mình cho xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Bài và ảnh Trần Việt - Lâm Như

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác