Tín dụng ưu đãi theo chính sách đặc thù tại TP. Hồ Chí Minh: Giải “cơn khát” vốn của hộ nghèo
Giải cơn “khát” vốn của hộ nghèo
“Nhờ triển khai hiệu quả các Chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, hằng năm, NHCSXH TP. Hồ Chí Minh góp phần giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo, ổn định và tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động; 1.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; gần 6.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được cải tạo, nâng cấp, xây mới”. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Tiên - Phó Giám đốc chi nhánh cho biết, đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện là 2.524 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương đạt 2.216 tỷ đồng, chiếm 87,8%; nguồn vốn địa phương 308,4 tỷ đồng, chiếm 12,2%. Nguồn vốn vay tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất đạt 357,8 tỷ đồng, trong đó huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư, cá nhân và các tổ chức khác 104,2 tỷ đồng; huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn 253,6 tỷ đồng. Lũy kế đến hết quý I/2014, NHCSXH TP. Hồ Chí Minh đã cho vay hơn 83,3 tỷ đồng, thu nợ gần 94 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ của ngân hàng đạt 2.160 tỷ đồng với 154.327 khách hàng còn dư nợ.
Ông Trần Văn Nhật ở phường Phước Long B, quận 9 cho hay: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn của địa phương nên chưa được vay vốn. Vì vậy, cả nhà phải bươn chải làm thuê khắp nơi nhưng vẫn không đủ sống. Từ ngày Nhà nước có chính sách mới, chúng tôi được Hội Nông dân xem xét, đưa vào danh sách cho vay 30 triệu đồng. Có vốn, vợ chồng tôi bàn nhau mua một cặp bò về nuôi. Nếu suôn sẻ thì sau 3 năm tôi sẽ bán bò, trả được nợ, số tiền dôi dư, gia đình tiếp tục đầu tư chăn nuôi”.
Tập trung giải ngân vốn tồn đọng
Từ nay đến cuối năm, NHCSXH TP. Hồ Chí Minh tập trung thực hiện kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng được Tổng Giám đốc NHCSXH, UBND thành phố giao. Đối với chương trình cho vay hộ nghèo, ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền, phổ biến đến tận khu phố, ấp chương trình cho vay hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố theo văn bản số 1602/VPCP-KTTH ngày 12/3/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo địa phương. Trong đó, NHCSXH TP. Hồ Chí Minh tiếp tục sử dụng đến hết năm 2015 nguồn vốn tín dụng chính sách đã cho vay hộ nghèo theo chuẩn nghèo của địa phương, với mức lãi suất cho vay bằng 120% lãi suất cho vay tương ứng đối với hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, lãi suất cho vay là 0,78%/tháng (9,36%/năm); đồng thời tập trung triển khai giải ngân hết số vốn còn tồn đọng gần 4,7 tỷ đồng.
Đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ngân hàng thực hiện cho vay lại các hộ gia đình đã trả hết nợ vốn vay để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng xuống cấp. Mức cho vay tăng lên đối với mỗi loại công trình, tối đa là 6 triệu đồng/hộ. Đồng thời, thực hiện giải ngân hết nguồn vốn còn tồn đọng là 22,83 tỷ đồng. NHCSXH TP. Hồ Chí Minh cũng phấn đấu giải ngân hết số vốn còn tồn đọng của chương trình giải quyết việc làm là 2,5 tỷ đồng và nguồn vốn địa phương bổ sung đợt 1 là 10 tỷ đồng; phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên và thực hiện giải ngân kịp thời cho hộ gia đình có nhu cầu vay vốn.
Bài và ảnh Minh Tuấn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Nhà 167 cải thiện cuộc sống người nghèo
- » Để vốn vay ưu đãi thực sự giúp người nghèo “thoát nghèo”
- » Phú Thọ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn
- » Hơn 6 nghìn lượt hộ ở Gia Viễn được vay vốn xây dựng công trình NS&VSMTNT
- » Người nghèo ở vùng cao Sơn Dương sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay
- » Nhịp cầu dẫn vốn ưu đãi trên vùng núi Tản, sông Đà
- » Địa chỉ tin cậy của người nghèo
- » Đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
- » Từ “Hũ gạo của Bác Hồ” nghĩ đến việc tiết kiệm của người nghèo