NHCSXH tỉnh Hưng Yên: Nợ quá hạn chỉ có 0,084% trên tổng dư nợ

15/05/2014
(VBSP News) NHCSXH tỉnh Hưng Yên cho biết, tính đến hết tháng 4/2014, số nợ quá hạn mà chi nhánh quản lý là hơn 1,6 tỷ đồng, chiếm 0,084% so với tổng dư nợ gần 2 nghìn tỷ đồng, đặc biệt có 2/10 Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phù Cừ và Tiên Lữ liên tục 5 năm qua không có nợ quá hạn. Để đạt được kết quả này, NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hộ vay vốn, sử dụng vốn vay chính sách thuận lợi, kịp thời, chính vì vậy, nguồn vốn ưu đãi cho vay thông qua các hội, đoàn thể nhận uỷ thác không ngừng tăng trưởng và số nợ quá hạn phát sinh cũng cơ bản được thu hồi, chất lượng tín dụng được đảm bảo, nâng cao.
Nông dân nghèo Hưng Yên vui mừng được vay nguồn vốn chính sách với lãi suất ưu đãi

Nông dân nghèo Hưng Yên vui mừng được vay nguồn vốn chính sách với lãi suất ưu đãi

Ông Nguyễn Văn Thỉnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thịnh, huyện Kim Động cho biết: Định kỳ hằng tháng, 4 hội, đoàn thể, trong đó có Hội Nông dân của xã đã họp giao ban với NHCSXH huyện đánh giá kết quả và soát xét chấn chỉnh sai sót đồng thời cũng tiến hành kiểm tra, giám sát từng hộ vay, sử dụng vốn ưu đãi để trực tiếp thẩm định tác dụng của nguồn vốn vay và tránh các nguy cơ thất thoát vốn ngay từ đầu. Ở một số trường hợp xảy ra rủi ro nguồn vốn, lãnh đạo Hội Nông dân đã cùng cán bộ NHCSXH trực tiếp đến xem xét, chia sẻ trách nhiệm và đề xuất hướng xử lý lên cấp có thẩm quyền. Nhờ vậy, tuy số tiền vay qua uỷ thác của Hội Nông dân xã chiếm hơn 1/2 tổng dư nợ của NHCSXH (7,91 tỷ đồng) nhưng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu không đáng kể, (0,071%).

Vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Lánh, Lê Thị Hòa ở thôn Trung Hòa, xã Phú Thịnh được Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Nông dân bình xét cho vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Khi đến kỳ trả nợ, không may gia đình anh chị gặp khó khăn đột xuất nên chưa thể trả được. Trước tình hình đó, cán bộ Hội Nông dân xã cùng cán bộ ngân hàng trực tiếp xuống tận nhà động viên, tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời hướng dẫn cách nôi gà thịt, chăm sóc lợn nái. Chỉ 8 tháng sau, vợ chồng anh chị đã trả hết nợ vay cho Nhà nước, lại vừa được xét vay vốn để mở rộng chuồng trại mua thêm con giống phát triển chăn nuôi lợn, gà thương phẩm.

Còn anh Trần Quốc Đạt, 38 tuổi, chủ hộ nông dân ở thôn An Đồng, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên được tiếp cận 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo đầu tư nuôi lợn nái, bò sữa. Anh Đạt tâm sự: “Có được nguồn vốn vay chính sách, người dân “thành phố Trẻ” chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của chính quyền, hội, đoàn thể và NHCSXH tại địa phương đã tạo điều kiện để thoát nghèo nhanh, bền vững. Gia đình phấn đấu sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt kết quả và thực hiện nộp lãi, trả nợ đúng kỳ hạn”.

Nhờ chịu khó, chăm chỉ làm ăn gia đình anh Đạt đã thoát nghèo

Nhờ chịu khó, chăm chỉ làm ăn gia đình anh Đạt đã thoát nghèo

Được biết, thành phố Hưng Yên hiện có tổng dư nợ với NHCSXH khá cao, đứng hàng thứ 3/10 đơn vị cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh, nhưng cũng có số nợ quá hạn rất thấp, chiếm 0,048% so với tổng dư nợ (291 tỷ đồng).

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Liên - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh đến việc cùng công tác tuyên truyền, vận động, thời gian qua, các đơn vị tham mưu chuyên môn ở Hội sở chi nhánh và các Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện tập trung nâng cao chất lượng tín dụng. Việc củng cố các Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn được chú trọng, nhằm tạo “cầu nối” vững chắc giữa NHCSXH với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đối với những hộ cố tình chây ỳ không trả nợ, ngân hàng đã phối hợp với chính quyền, hội, đoàn thể sở tại xử lý kiên quyết đúng quy định. Do vậy, số hộ có nợ quá hạn đều có ý thức trả nợ đúng kỳ hạn, góp phần tạo nguồn vốn quay vòng để ngân hàng tiến hành cho vay vốn chính sách tới nhiều gia đình khác.

Tại các buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, các thành viên tham gia nhiệt tình

Tại các buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, các thành viên tham gia nhiệt tình

Cùng với đó, NHCSXH các huyện, thành phố ở tỉnh Hưng Yên còn phối hợp với chính quyền, các cấp hội, đoàn thể ở cơ sở, các Tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát, phân tích từng khoản nợ đến hạn, nợ tồn đọng không có khả năng trả để có biện pháp xử lý. Nhờ vậy, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể trong công tác quản lý, thực hiện công tác tín dụng ưu đãi, đồng thời làm cho cán bộ NHCSXH năng động và có trách nhiệm hơn trong quá trình triển khai cho vay, quản lý nguồn vốn, đặc biệt đã làm chuyển biến rõ rệt ý thức vay vốn, sử dụng vốn; trả nợ vốn ưu đãi của Nhà nước, của người dân góp phần quan trọng về xoá nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Bài và ảnh Văn Giang - Tuấn Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác