“Động lực để giảm nghèo”

12/03/2014
(VBSP News) Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã và đang tạo điều kiện cho các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, với nhiều chính sách ưu đãi thiết thực, đây là cơ hội để người dân làm kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Nhiều hộ gia đình ở vùng khó khăn của Hòa Bình sử dụng vốn vào việc phát triển cây ăn quả Ảnh: Phương Đông

Nhiều hộ gia đình ở vùng khó khăn của Hòa Bình sử dụng vốn vào việc phát triển cây ăn quả
                                                                                                                                         Ảnh: Phương Đông

Cùng cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình), chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn ở xóm Dụ 6, xã Mông Hoá. Gia đình ông có 4 khẩu, nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình ông thuộc diện có của ăn của để trong xóm. Ông cho biết cách đây chục năm gia đình ông có trồng rừng nhưng không có sự đầu tư chăm sóc nên cây không phát triển chỉ cho thu nhập chừng 6 - 7 triệu đồng, số tiền ấy tính ra không có lãi so với chu kỳ trồng rừng nên chuyển sang đầu tư mua máy xát phục vụ bà con trong xóm và chăn nuôi lợn. Hiện nay, trong chuồng nhà ông nuôi 10 con lợn thịt, 8 con trâu cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Năm 2012, gia đình ông được vay vốn ưu đãi từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn số tiền 28 triệu đồng. Cùng với vốn tự có, gia đình ông đầu tư vào trồng rừng keo lá tràm có diện tích 1ha. Thời gian tới khi rừng keo đến kỳ thu hoạch cũng sẽ mang lại cho gia đình ông thêm một nguồn thu kha khá.

Ông Nguyễn Đức Thiêu - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Dụ 6, xã Mông Hoá, huyện Kỳ Sơn cho biết tổ có 35 thành viên, thực hiện 6 chương trình cho vay với dư nợ 770 triệu đồng, trong đó dư nợ hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn cao nhất 366 triệu đồng với 17 hộ vay vốn. Các hộ sử dụng vốn rất hiệu quả, hằng tháng trả lãi đúng định kỳ, không có nợ quá hạn, xâm tiêu chiếm dụng vốn. Hiện ngân hàng cho vay bình quân mỗi hộ 30 triệu đồng, nhiều hộ đề nghị cho vay tăng lên, lúc đó mới đủ sức đầu tư, mở rộng sản xuất…

Giám đốc NHCSXH huyện Kỳ Sơn Nguyễn Phú Vị cho biết: Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của địa phương có dư nợ cao nhất gần 40 tỷ đồng, đã có 1.866 hộ/9 xã vay để chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, mua giống phân bón phục vụ sản xuất, kinh doanh; đầu tư mua các loại máy cơ giới như máy cày, máy tuốt, máy bơm… Nhờ đó đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên xóa nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hiện nay xuống còn 5,62%.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Hoà Bình Vũ Đình Đoài cho biết: trong 11 chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai thì Chương trình tín dụng cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn có dư nợ cao thứ 2 sau hộ nghèo với dư nợ đạt 340 tỷ đồng, 32.000 hộ dân được vay vốn, tạo việc làm, xóa nghèo, góp phần ổn định kinh tế - xã hội ở các địa phương. Từ nguồn vốn cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, giúp người dân từng bước tiếp cận với kinh tế thị trường, có việc làm và vươn lên làm giàu.

Đinh Thắng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác