Cần nhiều giải pháp giúp thanh niên thoát nghèo

28/10/2013
(VBSP News) Hiện nay, nhu cầu vay vốn, học nghề, giới thiệu việc làm, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật… của thanh niên trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất lớn. Dù có nhiều cố gắng, nhưng thời gian qua Tỉnh Đoàn, các Huyện, Thành Đoàn, Đoàn phường xã, thị trấn vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu bức thiết này của thanh niên.
Nhờ 15 triệu đồng vay từ NHCSXH huyện Châu Đức, anh Lý Văn Thoại (bên trái), xã Bàu Chinh đã ổn định cuộc sống

Nhờ 15 triệu đồng vay từ NHCSXH huyện Châu Đức, anh Lý Văn Thoại (bên trái), xã Bàu Chinh đã ổn định cuộc sống

Động lực cho tuổi trẻ lập nghiệp

Cách đây 7 năm, anh Lý Văn Thoại ở thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức được tạo điều kiện vay 15 triệu đồng từ NHCSXH huyện Châu Đức. Từ số tiền vay, anh Thoại mua 3 con bò về nuôi và từ đó kinh tế gia đình anh Thoại dần dần ổn định. Hiện nay, anh Thoại tiếp tục nuôi 1 con bò và 12 con dê, trong đó có 4 con dê đẻ bán giống. Số tiền thu từ việc bán bò, dê cộng với thu nhập từ việc làm thuê đã giúp gia đình anh ổn định cuộc sống, lo cho 2 con đến trường học tập.

Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Lê Văn Nhị ở ấp Nhân Trí một mình làm phụ hồ nuôi vợ con, Đoàn xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc đã giúp anh tiếp cận với nguồn vốn từ NHCSXH huyện. Tháng 8/2013, anh Lê Văn Nhị được vay 20 triệu đồng để mua bò nuôi và mua 40 gốc bơ về trồng. Anh Nhị cho biết: “Số tiền vay được đã tạo động lực cho gia đình tôi phát triển kinh tế, tôi đang tích góp để mua thêm gà về nuôi bán thịt nhằm tăng thêm thu nhập gia đình”.

Theo anh Trần Văn Mảng - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các Huyện - Thành đoàn và Đoàn cấp xã đã tích cực tạo điều kiện cho thanh niên trong tỉnh tiếp cận nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn nhằm tạo việc làm ổn định, từng bước tiến tới giảm nghèo cho thanh niên nông thôn. Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm với hơn 100 dự án, trong đó: tập trung chủ yếu vào các dự án chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, buôn bán… Với nguồn vốn ủy thác, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp với NHCSXH huyện, thành phố, hướng dẫn thanh niên hoàn tất hồ sơ để tiếp cận với nguồn vốn một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất. Tính đến ngày 30/9/2013, tổng dư nợ Tỉnh đoàn đã  nhận ủy thác cho vay là 71,4 tỷ đồng với 4.226 hộ vay, do 128 tổ quản lý.

Bên cạnh đó, Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên trực thuộc Tỉnh đoàn đã mở các lớp dạy nghề sửa chữa máy vi tính, điện gia dụng, may công nghiệp miễn phí cho hàng trăm thanh niên địa phương. Học viên còn được hỗ trợ tiền đi lại nếu đoạn đường từ nhà đến nơi học trên 20km. Sau khi tốt nghiệp các lớp dạy nghề, các thanh niên được Trung tâm giới thiệu việc làm hoặc có thể tự mở tiệm ở nhà để làm ăn.

Thanh niên huyện Long Điền học nghề sửa chữa máy vi tính

Thanh niên huyện Long Điền học nghề sửa chữa máy vi tính

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Tiếp tục tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận vốn vay

 

“Đoàn Thanh niên đã xác định 2 giải pháp chính giúp thanh niên tiếp cận với vốn vay trong thời gian tới là phối hợp với các ban, ngành tiếp tục liên tịch với Sở Lao động Thương binh và Xã hội để thanh niên tiếp cận nguồn vốn 120, giúp đoàn viên, thanh niên vay vốn xuất khẩu lao động; tăng cường phối hợp với NHCSXH triển khai công tác tập huấn nghiệp vụ đến cán bộ Đoàn trực tiếp quản lý, nhận ủy thác, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận vốn nhiều hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Đoàn tiếp tục cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật giúp thanh niên nắm bắt những kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Chị Bùi Phương Thúy - Phó Bí thư Đoàn thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ: Nâng mức cho vay đối với những hộ tái nghèo.

Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn và NHCSXH huyện cần kịp thời phân bổ các nguồn vốn vay cho thanh niên khi có nhu cầu vay vốn nhằm ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế. Với những hộ tái vay có nhu cầu cao hơn về vốn để đầu tư sản xuất, ngân hàng cần nâng mức cho va” - Anh Trần Văn Mảng - Phó bí thư Tỉnh đoàn.

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều thanh niên trong tỉnh cần vốn để đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo, học tập. Mặc dù, nguồn vốn từ NHCSXH tỉnh vẫn luôn được bổ sung, bảo đảm để mọi người có thể được vay vốn, nhưng nhiều thanh niên vẫn không thể vay được. Nguyên nhân là do quy định, mỗi sổ hộ nghèo chỉ vay được một lần, trong khi thanh niên lập gia đình sống chung với cha mẹ vì không có đất làm nhà nên không thể tách khẩu.

Anh Đỗ Văn Thùy - Trưởng ban Thanh niên nông thôn, công nhân viên chức và đô thị Tỉnh đoàn cho biết, một nguyên nhân nữa là phiên giao dịch của NHCSXH tại điểm giao dịch xã, phường, thị trấn được tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần nhưng đến ngày giao dịch, các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn vẫn không tham dự đầy đủ, ảnh hưởng đến chất lượng giao dịch, hội họp giao ban và triển khai các chủ trương, chính sách, văn bản nghiệp vụ mới của Chính phủ, của cấp ủy, chính quyền địa phương và của NHCSXH.

Bên cạnh vốn, vấn đề dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên cũng gặp khó khăn. Được thành lập đã lâu, nhưng Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên vẫn đang phải “ở nhờ” tại Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh. Không có cơ sở nên trang thiết bị dạy nghề của Trung tâm phải đóng gói để ở trụ sở của Tỉnh đoàn, khi dạy nghề ở địa điểm nào thì chuyển trang thiết bị đến nơi đó, vừa mất công di chuyển vừa khiến trang thiết bị có thể bị hư hỏng trên đường vận chuyển. Mặt khác, do nằm sâu bên trong Nhà Văn hóa Thanh niên nên Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên chưa được nhiều thanh niên biết để đến tìm kiếm việc làm, học nghề.

Bài và ảnh Hồ Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác