Chung tay xóa nghèo cho đồng bào dân tộc Khmer
Ông Lâm Văn Liêm - Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới cho biết: “Thời gian qua, NHCSXH đã hỗ trợ kịp thời cho hàng nghìn hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer nghèo, vay trên 20 tỷ đồng với 8 chương trình tín dụng ưu đãi, mà trong đó nhiều nhất là chương trình cho vay hộ nghèo để phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề phụ ở nông thôn, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống”.
Anh Thạnh Hổ, ngụ tại ấp Xôn Sáng tâm sự: “Cách đây không xa gia đình tôi còn cơ cực lắm, nhưng từ khi được vay vốn ưu đãi để đầu tư nuôi bò sinh sản và cả 2 con bò sữa nên đã có nguồn thu nhập 60 - 70 triệu đồng/năm. Hiện, tôi đã trả xong nợ vay của ngân hàng và còn dành dụm mua máy vắt sữa, trồng thêm 2 sào đất cỏ giống nhập của Thái Lan để phục vụ nghề chăn nuôi bò”.
Còn chị Lâm Thị Ém, ấp Cồng Kiêng, đã sử dụng 50 triệu đồng vay của chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn lập cơ sở may gia công, dệt khăn tay tại nhà, từ năm 2010, nay kinh tế gia đình không những khá giả mà còn tạo việc làm ổn định cho 14 chị em dân tộc Khmer nghèo trong ấp đạt thu nhập bình quân 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Hay mô hình vay vốn chính sách đầu tư cải tạo đồng ruộng, trồng rau màu theo công nghệ sinh học của bà con nông dân nghèo ở tất cả 9 xóm, ấp trong xã đã đạt năng suất cao gấp 6 - 7 lần so với tập quán canh tác phụ thuộc vào tự nhiên như trước đây.
Nhằm xóa nghèo bền vững, đạt hiệu quả cao, UBND xã Thạnh Quới đã coi trọng công tác vận động, hướng dẫn nhân dân sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, lồng ghép với việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Đến nay, Thạnh Quới có trên 3.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn NHCSXH. Từ nguồn vốn ưu đãi, hơn 200 hộ người dân tộc Khmer đã làm ăn phát đạt, đạt danh hiệu “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” từ cấp xã đến cấp tỉnh.
Đúng như khẳng định của ông Bí thư Đảng uỷ xã Trần Đức Huân: “Vùng quê Thạnh Quới có sự đổi thay toàn diện là nhờ sự chung tay, góp sức của các ban, ngành, đoàn thể, của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương, song quan trọng hơn là nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã hỗ trợ kịp thời, thiết thực trên chặng đường xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống”.
Bài và ảnh Phạm Hiếu Minh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Các huyện nghèo ở Quảng Nam sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Phép màu đến với hộ nghèo
- » Điểm tựa cho HSSV nghèo
- » 80% hộ nông dân tỉnh Phú Thọ sử dụng hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi
- » Người nghèo ở tỉnh Lâm Đồng đã biết sắm "cần câu"
- » Kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Cần Thơ
- » Nguồn lực giúp HSSV nghèo đến trường
- » Thanh niên Ba Tơ vừa sản xuất giỏi, vừa xóa nghèo tốt
- » Vốn ngân hàng hỗ trợ thanh niên lập nghiệp