Cùng nông dân làm giàu

28/07/2013
(VBSP News) NHCSXH được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Nguồn vốn đã tiếp cận tới các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong toàn tỉnh Phú Thọ. Nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa với nhiều chương trình tín dụng, nhiều đối tượng được thụ hưởng. Vốn vay đã giúp bà con nông dân chủ động nguồn tài chính để mua sắm thiết bị, máy móc, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, chi phí học tập và đời sống sinh hoạt nhờ đó góp phần giúp người dân giảm nghèo bền vững và xây dựng cuộc sống mới.

Nhờ đồng vốn ưu đãi, mà nhiều nông dân ở vùng núi Phú Thọ có cuộc sống ổn định

Nhờ đồng vốn ưu đãi, mà nhiều nông dân ở vùng núi Phú Thọ có cuộc sống ổn định

Chúng tôi đến xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao để tìm hiểu về nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Thăm gia đình ông Trần Văn Nguyệt, chi hội 11 thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền mới thấy được giá trị và ý nghĩa của chương trình cho vay hộ nghèo và HSSV. Cả gia đình sáu khẩu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên dù chịu khó làm ăn nhưng đời sống vẫn khó khăn. Năm 2008, gia đình ông Nguyệt được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Lâm Thao với số tiền 10 triệu đồng. Gia đình ông đã quyết định đầu tư mua một con trâu. Trong lúc còn khó khăn về kinh tế gia đình ông lại thêm nỗi lo chi phí học tập cho các con vào đại học, cao đẳng. Đang không biết xoay xở ra sao để lo cho con ăn học? Thì gia đình ông được mở hướng giải quyết khó khăn khi tiếp cận chương trình tín dụng HSSV. Ông Nguyệt cho biết: “Hiện gia đình tôi đang vay NHCSXH tổng cộng 50 triệu đồng. Nếu không có nguồn vốn này, thì gia đình không dám cho con theo học. Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng tôi luôn ý thức và cố gắng thu xếp trả nợ đúng kỳ hạn”.

Gia đình ông Nguyệt là minh chứng cụ thể cho hiệu quả từ chương trình ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách giữa Hội ND tỉnh và NHCSXH các cấp trong thời gian qua. Qua 10 năm thực hiện chương trình tín dụng ủy thác do Hội ND các cấp thực hiện, đến nay, Hội ND các cấp đang quản lý 1.472 Tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn dân cư với 51.070 thành viên; trong đó có 72% thành viên là hội viên nông dân.

Đồng chí Hà Thị Hương - Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết: “Việc ký văn bản liên tịch hợp đồng ủy thác về công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách giữa NHCSXH với các hội, đoàn thể nói chung và Hội ND nói riêng đã quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi bên. Từ đó nâng cao trách nhiệm của các bên, đem lại hiệu quả rõ nét; nguồn vốn tăng trưởng nhanh, giải ngân kịp thời, nợ quá hạn giảm rõ rệt, đã góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững”. Từ khi thực hiện công tác ủy thác cho vay với NHCSXH, nguồn vốn Hội ND nhận ủy thác năm sau cao hơn năm trước, 100% cơ sở hội đều thực hiện dịch vụ ủy thác với NHCSXH. Tổng dư nợ hội nhận ủy thác đạt gần 900 tỷ đồng, đã cho trên 51.070 hộ vay. Vốn vay được giải ngân đúng đối tượng thụ hưởng, người vay được sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, cơ bản đảm bảo hoàn trả vốn đúng kỳ hạn, nợ quá hạn thấp (0,084%). Điển hình như Hội ND xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê có 16 Tổ tiết kiệm và vay vốn thì Hội ND quản lý 14 tổ với số dư nợ 9,798 tỷ đồng với 629 món vay, số dư tiền gửi tiết kiệm đã huy động được 244 triệu đồng.

Để sử dụng đồng vốn có hiệu quả, Hội ND các cấp rất coi trọng việc hướng dẫn các hội viên vay vốn về kỹ thuật sản xuất, kiến thức kinh doanh. Hàng năm, hội phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật theo mùa vụ hoặc theo từng loại cây trồng, vật nuôi, loại hình sản xuất, kinh doanh. Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật không chỉ tổ chức ở cấp xã mà còn tổ chức ở chi hội, thôn, xóm. Hội còn tổ chức dạy nghề, tạo thêm việc làm cho hội viên giúp họ tăng thu nhập. Nhờ có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, đã giúp cho hàng ngàn hộ vươn lên thoát nghèo; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, nhiều gia đình được sử dụng nước sạch, hàng trăm ngôi nhà được xây dựng khang trang; nhiều con em của các gia đình nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để theo học đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề. Gia đình anh Vi Văn Kháng ở chi hội 8 xã Đồng Cam, huyện Cẩm Khê vay 9,5 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo; chương trình HSSV 15 triệu đồng. Đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo, hai con anh đã đi làm và trả hết nợ cho ngân hàng. Gia đình anh Nguyễn Văn Lợi ở chi hội 7, xã Đồng Cam vay 14 triệu đồng, đến nay đã thoát nghèo, xây được ngôi nhà cấp 4 và mua sắm một số đồ dùng sinh hoạt gia đình. Gia đình anh Đình Hồng Liên chi hội 5b xã Minh Hòa huyện Yên Lập được vay vốn của NHCSXH huyện để chăn nuôi bò sinh sản. Từ một con bò cái đến nay, đàn bò của gia đình anh đã có 5 con, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Để thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay, các cấp Hội ND luôn sát cánh cùng NHCSXH tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để nông dân nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhanh nhất. Các cấp hội đã chủ động tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, chương trình tín dụng đối với HSSV đến cán bộ, hội viên. Hội ND cơ sở tích cực tham gia cùng với chính quyền, các đoàn thể xác định đối tượng hộ nghèo, có đủ điều kiện vay vốn, xác định đối tượng vay vốn theo từng chương trình của NHCSXH. Việc bình xét vay vốn đều đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng quy trình, công khai, dân chủ. Tổ tiết kiệm và vay vốn có nhiệm vụ động viên hội viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, tuyên truyền chủ trương, chính sách mới về tín dụng ưu đãi, trao đổi kinh nghiệm làm ăn lồng ghép với các nội dung sinh hoạt hội. Đồng thời, phối hợp với NHCSXH giải ngân đúng đối tượng, trực tiếp thu lãi hàng tháng, đôn đốc hội viên trả gốc khi đến hạn.

Có thể nói, NHCSXH là chỗ dựa tin cậy cho các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp sức cùng nông dân vượt khó, làm giàu.

Bài và ảnh Ngọc Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác