Điểm sáng Thạch Thành
Xuất phát điểm là huyện nghèo miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (hiện nay là 17,44%), nội lực kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp thấp… Đứng trước tình hình đó, Đảng bộ và nhân dân Thạch Thành đã quyết tâm biến khó khăn thành thuận lợi, bằng cách khai thác thế mạnh về đất đai và nguồn nhân lực tại chỗ, phát triển kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo bền vững. Đến nay - theo đánh giá của tỉnh, kinh tế nông nghiệp của Thạch Thành đã có những bước phát triển toàn diện. Quá trình quy hoạch, sử dụng đất, huyện xây dựng kế hoạch ổn định diện tích gieo cấy lúa hàng năm 8.000ha. Huyện đã và đang triển khai chuyển 1.000ha cấy lúa năng suất thấp sang trồng mía nguyên liệu, phát triển kinh tế trang trại, trồng cỏ, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản. Ngoài cây lúa, huyện chỉ đạo trồng ngô ở vùng đất bãi, chân đồi, đất vụ đông với diện tích trên 3.000ha/năm, năng suất bình quân đạt gần 39 tạ/ha. Đối với cây mía nguyên liệu - cung cấp cho nhà máy đường Việt - Đài, huyện tiếp tục chỉ đạo ổn định diện tích ở mức 6.000ha, đưa các loại giống mới vào trồng, để có năng suất khoảng 55 - 60 tấn/ha (giá trị hơn 53 triệu đồng/ha/năm). Hai năm qua, Thạch Thành trồng mới trên 400ha cây cao su (có 275ha cao su tiểu điền); đưa tổng diện tích cao su toàn huyện lên trên 3.400ha, trong đó có 1.300ha cho khai thác ổn định, sản lượng mủ khô năm 2012 đạt 1.400 tấn, trị giá 84 tỷ đồng, doanh thu bình quân đạt 64,6 triệu đồng/ha/năm.
Từ một huyện nghèo miền núi, sản xuất nông nghiệp của Thạch Thành đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy vậy, đến nay huyện vẫn còn 6/28 xã đặc biệt khó khăn. Đó là, xã Thạch Lâm, Thạch Tượng, Thành Mỹ, Thành Yên, Thành Minh và Thanh Công. Nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, từng bước cải thiện tình hình kinh tế chung toàn huyện, năm 2011 UBND huyện Thạch Thành đã xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, Ban chỉ đạo Đề án phân công các ngành phụ trách từng xã nghèo, cùng địa phương tiến hành khảo sát, rà soát kỹ lưỡng, đối tượng nghèo do đâu: thiếu đất, vốn sản xuất, hay do thiên tai, dịch bệnh? Từ đó, lập danh sách đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn ngân hàng - nhất là NHCSXH, chuyển hướng sang chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, phát triển các cây công nghiệp có giá trị kinh tế.
Gia đình anh Lê Huy Trường ở thôn 5, xã Thành Tiến trước đây thuộc hộ nghèo, cuộc sống chỉ trông mong vào mấy sào lúa. Được tham gia vào các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi của trung tâm khuyến nông huyện, thông qua Đoàn Thanh niên anh được vay 13 triệu đồng trong chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Với số tiền được vay anh nuôi lợn hướng nạc, đào ao thả cá kết hợp nuôi vịt đẻ. Trên 6 sào ruộng thường xuyên bị ngập úng, anh thử nghiệm trồng lúa xen nuôi cá. Sau những năm kiên trì và ham học hỏi, bằng nhiệt huyết, sức khai phá của tuổi trẻ, đến nay gia đình anh đã xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế “đa sinh kế” với hàng trăm con vịt đẻ, hàng chục con lợn siêu nạc, gần 1ha ao nuôi cá. Anh còn nhận trên 2ha đồi rừng của xã để cải tạo, đầu tư trồng luồng. Trừ chi phí, anh đã có nguồn thu khoảng gần 50 triệu đồng/năm.
Đánh giá về tác động của NHCSXH trên địa bàn, ông Bùi Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, nói: “Tín dụng chính sách góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 17,44%, nâng mức thu nhập bình quân lên 18 triệu đồng/người/năm”. Thạch Thành đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đạt 51,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5%. Vinh dự và trách nhiệm của NHCSXH huyện Thạch Thành đang ở phía trước…
Bài và ảnh Khánh Châu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3, xã Quỳnh Xuân với việc cho vay HSSV
- » Phụ nữ Ninh Bình với công tác uỷ thác cho vay vốn
- » Làm giàu ở vùng Đồng Tháp Mười
- » Niềm vui đổi đời
- » NHCSXH huyện Giao Thủy góp phần xây dựng Nông thôn mới
- » Vai trò của Điểm giao dịch
- » Nước sạch về vùng lũ
- » Người dân Phú Lương cần "cần câu" hơn "con cá"
- » Thoát nghèo từ đồng vốn vay
- » Uỷ viên HĐQT NHCSXH, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thúy kiểm tra, giám sát tại NHCSXH tỉnh Bắc Kạn