Nước sạch về vùng lũ

09/07/2013
(VBSP News) Theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, vào những năm đầu của thế kỷ 21 khi tỉnh mới được tái lập, đã có hơn 80% số hộ dân sống ở nông thôn, nhất là vùng thường xuyên ngập lũ bị thiếu nước sạch trầm trọng. Hồi ấy, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của các thôn, ấp chủ yếu dựa vào kênh rạch chảy qua nhưng nước kênh rạch luôn trong tình trạng ô nhiễm, đục ngầu, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ con người. Vào mùa khô hạn, bà con khốn đốn trăm bề về nguồn nước sinh hoạt, phải khoan, đào giếng sâu tới 50 mét mới được ít nước, và chèo xuồng xa tới cả chục km mua nước về dùng với giá từ 100 - 120 nghìn đồng/m3, nên chỉ dám sử dụng nấu ăn, uống, còn việc tắm, giặt đành phải ra kênh rạch.
Trung tâm nước sạch tỉnh Hậu Giang đang lắp đặt đường ống dẫn nước sạch về cho các hộ dân sử dụng

Trung tâm nước sạch tỉnh Hậu Giang đang lắp đặt đường ống dẫn nước sạch về cho các hộ dân sử dụng

Để khắc phục tình trạng đó, UBND tỉnh Hậu Giang tập trung chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trương nông thôn. Cụ thể, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn các huyện, thị xã có sự cải tiến về quy mô, công nghệ và giải pháp thiết kế nhằm xây dựng nhanh, đảm bảo chất lượng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Tính đến nay, Trung tâm đang quản lý, khai thác 278 trạm cấp nước (bao gồm 18 trạm cấp nước tập trung và 260 trạm cấp nước mini). Đi liền với đó, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền và đoàn thể cơ sở, triển khai cho vay vốn ưu đãi kịp thời, đến tận hộ dân để chủ động mua nguyên vật liệu xây bể chứa và bắc đường ống dẫn nước sạch từ hệ thống chính về tận nhà, thay cho việc dùng nước giếng khoan, kênh rạch ô nhiễm trước đây. Hiện tại, chương trình cho vay xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trương nông thôn ở Hậu Giang có dư nợ hơn 153 tỷ đồng, chiếm 12,46% tổng dư nợ. Đáng kể đến việc gần 1.000 hộ dân trên các cụm tuyến dân cư vượt lũ của hai huyện Châu Thành A, Châu Thành B đã sử dụng 6,2 tỷ đồng vay của NHCSXH đầu tư làm các công trình nước sạch và vệ sinh khép kín. Nông dân 4 xã vùng đất chua phèn nặng nhất huyện Vị Thuỷ còn vay vốn ưu đãi mở rộng thêm 21.000 mét ống dẫn nước sạch vượt đầm lầy, rừng đước về tận nhà sử dụng. Lão nông Huỳnh Phi Hạp ở ấp Long Phước, xã Vĩnh Thuận cho biết: “Gia đình tôi sử dụng nước sạch của trạm cấp nước xã Long Thành, trung bình mỗi tháng 5 người dùng hết khoảng 12 - 15 khối nước với mức giá 4.000 đồng/m3” rất phù hợp với người dân nghèo Nam Bộ. Điều rất phấn khởi là nước của công trình luôn đảm bảo vệ sinh nên có thể dùng ngay việc nấu nướng, sinh hoạt hàng ngày mà không phải lọc như trước”.

Còn đối với gia đình chị Võ Thị Thoan, trên cụm tuyến dân cư vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long ngày nay có công trình cấp nước sạch là rất thoả đáng với người dân. Bởi vì trước đây, cứ đến mùa khô, người dân trong vùng lại phải đối mặt với nguy cơ khan hiếm nguồn nước sạch. Đào giếng khoan rất sâu mới có nước nhưng đa phần vẫn bị nhiễm mặn. Để có nước sinh hoạt, gia đình chị hàng ngày phải chèo xuồng hàng chục cây số ra thị trấn mới xin hoặc mua được ít nước máy về dùng. Còn ngày nay chỉ cần ra sân vặn vòi là có nước sạch để dùng thoải mái.

Theo ông Ngô Minh Hùng - Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hậu Giang: “Trong năm 2012, tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, từ nguồn vốn vay của NHCSXH, và ngân sách tỉnh… để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng các trạm cấp nước tập trung và phát triển tuyến đường ống dẫn nước sạch cho các xã vùng sâu, vùng xa để làm gia tăng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác