Tín dụng chính sách là điểm tựa cho người nghèo ở Khánh Hoà
Trao sinh kế bền vững
Là hộ nghèo của xã và mẹ đơn thân nuôi 5 con, trong đó có một bé bị tim bẩm sinh, bà Đặng Thị Thu Hồng ở thôn Tân Lập, xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm đã có lúc lo sợ các con sẽ phải lỡ dở việc học hành vì bản thân không có việc làm ổn định. Thế nhưng, nhờ nguồn vốn chính sách, bà đã vượt qua nhiều khó khăn để hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Từ năm 2011 đến nay, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình bà đã được vay vốn để cho các con học đại học từ các chương trình tín dụng HSSV, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Tổng dư nợ gia đình bà Hồng đang vay vốn tại NHCSXH là hơn 252 triệu đồng. Hiện nay, 3 con lớn của bà đã ra trường, có công việc ổn định với thu nhập gần 15 triệu đồng/người/tháng, cùng chung tay với mẹ để nuôi các em và trả nợ cho ngân hàng. “Ngoài sự nỗ lực của bản thân và các con, gia đình tôi có được như ngày hôm nay phải kể đến sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương và NHCSXH. Nguồn vốn chính sách đã giúp tôi vượt qua từng giai đoạn khó khăn để phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho các con được đi học và có việc làm ổn định”, bà Hồng nói.
Nguồn vốn chính sách không chỉ trao sinh kế bền vững cho nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách mà còn tạo điều kiện an cư cho nhiều gia đình, đặc biệt là đồng bào DTTS. Đơn cử như gia đình ông Mang Huyến, người Raglai ở xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh được vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay nhà ở theo Nghị định số 28/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021- 2025. Từ nguồn vốn này, gia đình ông đã xây căn nhà mới khang trang, rộng rãi thay cho căn nhà ván cũ đã hư hỏng. An cư rồi lạc nghiệp, hiện nay, ông Mang Huyến nỗ lực làm nghề lặn biển với thu nhập 300.000 đồng/ngày, vợ chăn nuôi 3 con bò sinh sản để từng bước thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững.
Trên đây chỉ là 2 trong số đông khách hàng đã được vay và sử dụng vốn hiệu quả trong 10 năm qua.
Theo báo cáo, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách. Tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2014 đến ngày 30/6/2024 đạt hơn 13.693 tỷ đồng, với 356.713 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách hiện nay hơn 4.407 tỷ đồng, tăng 2.722,6 tỷ đồng so với năm 2014, với 114.950 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu SXKD tạo sinh kế và việc làm đạt hơn 2.867,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 65,06%/tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt hơn 1.359,8 tỷ đồng, chiếm 34,93%/tổng dư nợ. Đặc biệt, giai đoạn 2020 - 2023, NHCSXH tỉnh đã giải ngân một số chương trình thực hiện gói phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 như: Cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc cho lao động trong thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; cho vay cơ sở mầm non tiểu học ngoài công lập.
Chất lượng tín dụng luôn được củng cố
Ông Hồ Đắc Thích - Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, cấp ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện đã quan tâm, bố trí nguồn lực bổ sung nguồn vốn qua NHCSXH cùng cấp để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ đó, nguồn vốn trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến ngày 30/6/2024, chi nhánh đang quản lý nguồn vốn của Trung ương là 3.139,6 tỷ đồng, chiếm 71,08%/tổng nguồn vốn, tăng 1.689,6 tỷ đồng so với năm 2014. Nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân và nhận tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 642,3 tỷ đồng, chiếm 14,54%/tổng nguồn vốn, tăng hơn 568,3 tỷ đồng so với năm 2014. Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt hơn 634,4 tỷ đồng, tăng hơn 471,2 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm 14,38% tổng nguồn vốn.
Hiện nay, 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác quản lý 2.535 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó có 2.100 tổ không có nợ quá hạn. Các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động người nghèo và đối tượng chính sách khác mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm, chủ động vay vốn để đầu tư sản xuất, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc quản lý, hướng dẫn sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ, lãi đúng hạn đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, đưa công tác quản lý vốn đi vào nề nếp, hiệu quả.
Bên cạnh vai trò của cấp ủy, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, NHCSXH tỉnh cũng đóng góp rất lớn trong việc thực hiện kịp thời các chương trình tín dụng chính sách thông qua hình thức giao dịch tại xã. NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương thiết lập, tổ chức giao dịch cố định hàng tháng tại 136 xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiết giảm chi phí, thời gian giao dịch; cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội giám sát hoạt động của ngân hàng, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân.
Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị
Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1630 về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đảng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Thông qua việc quán triệt Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06, cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và nhân dân đã nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách, góp phần quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 233 thành viên tham gia Ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, trong đó có 136 thành viên là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Ban đại diện HĐQT các cấp thực hiện tốt chức năng giám sát việc thực thi các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo việc gắn tín dụng chính sách xã hội với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn chính sách.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hữu Hoàng kiêm Trưởng Ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh cho biết, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng và Nhà nước, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Từ năm 2014 đến nay, hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và nhất là thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Đạt được kết quả đó phải kể đến vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội ngày càng được củng cố, nâng cao. Đặc biệt, các Sở, ngành liên quan đã tích cực tập trung các nguồn lực, triển khai các chế độ, chính sách đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, kịp thời bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay. Thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06, trong thời gian tới, Ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương, hỗ trợ các điều kiện cần thiết đối với hoạt động của NHCSXH; rà soát, xây dựng và thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn chính sách đã giúp trên 84.980 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 85.060 lao động; xây dựng 541.288 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, 404 căn nhà cho hộ nghèo; 19.478 lượt hộ gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 889 căn nhà ở xã hội. Nguồn vốn chính sách cũng đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 9,68% giai đoạn 2016 - 2020 xuống còn 3,86% giai đoạn 2022 - 2025. |
Bài và ảnh Hoàng Dung
Các tin bài khác
- » Mang nguồn vốn chính sách đến với người nghèo vùng núi Ấn sông Trà
- » Hiệu quả tín dụng chính sách nhìn từ Ninh Thuận
- » Long An chuyển biến tích cực qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Tỉnh uỷ Lạng Sơn tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Bình Sơn thực hiện hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Nghĩa tình tháng Bảy - Tháng tri ân
- » Lào Cai nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo
- » Quảng Trị tạo sinh kế, giúp dân giảm nghèo bền vững
- » Vay vốn học tập: Hành trình không đơn độc