Vay vốn học tập: Hành trình không đơn độc

25/07/2024
(VBSP News) Ðể tạo cơ hội và quyền bình đẳng được tiếp cận học tập cho mọi người, nhiều năm qua, các chính sách giáo dục nhằm hỗ trợ, khuyến khích hoạt động học tập được Nhà nước ban hành. Vay vốn học tập cho sinh viên là một trong những chính sách có hiệu quả thiết thực, mang lại cơ hội tiếp cận tri thức, thay đổi cuộc sống, được xã hội ghi nhận.
image001

Cán bộ NHCSXH đang tư vấn cho khách hàng về chương trình tín dụng dành cho HSSV

Một miếng khi đói…

Tại các diễn đàn học tập trên mạng thời gian gần đây, bên cạnh những băn khoăn về việc chọn ngành, chọn trường đại học, mối quan tâm lớn của người học trong bối cảnh giá cả lạm phát hiện nay là mức học phí của các trường ra sao, cần làm gì để chủ động tài chính để theo học đại học khi gia đình không đủ điều kiện chu cấp, làm gì để không phải bỏ dở việc học giữa chừng vì không đủ tiền đóng học.

N.Q.C mới tốt Khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho biết: Cô là chị gái lớn trong gia đình có ba chị em. Bố mẹ làm nghề tự do không có thu nhập ổn định. Q.C được ở ký túc xá, đóng học phí bằng tiền vay từ chương trình tín dụng cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH. Cô đã tốt nghiệp đại học nhờ có chính sách vay vốn học tập của Nhà nước.

Trên thực tế, các chương trình tín dụng cho vay HSSV đã triển khai, sửa đổi để đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu học tập của HSSV. Điểm đáng chú ý ở Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi từ Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với HSSV do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đó là mỗi suất được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng (tương đương 40 triệu đồng/năm học) so với mức vay cũ là 2,5 triệu đồng/tháng, vốn đã lạc hậu với thời giá hiện tại.

Bên cạnh đó, đối tượng tiếp cận nguồn vốn cũng được nới rộng thêm, không chỉ HSSV thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo, nhóm con em hộ gia đình có mức sống trung bình cũng được vay theo chương trình này.

Trong nhiều năm qua, chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn của Chính phủ là lựa chọn tốt cho các HSSV thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp tục việc học. Theo báo cáo của NHCSXH, 6 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 24,2 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với chương trình vay vốn học tập.

Năm nay, Q.C ra trường thì em gái cô, L.C vào đại học. Mẹ của Q.C, bà P.T.L cho biết, bà đã được cán bộ NHCSXH tư vấn kỹ về chương trình vay vốn này. Người vay không phải bận tâm đến việc trả nợ trong suốt quá trình học. Bà L mong muốn con bà tập trung vào việc học để có thể đạt kết quả tốt, không phải lo lắng đến việc phải làm thêm kiếm tiền.

Với cơ chế cho vay hộ gia đình như hiện tại so với những năm trước là cho HSSV trực tiếp vay, việc theo dõi và thu nợ sẽ hiệu quả hơn. Bởi vì trên thực tế, người học sau khi ra trường sẽ không còn ràng buộc với nhà trường, với ngân hàng, trong khi nếu gia đình đứng ra vay thì đến thời hạn trả nợ, cán bộ tín dụng tại địa phương theo dõi sát và kịp thời nhắc nhở. Cụ thể người vay có trách nhiệm trả nợ gốc và lãi số tiền vay lần đầu tiên vào thời gian 12 tháng sau khi kết thúc khóa học. Nếu người vay vẫn chưa kiếm được việc làm, chưa sắp xếp được kế hoạch trả nợ, có thể làm đơn xin gia hạn nợ gửi đến ngân hàng cho vay… Bên cạnh đó, khuyến khích người vay vốn trả nợ trước hạn mà không phải chịu phạt trả nợ trước hạn như hầu hết các hình thức vay thông thường…

Ngân hàng và trường đại học phối hợp hỗ trợ sinh viên

Ngoài NHCSXH, các ngân hàng Agribank, BIDV và Vietcombank đều tham gia tích cực vào hoạt động hỗ trợ cho người học, đặc biệt là những tân sinh viên có cơ hội học tập. BIDV tiếp tục hợp tác với Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội triển khai các gói vay ưu đãi lãi suất, hỗ trợ đóng học phí lãi suất ưu đãi dưới 6%/năm.

Q.C cho biết, bốn năm trước, ngay buổi đầu tiên nhập học, giáo viên phụ trách lớp đã phổ biến về chính sách vay vốn học tập, đối tượng được vay, phương thức trả… và có sẵn mẫu cho sinh viên nào thuộc đối tượng và có nhu cầu vay thì kê khai, tập hợp để nhà trường ký xác nhận.

Bên cạnh sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, mỗi trường đại học đều có cách hỗ trợ cho sinh viên trường mình bằng nhiều cách, nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt các trường đại học phía nam đã kêu gọi được sự tài trợ của doanh nghiệp, cựu sinh viên để trả lãi, bảo lãnh cho sinh viên vay vốn học tập tại các ngân hàng thương mại. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình cho vay ưu đãi học tập với lãi suất 0% của Quỹ phát triển, Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cũng tạo điều kiện cho sinh viên khó khăn được vay tiền không tính lãi để đóng học phí tối đa 4 học kỳ. Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Đại học Hoa Sen, Đại học Hồng Bàng hiện đang áp dụng hình thức trả góp học phí qua thẻ tín dụng, nhiều năm nay đã giúp đỡ được nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục học tập.

Tuy nhiên, có không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nắm bắt được nhu cầu vay vốn học tập của các gia đình, các đối tượng lừa đảo, cho vay nặng lãi đã không từ thủ đoạn nào để lừa gạt người dân. Do đó, các gia đình và chính bản thân mỗi sinh viên cần tỉnh táo tìm hiểu thông tin từ trang web chính thức của trường mình theo học, hoặc liên hệ trực tiếp phòng công tác HSSV, trung tâm hỗ trợ sinh viên… để tìm được cho mình một hình thức hỗ trợ phù hợp nhất.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, tiếp tục đồng hành hỗ trợ HSSV vững bước đến trường, chuẩn bị một mùa khai giảng mới, hệ thống chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố đã và đang vào cuộc phối hợp với chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn cơ sở tuyên truyền để mọi người dân biết đến thông tin về chương trình, tiếp cận nguồn vốn tín dụng học tập hiệu quả.

Coi trách nhiệm trả nợ là động lực phấn đấu

Lâu nay, tình trạng sinh viên vừa học, vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống vẫn luôn phổ biến, bên cạnh mặt tích cực cũng để lại nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Bà P.T.L cho rằng, bà luôn quán triệt các con, không được tham bát bỏ mâm, không lao đầu đi làm thêm rồi bỏ bê việc học. Thay vào đó, tiết chế chi tiêu không cần thiết, giành nhiều thời gian để học, ấy là cách tiết kiệm nhất.

Nghe lời mẹ, Q.C giành thời gian chuyên chú học hành, tự học ngoại ngữ. Ra trường, bên cạnh tấm bằng đại học xếp loại Giỏi, vốn ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Hàn đủ để sử dụng, Q.C tự tin ứng tuyển vào một công ty về truyền thông marketing… Có kiến thức, sức trẻ và ý chí phấn đấu, cô mong muốn sẽ tận dụng được kiến thức và những kỹ năng cuộc sống thu nạp được trong bốn năm đại học, công việc của cô sẽ thuận lợi, có thu nhập đủ để trước mắt sớm trả hết nợ và hỗ trợ mẹ nuôi các em.

Trong lễ nhận bằng tốt nghiệp cử nhân của con gái, bà P.T.L xúc động nghẹn ngào: “Ngày Q.C đi học đại học, sau lưng còn hai đứa em đều đang tuổi ăn học, khó khăn trăm bề, khoản vay của NHCSXH đã san sẻ áp lực cho tôi rất nhiều. Giờ đây con gái lớn đã ra trường, nhiều ít đã kiếm được việc làm có thu nhập, với sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi cảm thấy vững tin hơn nếu sắp tới đây nhận giấy báo đỗ đại học của con gái thứ hai”.

Bình Nhi

Các tin bài khác