Quảng Trị tạo sinh kế, giúp dân giảm nghèo bền vững

25/07/2024
(VBSP News) Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Chương trình hành động số 117-CTHÐ/TU, Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị về thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, triển khai cho vay đến các đối tượng chính sách trên địa bàn. Những chính sách thuận lợi này đã giúp tạo sinh kế bền vững, phù hợp với thực tiễn địa phương, góp phần hiện thực hóa Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.
image001

Mô hình trồng cam hữu cơ của hợp tác xã cây ăn quả Bến Quan được góp sức từ nguồn vốn chính sách

Ðáng chú ý trong việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tại tỉnh là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cho vay đúng và đủ đối với hộ nghèo, gia đình chính sách, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng triển khai tín dụng chính sách.

Sát dân, vì dân

Anh Phạm Ngọc Hưng ở thôn Diên Khánh, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn vay vốn NHCSXH 90 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm để mở rộng cơ sở sản xuất nước tinh khiết Dream; công việc phát triển tốt, giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho 5 lao động địa phương. Mỗi tháng, ngoài đóng lãi theo quy định, anh còn dành một khoản tham gia gửi tiết kiệm để tích trữ trả nợ gốc. Anh Hưng mong muốn tiếp tục vay thêm nhằm mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cũng như nâng cao đời sống cho nhiều lao động địa phương.

Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác luôn đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi; vận động tổ viên thực hành tiết kiệm hằng ngày, tạo thói quen thường xuyên gửi tiết kiệm hằng tháng nhằm tích góp, tạo nguồn hỗ trợ cho việc trả lãi, trả nợ ngân hàng và tạo lập dần vốn tự có; đồng thời, hướng dẫn về cách thức sản xuất, làm ăn đạt hiệu quả, tham gia và giám sát việc thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện nay, chi nhánh có 125 Điểm giao dịch đặt tại 100% Trụ sở UBND xã, phường, thị trấn; phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội quản lý 1.859 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại các thôn, bản.

Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh Lý Thị Nga cho biết: Nhờ có vốn vay chính sách 400 triệu đồng, tổ hợp tác chăn nuôi gà tại địa phương với 5 thành viên đã mở rộng hai khu chuồng trại, nuôi 25 nghìn con gà, giải quyết việc làm cho 12 lao động; năm đầu tiên hoạt động đã có lãi hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Tương tự là mô hình trồng cam hữu cơ của Hợp tác xã cây ăn quả Bến Quan có diện tích 8ha với 11 thành viên, với tổng dư nợ 1,1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập ổn định.

Chị Nga chia sẻ thêm: Tổ tiết kiệm và vay vốn là mô hình gần dân, sát dân, vì dân, tiết kiệm tối đa chi phí, giúp nguồn vốn chính sách được triển khai nhanh chóng; độ bao phủ của mô hình này rất rộng, gắn kết chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội địa phương. Tại Điểm giao dịch thị trấn Bến Quan, các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục vay được niêm yết công khai, tạo được lòng tin của nhân dân.

Ðể phong phú nguồn vốn cho vay, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn bằng quyết định giao dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm ủy thác qua NHCSXH, đến nay đạt hơn 216 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn lũy kế của chi nhánh NHCSXH tỉnh huy động đạt hơn 5.091 tỷ đồng, tăng hơn 3.405 tỷ đồng so với năm 2014.

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Trị Trần Đức Xuân Hương cho biết: Chi nhánh tập trung công tác ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động tín dụng. Việc ủy thác được thực hiện bài bản, thông suốt từ tỉnh về cơ sở, phát huy được điểm mạnh của tổ chức chính trị, xã hội có mạng lưới, cán bộ ở tất cả các xã, phường, nhất là các chi hội hoạt động ở thôn, làng, cùng tham gia trong việc tuyên truyền, bình xét cho vay.

Nhiều sáng tạo trong cách làm

image002

Người dân đến vay vốn tại Điểm giao dịch xã Hải Dương, huyện Hải Lăng

Một trong các cách làm đáng chú ý là xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Hằng năm, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chi nhánh NHCSXH tỉnh xem xét, thẩm định cho vay gần 2.000 mô hình, với tổng số tiền gần 120 tỷ đồng cho những dự án đã được đăng ký phù hợp, bảo đảm quy định, hiệu quả.

Cùng với đó, phối hợp với các địa phương trong các tình huống cấp bách theo các chương trình, đề án đặc biệt như: Cho vay chuyển đổi sinh kế cho ngư dân vùng biển bị thiệt hại do sự cố môi trường biển Formosa năm 2016, vay hỗ trợ sau trận lũ lịch sử năm 2020, nhất là cho vay người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19…

Một điểm đáng chú ý, đó là các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hơn 20 nghìn hộ đồng bào DTTS trong tỉnh làm quen với việc vay vốn để sản xuất, tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và quản lý vốn. Riêng tại huyện miền núi Hướng Hóa, số dư nợ cho người DTTS vay vốn tín dụng chính sách đạt hơn 775 tỷ đồng với hơn 11.835 hộ vay.

Anh Hồ Văn Chiến, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Ka Túp, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa được NHCSXH hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng. Có vốn, anh đầu tư trồng 2ha rừng cây tràm và mua bò giống về nuôi và bước đầu đã phát huy hiệu quả, đời sống gia đình ngày một khấm khá. Gia đình anh rất vui mừng vì được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để sản xuất, cải thiện đời sống.

image003

Nhờ được vay vốn, người dân ở thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh xây dựng mô hình nuôi gà hiệu quả

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Ðăng Quang cho biết: Thời gian qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh có nhiều sáng tạo trong cách cho vay, trao sinh kế, giảm nghèo bền vững. Ðây là nỗ lực rất lớn đưa chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước vào cuộc sống, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đời sống. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, là nguồn lực lớn góp sức vào chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững của tỉnh.

Tuy nhiên, Nhà nước hiện chưa có chính sách cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh đối với hộ có thu nhập thấp, mức sống trung bình trong khi nhu cầu của đối tượng này rất lớn và trên thực tế khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng các ngân hàng thương mại.

Do đó, nhằm phát huy tốt hơn vai trò của vốn tín dụng chính sách xã hội, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm hơn nữa việc cân đối, ưu tiên bố trí kinh phí trong dự toán hằng năm từ nguồn đầu tư phát triển chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Cùng với đó, tỉnh đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện tiếp cận được vốn tín dụng chính sách kịp thời, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững của địa phương.

Bài và ảnh Lâm Quang Huy

Các tin bài khác