Nguồn vốn chính sách “khai sinh” nhiều trang trại ở Nam Định

05/04/2024
(VBSP News) Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập cao. Qua đó, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều trang trại, mô hình kinh tế, nhiều gương điển hình sản xuất giỏi.
nam dinh

Cán bộ NHCSXH huyện Nghĩa Hưng giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho người dân tại Điểm giao dịch tại xã Nghĩa Hùng

Với mô hình trang trại nuôi cá cảnh, cá truyền thống, anh Đặng Đình Mão ở xóm 2, xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc là điển hình nông dân sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Anh Mão chia sẻ: “Gia đình tôi có 4,4 mẫu ao nuôi thả cá trắm, cá Koi và cá vàng. Những năm gần đây, giá thức ăn cho cá tăng mạnh, giá cá bán thất thường vì thế mô hình gặp nhiều khó khăn. May mắn đầu tháng 3 vừa qua, được NHCSXH huyện cho vay 90 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm vào tháng 3 vừa qua đã giúp gia đình yên tâm hơn rất nhiều. Có vốn, gia đình tôi có điều kiện mua thêm cám cho đàn cá, cải tạo ao nuôi, tiếp tục duy trì các mô hình”. Mỗi năm gia đình anh Mão thu nhập khoảng 250 triệu đồng từ nghề nuôi cá cảnh, cá truyền thống.
Không chỉ tạo điều kiện cho vay vốn, nguồn vốn tín dụng chính sách còn giúp gia đình anh Mão được tiếp cận sử dụng nước sạch. “Được NHCSXH huyện tạo điều kiện, gia đình tôi đã vay 20 triệu đồng để đầu tư lắp đặt đường ống đưa nước sạch về sử dụng, nâng cao chất lượng cuộc sống rất nhiều”, anh Mão cho biết thêm.
Đến hết tháng 2/2024, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Nam Định đạt 726,1 tỷ đồng, với 10.382 khách hàng còn dư nợ. Trong 2 tháng đầu năm 2024, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân được 46,5 tỷ đồng vốn giải quyết việc làm cho 597 khách hàng vay vốn, tạo thêm việc làm mới thường xuyên, ổn định cho gần 600 lao động. Hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.
Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, thời gian qua, chi nhánh đã chủ động triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đến 204 Điểm giao dịch xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có 491 hộ thoát nghèo, 2.047 hộ thoát cận nghèo nhờ nguồn vốn chính sách để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống; tạo việc làm cho gần 5.000 lao động; trên 4.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để chi phí học tập; xây dựng 30.000 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn; 145 căn nhà ở cho người có thu nhập thấp, đóng góp tích cực vào việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội.
Đặc biệt, nhiều hộ vay vốn đã áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập cao. Theo đó, nhiều mô hình kinh tế đã hình thành như trồng hoa, nuôi tôm, cua, lươn không bùn mang lại hiệu quả.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Trần Duy Hưng cho biết: Để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thoát nghèo, vươn lên làm giàu, chính quyền các cấp đã thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của địa phương, gắn kết các chương trình tín dụng chính sách với hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, chương trình phát triển các sản phẩm OCOP… Đồng thời, chỉ đạo các hội đoàn thể phổ biến nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình đến hộ vay vốn.
Năm 2024, chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục dành một phần nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn vay vốn giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm mới cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, ngân hàng tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đổi mới hoạt động, lồng ghép hoạt động tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao KHKT để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Bài và ảnh Đức Toàn

Các tin bài khác