Động lực giúp người hoàn lương phát triển kinh tế
“Cờ bạc là bác thằng bần, cửa nhà bán hết tra chân vào cùm”, đó là nhắc nhở của ông bà ta nhằm khuyên răn mọi người tránh xa tệ nạn này. Song, không phải ai cũng đủ tỉnh táo để tránh cám dỗ từ cờ bạc, để rồi vướng vòng lao lý. Chỉ vì phút nông nổi mê đỏ đen khi đang tham gia sát phạt tại một tụ điểm đánh bạc ở địa phương mà anh Phạm Văn Trung ở thôn Đông Tân, xã Đông Hà, huyện Đức Linh bị bắt rồi vướng vào vòng lao lý.
“Chấp hành xong án tù, cuộc đời tối tăm nhất của tôi đã qua rồi. Giờ được tự do, tôi đặt quyết tâm chí thú làm ăn. Trở về địa phương, mối quan tâm lớn nhất của tôi là việc làm…”, anh Trung xúc động chia sẻ khi cầm trên tay số tiền 100 triệu đồng vừa được NHCSXH huyện Đức Linh giải ngân với lãi suất ưu đãi của Nhà nước. Với số vốn vay này, anh Trung tính toán sẽ mua thêm bò phát triển đàn tăng thu nhập cho gia đình, nuôi con ăn học để trả nợ đúng kỳ hạn cho ngân hàng.
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Hoài Hào ở thị trấn Võ Xu cũng khấp khởi niềm vui khi được NHCSXH huyện giải ngân số tiền 100 triệu đồng chương trình tín dụng cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về. Có được số vốn này giúp gia đình chị Hào có thêm chi phí mua phân bón, tưới nước cho vườn cau đang 1 năm tuổi và mua thêm cây giống để trồng tăng diện tích cau lên 5 sào.
“Từng đam mê cờ bạc, sau cải tạo trở về, chồng tôi nay tu chí làm ăn. Nhận số tiền vay 100 triệu đồng lãi suất ưu đãi, chồng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để vực dậy cuộc sống. Không có vốn làm gì cũng khó, nhiều người thấy chúng tôi mới “có án” họ ngại không dám cho vay nhưng NHCSXH cho chúng tôi vay lãi suất thấp, thật không biết cảm ơn thế nào nữa…”, chị Hào nói.
Một trong những nguyện vọng lớn nhất của người mãn hạn tù là có việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống, làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, với quá khứ không may mắc phải lầm lỗi, vi phạm pháp luật, khi trở về với cộng đồng tâm lý ít nhiều có sự tự ti. Việc cộng đồng, xã hội dang tay đón họ trở lại bằng những việc làm hiệu quả đã giúp họ thêm niềm tin, động lực vươn lên ổn định cuộc sống.
4 trường hợp người hoàn lương đầu tiên vừa được vay vốn với số tiền 400 triệu đồng từ NHCSXH huyện Đức Linh, ai cũng vui mừng xen lẫn sự xúc động. Vốn chính sách trao tay người hoàn lương như vòng tay ấm áp dang rộng khích lệ họ trở lại hòa nhập cộng đồng vươn lên sống tốt, có ích cho xã hội.
Giám đốc NHCSXH huyện Đức Linh Lê Văn Nhị cho biết: Để thực hiện tốt Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Chính phủ tiếp sức cho người hoàn lương phát triển kinh tế, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, niêm yết công khai thủ tục vay vốn tại Điểm giao dịch xã. Thời gian tới, đơn vị sẽ tích cực phối hợp Công an huyện, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tập trung rà soát các đối tượng có nhu cầu, bình xét cho vay, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân kịp thời. NHCSXH huyện tiếp tục rà soát các trường hợp còn lại có nhu cầu, đủ điều kiện để cho vay kịp thời; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn nhằm giúp họ phát huy hiệu quả nguồn vốn, có thu nhập tốt hơn trong thời gian tái hòa nhập cộng đồng.
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực từ ngày 10/10/2023 đã đáp ứng được phần nào nguyện vọng của người từng lầm lỗi. Đây là một chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta tạo thuận lợi cho người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Họ có thể vay để học nghề, vay để tạo sinh kế, vay để phát triển kinh doanh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đón nhận những người mãn hạn tù vào làm việc.
Thanh Duyên
Các tin bài khác
- » NHCSXH chúc mừng 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
- » Vốn tín dụng chính sách “chắp cánh” thanh niên khởi nghiệp
- » Phát huy lực lượng và tiềm năng của thế hệ trẻ
- » Cùng Phú Vang xây dựng kinh tế biển và đầm phá
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hưng Yên: Cùng địa phương giải bài toán việc làm tăng thu nhập
- » Thái Bình thúc đẩy tư duy sản xuất, kinh doanh mới
- » Vùng đồng bào DTTS đổi thay nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách: Điểm tựa của niềm tin
- » “Quả ngọt” từ nguồn vốn nhân văn
- » Có vốn nuôi bò, trồng keo, nông dân nghèo Bình Định nhanh khá