Vốn tín dụng chính sách “chắp cánh” thanh niên khởi nghiệp
Sau thời gian đi làm thuê xa nhà vất vả nhưng thu nhập thấp, cuối năm 2018, anh Dương Văn Chăm, đoàn viên thanh niên thôn Bình Thượng, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn trở về quê hương. Được tổ chức Đoàn hướng dẫn, anh vay vốn NHCSXH huyện 40 triệu đồng để đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Anh Chăm chia sẻ: “Nhờ được Đoàn Thanh niên xã tư vấn, hướng dẫn, gia đình tôi được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi. Từ năm 2022 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình xuất bán trên 10 con bò, thu nhập đem lại trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhờ có vốn, tôi đầu tư mua máy cày, máy thu hoạch lúa phục vụ người dân trong xã, thu nhập đem lại thêm cho gia đình 60 triệu đồng/năm”.
Không chỉ anh Chăm, phát huy tinh thần xung kích, tiên phong của tuổi trẻ, anh Hoàng Vũ, đoàn viên thanh niên thôn Ba Lẹng, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng đã phát triển mô hình kinh doanh dịch vụ homestay từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Anh Vũ chia sẻ: “Xác định lập thân, lập nghiệp tại quê hương, vốn đối với tôi là rất quan trọng. Trong lúc đang loay hoay tìm kiếm nguồn vốn, năm 2023, được sự tư vấn, hướng dẫn tận tình của cán bộ NHCSXH huyện, tôi đã làm hỗ sơ vay 100 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc kinh doanh dịch vụ homestay. Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, hiện trung bình mỗi tháng, homestay của tôi đón khoảng 50 - 100 lượt khách đến lưu trú, doanh thu mang lại gần 40 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 2 lao động địa phương”.
Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Hữu Lũng Đỗ Văn Thuần cho biết: Xác định công tác ủy thác vốn vay với NHCSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giúp thanh niên phát triển kinh tế, lập nghiệp. Hằng năm, Huyện đoàn đã chỉ đạo đoàn thanh niên các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên tiếp cận nguồn vốn chính sách. Đồng thời, phối hợp với NHCSXH huyện tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách hoạt động ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn về nghiệp vụ quản lý vốn vay; kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Đến cuối tháng 3/2024, tổng dư nợ ủy thác qua Huyện đoàn đạt trên 119 tỷ đồng với 2.173 lượt hộ vay. Các mô hình kinh tế của thanh niên chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ… Từ hiệu quả nguồn vốn, hiện nay, toàn huyện có trên 80 mô hình thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế cho thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm. Trong năm 2023, Huyện đoàn giúp đỡ 15 thanh niên nghèo là chủ hộ thoát nghèo.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn Phan Anh Thắng cho biết: “Nhiều năm qua, nguồn vốn cho vay ủy thác qua tổ chức Đoàn Thanh niên đã góp phần giúp nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh vươn lên phát triển kinh tế. Để đạt được kết quả đó, Tỉnh đoàn luôn tích cực chỉ đạo Đoàn Thanh niên các cấp phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh phối hợp giải ngân tăng trưởng nguồn vốn, Tỉnh đoàn cũng phối hợp với NHCSXH để nâng cao chất lượng tín dụng, kịp thời thông tin chia sẽ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở với NHCSXH để phối hợp giải quyết tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong thực hiện tín dụng chính sách, quan tâm củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn do Tỉnh đoàn quản lý. Nhờ đó, hiện nay 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn đều hoạt động tốt, khá; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ thấp 0,07% trong tổng dư nợ ủy thác.”
Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ủy thác qua Đoàn thanh niên trên địa bàn tỉnh đạt trên 939 tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng dư nợ vốn ủy thác, với 443 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trên 14.400 khách hàng còn dư nợ.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đoàn Thành Công cho biết: Thời gian qua, Tỉnh đoàn đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên thoát nghèo, từng bước lập thân, lập nghiệp bằng nguồn vốn chính sách. Cụ thể, Tỉnh đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến đông đảo đoàn viên, thanh niên, đồng thời định hướng đoàn viên thanh niên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả.
Song song với giải ngân, để nâng cao chất lượng nguồn vốn, hằng năm, Tỉnh đoàn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách hoạt động ủy thác, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn về nghiệp vụ quản lý vốn vay. Ngoài ra, Tỉnh đoàn thường xuyên kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay. Chỉ tính riêng trong năm 2023, đơn vị đã tiến hành kiểm tra được 11 đơn vị cấp huyện; 11 xã, phường, thị trấn; 21 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 55 hộ vay vốn.
Ngoài ra, để nguồn vốn phát huy hiệu quả, hằng năm, tổ chức Đoàn các cấp đều tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho đoàn viên thanh niên. Như trong năm 2023, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các huyện, thành đoàn phối hợp với các cơ quan liên quan tập huấn khởi nghiệp, lập nghiệp cho đoàn viên thanh niên, trong đó ưu tiên nội dung chuyển giao KHKT được 10 lớp; tổ chức tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho 4.932 thanh niên, trong đó có 1.305 thanh niên có việc làm ổn định.
Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp, tạo việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho thanh niên, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Từ hiệu quả nguồn vốn, hiện nay, toàn tỉnh có 160 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng/năm. Trong năm 2023, Tỉnh đoàn giúp đỡ 227 thanh niên nghèo là chủ hộ vươn lên thoát nghèo.
Hiểu Lam - Mai Linh
Các tin bài khác
- » NHCSXH chúc mừng 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
- » Phát huy lực lượng và tiềm năng của thế hệ trẻ
- » Cùng Phú Vang xây dựng kinh tế biển và đầm phá
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hưng Yên: Cùng địa phương giải bài toán việc làm tăng thu nhập
- » Thái Bình thúc đẩy tư duy sản xuất, kinh doanh mới
- » Vùng đồng bào DTTS đổi thay nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách: Điểm tựa của niềm tin
- » “Quả ngọt” từ nguồn vốn nhân văn
- » Có vốn nuôi bò, trồng keo, nông dân nghèo Bình Định nhanh khá
- » Nông dân Hòa Vang đổi đời từ nguồn vốn chính sách