Tín dụng chính sách ở Mù Cang Chải (Bài 1: Tận tâm bám trụ)

30/10/2023
(VBSP News) Xứ “bồng lai tiên cảnh” Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái đã đổi khác! Giao thông thuận lợi, hạ tầng được quan tâm đầu tư; những nếp nhà trình tường vững chãi của đồng bào Mông - dân tộc vốn ưa du canh, du cư đã xuất hiện nhiều hơn trên trục đường liên xã, liên thôn; các phiên chợ tấp nập và đầy ắp sản vật… Tất cả minh chứng cho sự chuyển mình của huyện vùng cao biên giới với sự hỗ trợ đắc lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là sự tận tâm bám trụ của đội ngũ những người làm tín dụng chính sách.
mucangchai

Bất cứ lúc nào và ở đâu, khi đồng bào cần là có cán bộ tín dụng chính sách

Kiên trì, trách nhiệm
Gặp lại vị “Thủ lĩnh áo hồng” - Giám đốc NHCSXH huyện Mù Cang Chải Bùi Văn Hóa sau 3 năm, kể từ ngày đầu tiên về tìm hiểu và đưa tin hoạt động tín dụng chính sách tại huyện Mù Cang Chải, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Vẫn dáng người cao gầy, thoăn thoắt đưa anh em báo chí đến gặp gỡ, trao đổi với các hộ vay vốn; vẫn cái lối sẵn sàng “bắn tiếng địa phương” kiêm phiên dịch khi đồng bào không nói được tiếng phổ thông… Tất cả khiến ranh giới chủ - khách mau chóng bị xóa nhòa.
“Thủ lĩnh” Bùi Văn Hóa - người đã có hơn 20 năm gắn bó với tín dụng chính sách chia sẻ: Mù Cang Chải là một trong những huyện nghèo của cả nước và đại đa số là đồng bào Mông sinh sống. Toàn huyện có 14 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, có 13 xã, 1 thị trấn và cả 13 xã đều đặc biệt khó khăn. Do đó, người dân nơi đây không chỉ thiếu vốn sản xuất mà còn thiếu kiến thức, dễ sử dụng vốn sai mục đích. Vì vậy, để đồng vốn đến tay người dân và phát huy hiệu quả là một thách thức không nhỏ.
Bởi thế, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, giảm chi phí giao dịch, NHCSXH huyện đã xây dựng hệ thống các Điểm giao dịch tại 14 xã, thị trấn. Đồng thời, thường xuyên củng cố hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 98 bản và ủy thác qua 55 tổ chức hội, đoàn thể cấp xã thông qua phối hợp, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ ủy thác; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tổ chức hội các cấp, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng cường hướng dẫn cho Tổ tiết kiệm và vay vốn, đặc biệt là khâu bình xét cho vay bảo đảm đúng đối tượng. Cùng với đó, tăng cường đối chiếu dư nợ vay để kịp thời phát hiện, xử lý những sai sót, hạn chế xảy ra.
Hàng tháng, cán bộ tín dụng đều duy trì lịch giao dịch tại xã, xuống tận bản tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về nguồn vốn cho vay cũng như đối tượng được vay, thông báo dư nợ đến hạn, quá hạn, lãi phải thu của từng hộ… Do vậy, chất lượng tín dụng luôn được bảo đảm.
Quả thật, sẽ là thách thức không nhỏ cho Mù Cang Chải khi trong muôn vàn khó khăn lại thiếu đi những cán bộ tâm huyết, gắn bó, trách nhiệm với từng hộ đồng bào, từng cây trồng, vật nuôi, từng đồng vốn của Nhà nước như các cán bộ NHCSXH huyện nói chung và Giám đốc Bùi Văn Hóa nói riêng.
Luôn sẵn sàng khi đồng bào cần
Giám đốc NHCSXH huyện Bùi Văn Hóa cho biết: Với đặc thù là huyện 30a, có 91% dân số là đồng bào Mông nên mọi hoạt động của Phòng giao dịch đều tập trung vào người nghèo, người DTTS. Đồng thời, vốn tín dụng chính sách đã được triển khai kịp thời tới 98 bản, tổ dân phố với 183 Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Tính riêng 9 tháng năm 2023, NHCSXH huyện Mù Cang Chải đã cho vay 104.144 triệu đồng; với 1.844 lượt hộ được vay vốn. Trong đó, cho vay vùng DTTS và miền núi đạt 4.350 triệu đồng, đạt 96% kế hoạch giao. Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện đạt 405.612 triệu đồng, tăng 50.638 triệu đồng (14%) so với đầu năm. Nguồn vốn đã giúp hơn 18.000 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho 13.906 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 1.000 lao động; hơn 1.400 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 880 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.275 căn nhà cho hộ nghèo.
Nguồn vốn cũng góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 2,4 triệu đồng/người năm 2002 ước tính lên 20,4 triệu đồng/người năm 2022 (tăng hơn 10 lần so với năm 2002), giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2022 còn 6.344 hộ, chiếm tỷ lệ 48,28%; hộ cận nghèo là 1.452 hộ, chiếm tỷ lệ 11,05%. Không chỉ đưa vốn đến với đồng bào, cán bộ tín dụng khi xuống cơ sở giải ngân, thu lãi suất còn tư vấn, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả, đây cũng là yếu tố giúp Mù Cang Chải không có nợ quá hạn phát sinh, nợ khoanh bằng không.
Giám đốc NHCSXH huyện cũng chia sẻ thêm: Nhìn vào bức tranh tổng thể, tuy kinh tế - xã hội của huyện có nhiều khởi sắc nhưng chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm cao nhưng chưa thật sự bền vững… Do đó, với trách nhiệm và sứ mệnh vì người nghèo của những người làm tín dụng chính sách, NHCSXH huyện Mù Cang Chải sẽ tận tâm, tận lực bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn nhằm góp phần từng bước đưa Mù Cang Chải ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.

Bài và ảnh Bình Nhi - Đức Kiên

Các tin bài khác