Ấn tượng NHCSXH ở tỉnh Lâm Đồng

20/05/2013
(VBSP News) Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, dân số trên 1,2 triệu người, có 1 huyện nghèo và 110 xã thuộc vùng khó khăn. Vì vậy, vấn đề giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương coi đây là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Lâm Đồng phát triển vườn cây cà phê

Đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Lâm Đồng phát triển vườn cây cà phê

Qua 10 năm hoạt động, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã thành lập trên 3.100 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các thôn, buôn, tổ dân phố; 148 Điểm giao dịch xã, từ đó đã chuyển tải hơn 3.800 tỷ đồng nguồn vốn của 9 chương trình tín dụng chính sách cho hơn 300 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Đây là kênh tín dụng ưu đãi lớn nhất đáp ứng toàn diện các nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, có ý nghĩa to lớn không chỉ với NHCSXH mà với cả công cuộc xóa nghèo của tỉnh, bởi lẽ hoạt động của NHCSXH đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn.

Phương thức tổ chức ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể được coi là cách làm hay, có hiệu quả, thực hiện được công tác xã hội hóa tín dụng chính sách, đưa đồng vốn đến với người nghèo và các đối tượng chính sách một cách công khai, dân chủ tiết kiệm được chi phí vốn đầu tư; lồng ghép công tác khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng khoa học học công nghệ cao vào sản xuất, nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách biết cách đầu tư vốn, tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện từng nơi; đồng thời góp phần củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể.

NHCSXH tuy thành lập muộn hơn so với các ngân hàng khác trên địa bàn nhưng hoạt động của NHCSXH đã sớm có tác động to lớn, đem lại sự ổn định cho nông thôn, nông dân tỉnh Lâm Đồng và có tác động mạnh mẽ tới các nghị quyết, các dự án, các chương trình giảm nghèo của tỉnh như chương trình triển khai xây dựng thí điểm mô hình Nông thôn mới; đồng thời có tác động tới các chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thành tích đạt được của NHCSXH trong thời gian qua không chỉ thể hiện qua những con số ấn tượng như: Giúp cho hơn 28 nghìn hộ thoát nghèo; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho hơn 163 nghìn lao động; giúp cho hơn 44 nghìn em học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; giúp gần 1.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài; giúp xây dựng gần 41 nghìn công trình nước sạch và nhà vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 4.900 căn nhà… giúp một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến nhận thức, tập quán làm ăn, xóa bỏ tâm lý mặc cảm, vươn lên tự thoát nghèo, hòa nhập cộng đồng.

Có thể khẳng định rằng, kết quả giảm nghèo của tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 22,72% năm 2005 xuống còn 6,31% vào cuối năm 2012. NHCSXH thực sự là người bạn đồng hành của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, là công cụ đắc lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong những năm tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế với tốc độ cao, chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và cơ cấu đầu tư, nâng cao năng lực canh tranh của nền kinh tế; thực hiện tốt chương trình việc làm, giảm nghèo và xây dựng Nông thôn mới, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 3%, tạo việc làm cho 3 vạn lao động, đào tạo nghề cho 2,5 vạn lao động… Để thực hiện tốt mục tiêu trên, chúng tôi cho rằng kênh tín dụng thông qua NHCSXH đóng vai trò không nhỏ trong nhiều giải pháp đồng bộ mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra.

Hồng Anh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác