Hành trính tín dụng chính sách 20 năm trên đất Sơn La (Bài 3: Ngày nắng mới, xanh mát rừng nơi đất Phù Yên)

06/09/2022
(VBSP News) 20 năm qua, bằng tâm huyết và sự tin yêu, những người cán bộ tín dụng chính sách áo hồng đã góp công sức cùng người dân địa phương làm nên vẻ đẹp của vùng đất, vùng trời Phù Yên. Toàn huyện đã có trên 68 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn... góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
image001

Cán bộ NHCSXH huyện Phù Yên kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay chính sách của hộ dân xã Mường Cơi

Cùng tín dụng chính sách vượt lên thoát nghèo

Nằm ở phía Đông tỉnh Sơn La, Phù Yên là huyện nằm trong danh sách huyện nghèo nhất nước với 11 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, có điểm xuất phát là nền kinh tế thấp. Song, núi rừng và bản làng Phù Yên được bùng dậy từ sự đồng lòng vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương với mục tiêu nhanh chóng triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, trong đó, tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Với cách thức “Giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”, thông qua hoạt động tại Điểm giao dịch xã, NHCSXH huyện Phù Yên đã đưa đồng vốn tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách nhanh nhất, hạn chế được tiêu cực phát sinh trong hoạt động cho vay ưu đãi, đồng thời tiết giảm được chi phí đi lại cho người dân, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và làm quen với các dịch vụ ngân hàng.

Giám đốc NHCSXH huyện Phù Yên Cầm Hải Đăng cho biết: Đến 30/6/2022, trên địa bàn huyện Phù Yên có 367 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tác động tích cực đến nhận thức của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ vươn lên, tạo được tính cộng đồng, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ. Đồng thời, các Tổ tiết kiệm và vay vốn còn là kênh dẫn vốn trực tiếp, hiệu quả đến tận cơ sở, giúp NHCSXH chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng và thực hiện một số công việc được NHCSXH ủy nhiệm như: họp bình xét cho vay; giám sát việc sử dụng vốn vay; theo dõi, đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn; tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm nhằm tạo thói quen tích lũy tiền để trả dần nợ gốc; thực hiện thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng; phối hợp xử lý nợ tồn đọng, nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan… đạt hiệu quả cao.

Cùng với hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng đi vào nề nếp, đóng góp hiệu quả hơn cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các xã, thị trấn thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, quan tâm hỗ trợ tổ trong việc đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn và lãi tồn đọng…, kịp thời củng cố, kiện toàn các tổ hoạt động không hiệu quả.

Nhờ đó, tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong tiến trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện. NHCSXH huyện đã cung ứng tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách với mục đích trợ giúp các đối tượng này có vốn để đầu tư vào SXKD, phát triển kinh tế, nhất là các hộ đang sinh sống tại các xã DTTS đặc biệt khó khăn.

20 năm qua, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Phù Yên đã giúp trên 10 nghìn hộ thoát nghèo; xây dựng trên 3,6 nghìn ngôi nhà ở cho hộ nghèo; trên 14,5 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; trên 6,7 nghìn lao động được tạo việc làm; 35 căn nhà được xây dựng mới, sửa chữa cải tạo theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP; cho 02 doanh nghiệp được vay vốn để trả lương cho 106 lao động ngừng việc do dịch COVID-19…

Mặc dù ngân sách địa phương có thời điểm còn khó khăn do ảnh hưởng của các đợt lũ ống, lũ quét trong 2 năm (2017 - 2018), nhưng UBND huyện đã bố trí nguồn ngân sách đia phương chuyển sang NHCSXH để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nâng tổng dư nợ nguồn vốn địa phương ủy thác đến 30/6/2022 đạt 5,5 tỷ đồng. Kết quả đó đã thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác tín dụng chính sách tại địa bàn huyện Phù Yên.

Phát triển tín dụng chính sách theo hướng ổn định, bền vững

image002

Nhiều hộ dân vay nguồn vốn ưu đãi để mua trâu về chăn nuôi, góp phần ổn định thu nhập

Nguồn vốn chính sách có tác động không nhỏ đến việc thay đổi nhận thức, tập quán trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của người dân, biết thực hành tiết kiệm để đầu tư vào sản xuất. Có nhiều mô hình SXKD phát huy hiệu quả từ nguồn vốn vay NHCSXH.

Gia đình anh Triệu Tiến Thịnh ở bản Suối Cốc, xã Mường Cơi tiếp cận nguồn vốn vay lần đầu với chương trình hỗ trợ nhà ở năm 2010 với số tiền 8 triệu đồng, 8 năm sau (2018), gia đình anh được vay 30 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo. Đến cuối năm 2020, gia đình anh đã thoát nghèo và trên đà sản xuất kinh doanh hiệu quả, năm 2021, anh vay tiếp NHCSXH số tiền 50 triệu đồng để mua 2 con trâu, 2 con bò cái. Đến nay, gia đình anh đã sở hữu 5 con bò và 3 con trâu. Ngoài ra, gia đình anh còn kết hợp trồng hơn vạn gốc quế đã được 3 năm tuổi và đang trong giai đoạn chăm sóc chờ thu hoạch. Dự kiến khi thu hoạch, thu nhập ước đạt hàng trăm triệu đồng.

“Gia đình tôi cảm ơn Nhà nước đã hỗ trợ nông dân nghèo vay vốn thoát nghèo. Nguồn vốn hỗ trợ được dùng đúng mục đích, hiệu quả kinh tế cao hơn. Trước thì gia đình tôi làm nương, trồng ngô và sắn nhưng giá trị kinh tế không cao. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng kịp thời với thủ tục vay đơn giản, dễ dàng, không thế chấp đã giúp gia đình tôi thoát nghèo và có nền tảng để tiếp tục phát triển, từng bước vươn lên làm giàu”, anh Triệu Tiến Thịnh tâm sự.

Chủ tịch UBND xã Mường Cơi Nguyễn Văn Hải cho biết: Với 4 dân tộc Mường, Kinh, Dao, Mông, chủ yếu là dân tộc Mường sinh sống, xã có nguồn thu nhập chủ yếu từ chăn nuôi, trồng trọt, với thế mạnh là cây ngô, cây ăn quả (cam, quýt ngọt) và cây công nghiệp trồng rừng (mỡ, thông, quế). Với hơn 7 nghìn dân sinh sống tại 16 bản trên địa bàn với 2 bản đặc biệt khó khăn, hiện đang có dư nợ 8 chương trình tín dụng chính sách là trên 24,8 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, xã không còn hiện tượng tái nghèo nhất là từ các hộ vay vốn tín dụng chính sách. Có thể nói, tín dụng chính sách đã thực hiện tốt nhiệm vụ giúp bà con từng bước giảm nghèo. Bài học kinh nghiệm rút ra là tập trung hướng dẫn, thông tin tuyên truyền để bà con sử dụng vốn đúng mục đích, tăng thu nhập cao đồng thời triển khai bình xét đối tượng đúng nhu cầu cũng như sau vay kiểm tra đúng mục đích cộng với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác hiệu quả. 

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Yên Lê Đức Thiện, đến 30/6/2022, hội đang quản lý 100 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 3.553 hội viên, với tổng dư nợ là trên 156,5 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn vay đã giúp cho hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có vốn đầu tư phát triển SXKD; xây dựng nhà ở; xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh; trang trải chi phí học tập cho HSSV… Hội luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người vay chấp hành đúng cơ chế, chính sách trả nợ khi đến hạn, trả lãi hàng tháng và thực hiện tốt công tác gửi tiền tiết kiệm thông qua tài khoản tiền gửi cá nhân tại NHCSXH. Đặc biệt, tổ chức việc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, thu lãi tồn đọng đạt kết quả rất tốt nên nguồn vốn tín dụng chính sách được an toàn, hiệu quả. 

Phát huy những kết quả đạt được, tin tưởng rằng hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Phù Yên sẽ phát triển theo hướng ổn định, bền vững, đảm bảo thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Hân Nguyễn

Các tin bài khác