Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp
Tạo đà cho đồng bào vùng sâu, vùng xa
Ít là 10 - 20 triệu đồng; nhiều là 100 triệu đồng cho một chương trình vay nhưng hàng triệu thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã thoát nghèo nhờ những khoản vay tín dụng ưu đãi nhỏ bé. Thực tế này cho thấy, thoát nghèo phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng tri thức, nguồn vốn và ý chí quyết tâm là yếu tố không thể thiếu!
Điển hình như anh Lò Văn Én ở bản Đông Pao 1 là hộ nghèo của xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu). Trước đây, gia đình anh trông chờ vào 2.000m² ruộng/vụ lúa. Để tiếp cận, sử dụng vốn vay NHCSXH hiệu quả, năm 2020, anh mạnh dạn đề xuất với Tổ tiết kiệm và vay vốn bản xét duyệt, hướng dẫn hoàn tất thủ tục vay 150 triệu đồng vốn chương trình hộ cận nghèo, để đầu tư xây dựng chuồng trại, nuôi 3 con trâu sinh sản. Anh được Hội Nông dân xã hướng dẫn kỹ thuật trồng 300m² cỏ voi VA06; tiêm vaccine định kỳ đầy đủ và chăm sóc trâu sinh sản hiệu quả. Đến nay, gia đình anh có 5 con trâu sinh trưởng khá tốt; anh phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ thoát khỏi hộ nghèo.
Gia đình anh Phàn A Sảo ở bản Tà Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường (Lai Châu) cũng được Hội Nông dân xã tín chấp với NHCSXH vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để đầu tư, phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa. Năm qua, gia đình anh đã trả hết nợ ngân hàng, thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế bền vững. Đặc biệt, nhờ sử dụng vốn vay đúng mục đích, năm 2021, xã Khun Há, huyện Tam Đường đã giảm 40 hộ nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 78 hộ (chiếm 7,8%).
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tam Đường Vũ Thái Sơn cho biết: Hiện nay, đơn vị gặp không ít khó khăn trong việc giải ngân vốn vay ưu đãi. Nguyên nhân là do trình độ dân trí trên địa bàn huyện không đồng đều; địa hình phức tạp; có đông đồng bào DTTS cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao; toàn huyện có 1.539 hộ nghèo, chiếm 12,59% tổng số hộ.
Để bà con tiếp cận, sử dụng vốn vay hiệu quả, Phòng giao dịch phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là Đoàn Thanh niên để ủy thác nguồn vốn vay ưu đãi. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, đưa vào hoạt động 183 Tổ tiết kiệm và vay vốn các bản. Đến nay, tổng dư nợ của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tam Đường đạt hơn 377 tỷ đồng với 7.094 hộ vay vốn. Một số xã điển hình làm tốt công tác giải ngân, thu hồi gốc, lãi đầy đủ, đúng hạn, như: Bình Lư, Khun Há và thị trấn Tam Đường…
Bứt phá, vươn lên
Thoát khỏi nghèo khó là bước thành công lớn của cả địa phương lẫn cá nhân các hộ nghèo. Song, để cái nghèo vĩnh viễn không quay trở lại là bài toán khó đối với người nghèo và chính quyền địa phương. Chính vì thế, NHCSXH đã thực hiện chương trình cho vay hộ cận nghèo, nhằm giúp các hộ vừa thoát nghèo có cơ hội thoát nghèo bền vững và bứt phá vươn lên. Kết quả, đã có nhiều hộ nghèo bền vững trở thành những ông chủ, bà chủ trẻ ngay tại quê hương.
Anh Vũ Đức Anh ở thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) là một trong những tấm gương thanh niên tiêu biểu trong lập nghiệp, phát triển kinh tế. Sau thời gian đi làm thuê xa nhà vất vả nhưng thu nhập không ổn định, năm 2015, Đức Anh quay trở về quê nhà, quyết tâm thực hiện ước mơ lập nghiệp. Từ 4ha đất và diện tích mặt hồ nước của Công ty CP chè Tân Trào Sơn Dương mà bố mẹ đấu thầu được và cùng với số vốn 100 triệu đồng vay mượn người thân, bạn bè, Đức Anh đã đầu tư học hỏi kinh nghiệm, kiến thức về nuôi cá rô phi đơn tính. Sau 6 tháng, lứa cá rô phi đơn tính đầu tiên đã cho thu hoạch, mang về cho anh 30 triệu đồng lợi nhuận.
Nhờ sự năng động, dám nghĩ dám làm, biết tính toán làm ăn, cuối năm 2018, anh Đức Anh được Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên xã Tú Thịnh và Ban Thường vụ Huyện đoàn Sơn Dương, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sơn Dương tạo điều kiện cho vay vốn 200 triệu đồng từ Dự án hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp.
Ngay sau khi được giải ngân nguồn vốn, anh Đức Anh đã tới Viện Nghiên cứu giống gia cầm Thụy Phương (Hà Nội) mua gần 800 con giống vịt, ngan. Sau 6 tháng nuôi, các con giống đã đẻ trứng, anh mua lò ấp để bán vịt, ngan giống cho người dân quanh vùng và bán ra thị trường. Ngoài phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm, Đức Anh đã tận dụng diện tích mặt hồ để thả cá thương phẩm, xung quanh hồ trồng mía, mít Thái không hạt, nhãn lồng Hưng Yên, xoài Úc, thu lãi 300 triệu đồng/năm.
Năm 2020, sau 5 năm bắt tay lập nghiệp, anh Đức Anh đã trả được hết số tiền vay mượn bạn bè, người thân và 200 triệu đồng từ Dự án vay vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Số tiền tích lũy còn lại, anh tiếp tục đầu tư vào nuôi cá để tăng lợi nhuận. Đặc biệt, nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm do Tỉnh đoàn quản lý, thông qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sơn Dương, đến nay, anh Đức Anh đã tạo được việc làm thường xuyên cho lao động trong gia đình và 4 hộ gia đình khác với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Đức Anh chỉ là một trong số rất nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp đến nay đã trở thành gương sáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo. Tín dụng chính sách không chỉ giúp thanh niên khởi nghiệp, vươn lên làm giàu mà còn góp phần giúp các tổ chức đoàn tập hợp, thu hút đoàn viên thanh niên, tạo sự gắn kết giữa đoàn viên thanh niên với tổ chức đoàn.
Bài và ảnh Đức Kiên
Các tin bài khác
- » Người Đảng viên tận tụy với công việc
- » Mang vốn ra xã biên giới hải đảo Thổ Châu
- » Lâm Đồng nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội
- » Nguồn vốn ưu đãi chắp cánh tri thức
- » Gò Dầu kiểm tra, giám sát công tác cho vay hộ nghèo
- » Châu Thành giải ngân 1 tỷ đồng vốn giải quyết việc làm
- » Cẩm Khê: Vốn chính sách cùng dân thoát nghèo
- » Tây Ninh gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo
- » Tăng cường nguồn vốn giúp Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới
- » Tăng mức cho vay HSSV lên 4 triệu đồng/tháng