Nặng lòng với nghề

26/04/2013
(VBSP) Ông Nguyễn Hữu Kỳ - Giám đốc NHCSXH huyện Đô Lương (Nghệ An) năm nay 50 tuổi, nhưng đã có thâm niên 28 năm hoạt động trong ngành ngân hàng. Hỏi ông thời gian tới, 10 năm nữa sẽ về hưu? - Mình sinh ra ở làng, nặng lòng với nghề tín dụng! Đi đâu, ở đâu thì cũng phục vụ bà con nông dân, dân nghèo. Đấy là nhiệm vụ, là niềm vui cho đến... trọn đời (!)
3

Giám đốc Nguyễn Hữu Kỳ

Năm 1984, tốt nghiệp Bằng cao cấp nghiệp vụ ngân hàng, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Kỳ 22 tuổi, khoác ba lô lên nhận công tác tại huyện Phong Thổ (Lai Châu). Không phải như ngày nay, sáng ngồi ô tô tối đến. Gần 30 năm trước, “đường lên Tây Bắc xa xôi”, ngồi xe khách Hà Nội - Lai Châu, rồi Lai Châu - Phong  Thổ “nêm” chật người, ròng rã 3 - 4 ngày đường mới tới nơi. Đường xấu và hiểm nguy luôn rình rập. Cuộc sống đầy khó khăn, nhưng chàng trai xứ Nghệ đã quyết “dấn thân”. 5 năm trời làm cán bộ tín dụng của NHNN sau chuyển thành Ngân hàng Nông nghiệp, sống chung với đồng bào dân tộc, với núi rừng Tây Bắc đã luyện cho ông “đôi chân không mỏi”, để vững bước khi về với huyện vùng cao biên giới Tân Kỳ, nơi có những bản người Mông “treo” giữa núi rừng Trường Sơn trùng điệp.

Hết Tây Bắc, Tây Nghệ An, năm 1991 ông Nguyễn Hữu Kỳ lại về “cắm chốt” ở Đô Lương. Gọi là “cắm chốt” vì 20 năm qua ông vẫn bám trụ ở Ngân hàng huyện. Chỉ có khác, từ năm 2003 đến nay - chuyển từ Ngân hàng Nông nghiệp sang, ông làm giám đốc NHCSXH huyện Đô Lương. Thấy ông Kỳ “dày” kinh nghiệm, tháng 4/2011, Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Nghệ An điều ông lên làm Trưởng phòng tín dụng. Nhưng, ông xin ở lại, một lòng với cấp huyện, với Đô Lương - một huyện chuyển tiếp từ miền núi về đồng bằng, kinh tế đang trên đà phát triển, là đất học của tỉnh Nghệ An…

Với 6 chương trình cho vay, tính đến 27/3/2013, huyện Đô Lương đạt tổng dư nợ hơn 344,3 tỷ đồng, với 18.653 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, chương trình cho vay học sinh, sinh viên có dư nợ lớn nhất, hơn 240 tỷ đồng, chiếm trên 69% tổng dư nợ; tiếp đến cho vay hộ nghèo 76,5 tỷ đồng chiếm gần 22,5%… Đô Lương có 32 xã và 1 thị trấn, chỉ nói riêng một xã Đông Sơn, dư nợ cho vay học sinh, sinh viên lên tới trên 10 tỷ đồng. Nhiều hộ nông dân, như ông Trịnh Ngọc Sơn, ở xóm 5, có 3 con học đại học, hiện dư nợ 106 triệu đồng. Tích cực vay, nhưng nông dân Đô Lương cũng chăm lo trả nợ. Ông Sơn cho biết, cháu Trinh Ngọc Tiến học Đại học Răng - Hàm - Mặt đã ra trường, có việc làm với mức lương khá. Cháu sẽ tích góp để cùng với bố, mẹ trả nợ ngân hàng đúng hạn.

Những năm gần đây, đối tượng được thụ hưởng tín dụng ưu đãi ngày càng mở rộng, vốn về huyện năm sau nhiều hơn năm trước. Địa bàn rộng, cán bộ ít, một cán bộ tín dụng phải phụ trách nhiều xã. Qua 10 năm công tác, từ thực tế ông Kỳ rút ra kết luận: một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến sự thành bại của NHCSXH là sự vào cuộc của cơ sở. Ngoài cấp ủy và chính quyền địa phương, là Ban giảm nghèo, thường trực hội, đoàn thể cấp xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, xóm. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo toàn được nguồn vốn, Giám đốc NHCSXH huyện Đô Lương đã đề ra biện pháp kiểm tra việc ghi chép hồ sơ, sổ sách, cũng như việc lưu giữ hồ sơ, sổ sách 100% của: Ban giảm nghèo, Thường trực hội, đoàn thể cấp xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn trong toàn huyện. Qua đợt kiểm tra quý I/2011 và phúc tra toàn diện năm 2012, cho thấy cả 3 tổ chức lưu giữ hồ sơ, sổ sách cũng như biên bản các cuộc họp được ghi chép đầy đủ. Việc sắp xếp hồ sơ khoa học, dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy. Đồng thời, thông qua kiểm tra đã phát hiện các tồn tại, thiếu sót tại cơ sở. NHCSXH huyện đã tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị, có biện pháp chỉ đạo, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót; kịp thời biểu dương những đơn vị thực hiện tốt trong việc ghi chép, lưu giữ hồ sơ, sổ sách theo chế độ quy định. Việc làm này được Ban đại diện Hội đồng quản trị, cũng như Ban giảm nghèo và các đơn vị nhận ủy thác cấp xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn đánh giá cao, hạn chế đến mức thấp nhất việc tham ô, lợi dụng vốn của Nhà nước tại cơ sở. Để thu nợ đạt kết quả, kinh nghiệm của NHCSXH huyện Đô Lương: đầu năm họp thông báo nợ đến hạn cho các đơn vị nhận ủy thác; theo đó, các đơn vị này thông báo cho các hộ. Trước 2 tháng, NHCSXH huyện thông báo nợ đến hạn cho từng hộ vay. Hộ nào gặp khó khăn thực sự thông báo cho Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ngân hàng xuống tận nơi xem xét, nếu đúng, cho gia hạn. Nhờ những biện pháp thiết thực, cụ thể của Giám đốc Nguyễn Hứu Kỳ, hoạt động của NHCSXH huyện Đô Lương năm 2012 mang lại những kết quả khả quan: Doanh số thu nợ đạt trên 55 tỷ đồng, đạt 91,2% kế hoạch năm 2012; 3 tháng đầu năm 2013 doanh số thu nợ đạt 23,3 tỷ đồng, đạt 84,5% kế hoạch nợ đến hạn phải thu, nợ quá hạn đến ngày 27/3/2013 là 0,47/346 tỷ đồng, chỉ ở mức 0,13% so tổng dư nợ; Thu lãi đạt hơn 18,7 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch, so với năm 2011 tăng 6,173 tỷ đồng; 3 tháng đầu năm đạt 5,6 tỷ đồng đạt 31,1% . Số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ đạt 5,1 tỷ đồng; Dư tiền gửi kiệm đạt trên 4,2 tỷ đồng.

Với một Giám đốc lâu năm, nặng lòng với nghề! Hy vọng những năm tới, NHCSXH huyện Đô Lương còn tiến những bước xa hơn.

Hồ Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác