Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách cho đồng bào ở Mộc Châu

18/08/2021
(VBSP News) Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mộc Châu (Sơn La) đã coi việc tăng cường nguồn vốn, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu tại các xã đang xây dựng nông thôn mới; tổng doanh số cho vay tại các xã này luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng của NHCSXH.
son la

Nhiều mô hình nuôi trồng của người dân Mộc Châu mang lại năng suất cao

Theo báo cáo, tính đến 30.6.2021, tăng trưởng dư nợ của đơn vị đạt 355 tỉ đồng, với 8.477 hộ vay vốn với các chương trình tín dụng chính sách hiệu quả. Nguồn vốn được thực hiện cho vay theo đúng định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần thực hiện chương trình phát triển kinh tế, tạo việc làm, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, hệ thống Điểm giao dịch cũng đã phủ kín 15 xã, thị trấn khắp huyện, giúp cho NHCSXH thực hiện tốt công tác 3 đúng: Giao dịch đúng đối tượng, giao dịch đúng quy định và giao dịch đúng địa điểm. Việc làm hay này góp phần thiết thực phục vụ chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở từng làng xã đến toàn huyện. Đây chính là những điểm sáng trong mùa đại dịch COVID-19 hiện nay, đã góp phần chuyển tải nhanh và kịp thời đồng vốn chính sách cho đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Kết quả này cũng chính là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách đã không quản ngại khó khăn, thử thách, kiên trì bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ tín dụng chính sách, sắp xếp, củng cố chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân vay vốn chính sách kịp thời đầu tư phát triển SXKD, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Từ nguồn vốn chính sách, bản làng vùng xa, vùng sâu, biên giới trên cao nguyên Mộc Châu đã khai thác được tiềm năng lợi thế, từng ngày đổi thay; cộng đồng người Thái, Mông, Tày, Dao… phấn khởi, sử dụng vốn vay hiệu quả vào công việc sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, chăm lo việc học hành cho con em mình. Như tại Chiềng Khừa, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mộc Châu có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, khó đi nhất, kinh tế kém phát triển nhất.

Từ trung tâm huyện đến xã khoảng 30 km nhưng phải mất gần 2 giờ di chuyển bằng xe máy vì đường đèo dốc, bụi mù. Xã có đến 50% là hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới. Vì thế, công tác xóa đói giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền, ban ngành các cấp đặc biệt quan tâm. Và trên thực tế, nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang được xác định là kênh hỗ trợ người dân trong vay vốn giải quyết việc làm, xóa nghèo. NHCSXH đã ưu tiên tăng vốn, thêm chương trình tín dụng, thực hiện cho vay trực tiếp, nhanh chóng tại Điểm giao dịch xã, đến đúng từng đối tượng, tạo điều kiện để người dân kịp vào vụ sản xuất.

Hay như tại địa bàn Tân Lập, xã có địa hình hiểm trở nhưng Điểm giao dịch của NHCSXH vẫn hoạt động đều đặn, đúng định kỳ, bất kể thời tiết nắng mưa thất thường hay ngày nghỉ lễ, cuối tuần…; các quy định liên quan đến tín dụng chính sách được thông báo công khai, chi tiết. Nhờ vậy, đồng bào các dân tộc trong xã được tiếp cận thuận lợi tới nguồn vốn ưu đãi, đầu tư kịp thời vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi đại gia súc, khai thác mặt nước lòng hồ để nuôi cá lồng, cá bè. Cũng thông qua Điểm giao dịch xã, nguồn vốn tín dụng ưu đãi và số lượt hộ vay nguồn vốn này của xã đều tăng, thực sự làm “bà đỡ” cho vùng miền núi đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và chấm dứt tình trạng phá rừng. Đến nay, có hơn 2.300 người nghèo và các đối tượng chính sách ở 19 bản, tiểu khu của xã đã sử dụng 28,7 tỉ đồng vốn tín dụng chính sách đầu tư trồng 818ha ngô lúa, thâm canh 471ha chè sạch theo công nghệ VietGap, phát triển đàn trâu bò gần 3.000 con.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở huyện Mộc Châu đã góp phần tích cực trong hỗ trợ các xã hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, giúp các hộ dân có nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư hiệu quả vào các hoạt động SXKD.

Bài và ảnh Trần Huyền

Các tin bài khác