Mộ Đức triển khai hiệu quả nguồn vốn vay

18/08/2021
(VBSP News) Trong 6 tháng đầu năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) luôn chủ động phối hợp với các cơ quan, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển các chương trình tín dụng chính sách đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
quang ngai

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mộ Đức đảm bảo an toàn giải ngân vốn vay cho người dân tại Điểm giao dịch xã 

Doanh số cho vay của NHCSXH huyện trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 81 tỉ đồng với 1.921 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Tập trung chủ yếu là chương trình hộ cận nghèo: 52.335 triệu đồng với 1.106 lượt hộ vay vốn; cho vay giải quyết việc làm: 11.638 triệu đồng với 240 lao động vay vốn… Một số xã có doanh số giải ngân cao như: Đức Tân 7.990 triệu đồng; Đức Chánh 7.645 triệu đồng; thị trấn Mộ Đức 7.521 triệu đồng; Đức Phú 7.420 triệu đồng…

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 30.6.2021 đạt 379 tỉ đồng, với 7.579 khách hàng còn dư nợ, dư nợ tăng so với năm 2020 là 15 tỉ đồng. Có 11/13 xã, thị trấn tăng dư nợ so với năm 2020, riêng Đức Phong giảm 1.220 triệu đồng, Đức Thắng giảm 745 triệu đồng so với năm 2020, nguyên nhân giảm chủ yếu là do thu hồi nợ đến hạn vốn chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (không giải ngân quay vòng). Vốn tín dụng chính sách xã hội trong 6 tháng đầu năm 2021 đã giúp cho hơn 500 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo, thoát cận nghèo, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số tồn tại: Nợ quá hạn còn ở mức cao (nợ quá hạn 882 triệu đồng, giảm 186 triệu đồng so với năm 2020, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,23%/tổng dư nợ); Huy động vốn của tổ chức, cá nhân gửi vào NHCSXH huyện đạt rất thấp so với các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn, tuy lãi suất bằng nhau; Nguồn vốn trung ương chuyển về quá ít không đáp ứng được nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là vốn giải quyết việc làm.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tương chính sách khác có điều kiện tiếp tục phát triển kinh tế, sản xuất chăn nuôi, khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mộ Đức xác định nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2021. Tham mưu Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội, Chi cục thuế và các ngành có liên quan thực hiện rà soát và cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu UBND huyện quan tâm cân đối bổ sung thêm vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH huyện để cho vay giải quyết việc làm, cho vay đối với người chấp hành xong hình phạt tù để tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.

Tổ chức giao dịch xã đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Trường hợp dừng giao dịch do yêu cầu của cấp có thẩm quyền, phải bố trí giao dịch bù ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Tăng cường các giải pháp để tuyên truyền huy động vốn, đảm bảo sớm hoàn thành, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu huy động vốn tỉnh giao. Tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội. Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác kịp thời kiểm tra, hướng dẫn người vay lập hồ sơ xử lý rủi ro (nếu có).

CTV

Các tin bài khác