Vốn vay góp phần giải quyết việc làm

27/03/2020
(VBSP News) Nhiều năm qua, từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), hàng trăm hộ đã được tiếp sức phát triển các mô hình kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Chị Đoàn Thị Hương ở xã Quảng Lưu vay vốn đầu tư chăn nuôi

Chị Đoàn Thị Hương ở xã Quảng Lưu vay vốn đầu tư chăn nuôi

Năm 2019, chị Đoàn Thị Hương ở thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Quảng Trạch để phát triển mô hình chăn nuôi. Từ nguồn vốn vay ban đầu, chị Hương đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn và gà thả vườn.
Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc chăn nuôi của gia đình chị gặp không ít khó khăn. Không nản lòng, chị đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do các cấp hội tổ chức; học hỏi những người có kinh nghiệm ở địa phương để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình mình.
Không quản nắng mưa, ngày đêm cần cù, vất vả, sau 1 năm, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiện tại, trang trại của gia đình chị Hương duy trì thường xuyên hơn 100 con gà, 20 con lợn thịt, 2 con lợn sinh sản. Mỗi năm, chị thu về hơn 100 triệu đồng từ tiền bán gà và lợn.
Với hộ gia đình chị Phan Thị Hương ở thôn 6, xã Quảng Thạch, nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình chị vượt qua khó khăn. Năm 2017, thông qua chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Quảng Trạch, gia đình chị Hương đã vay 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi bò sinh sản.
Với mức thu nhập ổn định hơn 30 triệu đồng/năm, sau một thời gian phát triển chăn nuôi chị không chỉ có điều kiện cho con cái học hành mà còn trả hết số nợ vốn vay ban đầu. Hiện tại, chị được NHCSXH huyện tạo điệu kiện vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng quy mô chuồng trại.
Vui mừng với thành quả đạt được, chị Hương tâm sự: “Nguồn vốn ưu đãi đã giúp gia đình tôi có cơ hội để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, từ đó, vươn lên ổn định cuộc sống”.
Không chỉ các hộ dân ở xã Quảng Lưu mà rất nhiều hộ gia đình ở các địa phương khác trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn giải quyết việc làm. Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Quảng Trạch Nguyễn Thị Hồng Thanh chia sẻ: Hiện Hội đang quản lý vốn vay chương trình giải quyết việc làm hơn 5,2 tỷ đồng, cho 141 hội viên vay. Nguồn vốn này được tập trung chủ yếu vào phát triển SXKD, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Chương trình cho vay giải quyết việc làm đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên phụ nữ mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững.
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Trạch Trần Thị Thu Nga cho biết, xác định nguồn vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển các mô hình SXKD, thời gian qua, NHCSXH huyện đã triển khai kịp thời các chính sách, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng.
Nguồn vốn này đã góp phần giải quyết việc làm, khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở SXKD và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Hiện tại, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Quảng Trạch là 16,7 tỷ đồng, với 455 hộ vay vốn.
Để nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện Quảng Trạch đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chủ động trong công tác điều hành, quản lý, phân bổ vốn, trong đó, ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động. Việc triển khai cho vay vốn thực hiện theo phương châm đúng quy định, đúng quy trình nghiệp vụ, đúng đối tượng thụ hưởng. Sau khi giải ngân vốn, đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ với mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn, thường xuyên giám sát các thành viên để bảo đảm nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
NHCSXH huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn để tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm. Qua kiểm tra cho thấy các đối tượng được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, phù hợp với nhu cầu SXKD cũng như mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương. Hầu hết các đối tượng vay đều trả nợ gốc và lãi đúng hạn.

Bài và ảnh Lan Chi

Các tin bài khác