Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

25/03/2020
(VBSP News) “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”; “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do thanh niên, thanh niên là chủ tương lai của đất nước”. Quan điểm và tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã và đang được được in sâu trong các chính sách của Đảng, Chính phủ đối với công cuộc công chăm lo, giáo dục thanh niên. Trong đó, các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện được coi là công cụ trục tiếp và quan trọng hỗ trợ các thế hệ thanh niên trưởng thành, trở thành những con người mới của xã hội, chuẩn bị những tiền đề vững vàng để thanh niên sẵn sàng đón nhận sứ mệnh làm chủ nước nhà.
Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH ủy thác qua hệ thống Đoàn thanh niên đến nay đạt trên 28.488 tỷ đồng với hơn 891 nghìn hộ vay

Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH ủy thác qua hệ thống Đoàn thanh niên đến nay đạt trên 28.488 tỷ đồng với hơn 891 nghìn hộ vay
                                                                                                                                                   Ảnh: Nguyên Giáp

Phát huy sức mạnh một trụ cột dẫn vốn…
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, ngay từ ngày đầu thành lập, NHCSXH luôn chú trọng đến công tác hỗ trợ thanh niên từ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đã góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và đặc biệt là đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, đặc biệt thông qua kênh ủy thác vốn là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đến nay, 100% các tỉnh thành Đoàn đã và đang thực hiện tốt chương trình Liên tịch giữa 2 đơn vị từ việc kịp thời phổ biến những chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi, chương trình vay mới, những đối tượng được thụ hưởng mới qua các trang thông tin điện tử của Trung ương, Tỉnh đoàn, Huyện đoàn, tờ tin Đoàn thanh niên, các buổi giao lưu trực tuyến, các chương trình như “Ngày hội tư vấn vay vốn từ NHCSXH”, tọa đàm “Thanh niên với nghề nghiệp, việc làm”, các diễn đàn tư vấn, định hướng khởi nghiệp, các buổi sinh hoạt chi đoàn… Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra đánh giá kết quả việc cho vay và sử dụng vốn vay ở các địa phương, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các huyện, xã Đoàn ký văn bản ủy thác và nâng cao chất lượng tín dụng. Đến nay, riêng cho vay ủy thác qua Đoàn thanh niên đạt trên 28.488 tỷ đồng với hơn 891 nghìn hộ vay đang còn dư nợ. Như vậy, so với thời điểm 2013, dư nợ ủy thác qua Đoàn thanh niên đã tăng thêm 447,12 lần số hộ vay, tăng gần 43 lần.
Điển hình như Tỉnh đoàn Nghệ An - một trong những đơn vị thực hiện tốt hoạt động ủy thác vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Là tỉnh có dân số đông, trong đó thanh niên độ tuổi từ 16 - 30 hiện có gần 1 triệu người, chiếm khoảng 27% dân số và 47% lực lượng lao động của tỉnh do thiếu việc làm nên những năm trước không ít người phải ly hương đi làm thuê. Tuy nhiên, sau khi có phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, được sự hỗ trợ của Tỉnh đoàn và các Sở, ban ngành và thường xuyên phối hợp với NHCSXH để giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho thanh niên nông thôn có điều kiện phát triển sản xuất. Hiện, tổng dư nợ ủy thác là 680 tỷ đồng. Nhờ các hoạt động này, nhiều đoàn viên thanh niên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Hàng năm, Nghệ An có từ 6 - 8 gương thanh niên được xét tặng giải thưởng Lương Định Của cấp toàn quốc. Đây là phần thưởng cao quý dành tặng cho các nhà nông trẻ xuất sắc trên lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 1.250 mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Song hành với những chương trình lập nghiệp NHCSXH tỉnh Nghệ An cũng tập trung tín dụng hướng tới việc hướng nghiệp, ưu tiên các học sinh nghèo, đối tượng chính sách đến trường thông qua Đoàn thanh niên cùng 3 tổ chức hội khác với dự nợ cho vay HSSV của tỉnh đạt 426 tỷ đồng với 14.860 món vay.
Có nhiều phương thức tiếp cận, hỗ trợ
Tuy nhiên những con số này chỉ phản ánh một phần bức tranh tiếp sức cho thanh niên lập nghiệp bởi không phải thanh niên nào cũng gia nhập Đoàn thanh niên, mà họ là hội viên của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, vì vậy những năm qua, việc ưu tiên vốn vay cho thanh niên thoát nghèo phát triển kinh tế cũng được NHCSXH ưu tiên triển khai sâu rộng trong 3 hội, đoàn thể này cũng như trực tiếp qua NHCSXH. Cùng với các chính sách tín dụng chung cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách mà thanh niên được hưởng.
Sự quan tâm của Chính phủ với thế hệ tượng lai của quốc gia còn thể hiện ở nhiều chính sách tín dụng chuyên biệt cho đối tượng này như chương trình cho vay HSSV, hoặc Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, Chính phủ cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp. Thanh niên có thể được vay vốn đến 50 triệu đồng, không cần thế chấp. Hay đối với những thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, điểm b, khoản 1 điều 16 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP cũng đã mở ra cơ chế cho họ được “vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của chính sách tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn”.
Sự nỗ lực của NHCSXH để đồng hành với thanh niên trong việc lập nghiệp, khởi nghiệp nói chung và hỗ trợ các giải pháp để thanh niên được vay vốn phát triển kinh tế nói riêng càng thêm rõ qua việc tư vấn cho Chính phủ cũng như chính quyền địa phương triển khai nhiều dự án hỗ trợ thanh niên phát triển như cho vay xuất khẩu lao động, cho vay giải quyết việc làm, cho vay lập nghiệp… Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ thanh niên nghèo, hộ cận nghèo đã có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tạo thêm việc làm cho gia đình; nhiều hộ có điều kiện đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Đặc biệt, nhiều hộ nghèo từ làm ăn nhỏ, lẻ đã phát triển trở thành các chủ trang trại có quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, thu hút nhiều lao động và việc làm ổn định và giúp được nhiều hộ khác thoát nghèo.
Điển hình như anh Nguyễn Trương Phi (sinh năm 1989) - Giám đốc Công ty TNHH Quang Minh Phước ở tổ 11, ấp Bình Hòa, xã Bình Thanh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Tốt nghiệp Đại học công nghệ thực phẩm TP. Hồ Chí Minh năm 2012 ra trường có việc làm luôn, song điều đó cũng chưa thỏa nguyện anh Phi. Là thanh niên trẻ, đầy ý chí cầu tiến, anh luôn muốn làm gì đó có ý nghĩa cho gia đình, cho quê hương đặc biệt là những người trẻ tuổi như anh. Tuy nhiên, lực bất tòng tâm bởi tích lũy vốn không có. Vì vậy khi tình cờ biết Chính phủ Nhật Bản có chương trình trao đổi thực tập sinh, anh quyết tâm đi Nhật, phần để tích lũy kinh tế, phần để học hỏi kinh nghiệm làm ăn để tích lũy khởi nghiệp. 70 triệu đồng nguồn vốn vay xuất khẩu lao động từ NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đã giúp anh hoàn thành nguyện vọng sang Nhật năm 2014. “Ngày đó gia đình khó khăn nhưng ý chí và nghị lực muốn đi, nên nếu không được NHCSXH cho vay thì tôi vẫn quyết tâm vay ngoài để đi Nhật”, anh kể. Song nguồn vốn vay NHCSXH với lãi suất thấp đã giúp anh tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu đi Nhật Bản để rồi trở về năm 2016 anh đã có trong tay nguồn vốn tích lũy 600 triệu đồng trong bối cảnh người dân quê anh, nông sản đối mặt với được mùa mất giá, anh quyết tâm khởi nghiệp với nghề mình đã được đào tạo công nghệ thực phẩm. Vay thêm vốn anh em và 50 triệu đồng chương trình hỗ trợ việc làm từ ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH, anh vận hành sự nghiệp của mình với chiếc máy sấy chân không đầu tiên cùng công ty mang tên Quang Vinh Food. Cần mẫn gõ cửa từng nhà phân phối, mời chào họ bằng sản phẩm chất lượng, dần dà, công ty của anh đã dần khởi sắc. Đến nay anh đã đầu tư 3 máy sấy với mạng lười phân phối khắp vùng ĐBSCL và các tỉnh, thành phố khác với 7 - 8 tấn chuối và khoai mỗi tháng tạo việc làm cho 20 thanh niên với mức lương bình quân 5 triệu đồng mỗi tháng. Hiện nay anh tích lũy đầu tư thêm máy móc hướng tới xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực ASEAN.

Giám đốc Công ty TNHH Quang Minh Phước (bên trái) đang giới thiệu sản phẩm của Công ty

Giám đốc Công ty TNHH Quang Minh Phước (bên trái) đang giới thiệu sản phẩm của Công ty

Với cô gái người dân tộc Chăm, Trượng Tha Mai Trang Thảo ở khu phố 12, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) vay vốn từ chương trình tín dụng HSSV từ NHCSXH đã giúp cô hoàn thành ước mơ học tập chuyên ngành văn thư lưu trữ ở TP. Hồ Chí Minh. Trở về quê hương, Thảo công tác ở Đoàn thanh niên phấn đấu trở thành Phó Bí thư Đoàn thị trấn để có thể hỗ trợ những đoàn viên khác viết tiếp những giấc mơ của mình. “Dư nợ của Đoàn thanh niên thị trấn là 13 tỷ đồng với 9 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 423 hộ vay đang còn dư nợ…”, Thảo kể vanh vách từng hộ thanh niên nhờ vốn chính sách phát triển kinh tế như hộ anh Nguyễn Đình Trọng khu phố 12 vay vốn giải quyết việc làm 70 triệu đồng để trồng trọt. Giá trị đồng vốn tín dụng chính sách thêm phát huy hiệu quả trong đời sống khi Đoàn thanh niên thị trấn hướng trọng tâm vào phát triển kinh tế cho hộ vùng khó khăn với việc phát triển phong trào khởi nghiệp, hỗ trợ tạo vốn cho họ khởi động dự án, giới thiệu NHCSXH cho vay phát triển mô hình của họ.
Ông cha ta có câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Những điển hình như anh Phi, chị Thảo đã, đang và sẽ là nguồn động lực cổ vũ lớn trong công cuộc hỗ trợ thanh niên vươn lên làm chủ đất nước cũng như cộng hưởng và lan tỏa hơn nữa dòng vốn tín dụng chính sách vào đời sống xã hội. Đây cũng là những động lực cổ vũ cho từng cán bộ NHCSXH phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm với công việc của mình, không chỉ là giải ngân vốn đúng, đủ mà hơn thế sẽ là cầu nối cùng Ngành ngân hàng và các Bộ, Ban ngành đề xuất tư vấn cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ các chính sách tín dụng phù hợp và hoàn thiện hơn để thanh niên có cơ hội làm chủ vận mệnh của chính mình, từ đó hòa vào công cuộc xây dựng, làm chủ đất nước.

Nguyễn Hải - Trang Trung

Các tin bài khác