Trao cơ hội thoát nghèo đồng bào DTTS ở Bắc Trà My

03/04/2019
(VBSP News) Để giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đang triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng đến việc hỗ trợ, tạo sinh kế phù hợp với từng hộ và nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo cho đồng bào DTTS ở địa phương.

 

Đồng bào DTTS ở Bắc Trà My sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi bò

Đồng bào DTTS ở Bắc Trà My sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi bò

Huyện Bắc Trà My có 12 xã thì có tới 8 xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn vào thời điểm năm 2012. Đây còn là nơi sinh sống của 42.467 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 52,8% và số hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 68,35%. Trước thực tế này, Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Trà My xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, xây dựng chương trình đồng hành cùng người nghèo với nội dung, tiêu chí cụ thể, thiết thực và phù hợp với đặc thù vùng miền núi dân tộc với 105 cơ quan, đơn vị tham gia chương trình đồng hành cùng người nghèo. Cùng với đó việc áp dụng thực hiện các cơ chế, chính sách phương án giảm nghèo trên địa bàn được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp phù hợp.

Riêng trong năm 2018 có tổng cộng 16 chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo với hình thức đầu tư trực tiếp, kịp thời, trong đó đáng kể đến một số chính sách, chương trình khi đưa vào cuộc sống đạt hiệu quả cao, để lại ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng người nghèo và đồng bào dân tộc, như việc giúp 12.740 lượt hộ nghèo vay hơn 300 tỷ đồng vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, thu nhập ổn định, góp phần đưa 4 xã, 19 thôn ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn.

Những năm qua, NHCSXH huyện Bắc Trà My luôn quan tâm ưu tiên, tạo điều kiện giải ngân cho vay nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo và vốn dành cho đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, xem đây là công cụ đắc lực giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, người dân huyện Bắc Trà My đã chủ động thâm canh ruộng lúa, vườn cây ăn quả, phát triển kinh tế đồi rừng.

Cũng như bao gia đình đồng bào Ca dong khác, hộ ông Đinh Văn Thành, thôn 7, xã Trà Tân tách hộ khẩu từ năm 2009, nằm trong hộ nghèo. Hai vợ chồng trẻ nuôi 2 con nhỏ, dù có đất đai, có sức lao động nhưng không biết làm cách nào để thoát nghèo. Đảng ủy, UBND xã Trà Tân sau khi khảo sát nguyên nhân nghèo, nhận thấy gia đình ông Thành có thể thoát nghèo được nếu có sự trợ giúp, nên đã đồng hành với gia đình. Xã phân công cán bộ nông nghiệp hướng dẫn vợ chồng ông Thành cách trồng lúa nước, hoa màu, đậu, bắp trên diện tích đất ông đang có. Khu vườn quanh nhà cũng được những cán bộ xã Trà Tân góp sức cùng gia đình cải tạo lại để trồng cây ăn trái, khoanh vùng chăn nuôi gia súc gia cầm hợp vệ sinh. Mỗi cán bộ xã Trà Tân góp một ngày lương ủng hộ mua cây keo giống cho ông Thành trồng. Xã cũng huy động sự trợ giúp từ bên ngoài, xây dựng cho ông một ngôi nhà. Ông Thành cũng được hướng dẫn thực hiện các thủ tục để vay từ NHCSXH huyện Bắc Trà My 30 triệu đồng để mua bò, heo, gà về nuôi. Tất cả sự trợ giúp này thực hiện đồng thời từ cuối năm 2014. Chỉ sau 1 năm, ông Thành đã biết cách làm ăn, cho nguồn thu nhập ổn định và chính thức ra khỏi hộ nghèo vào cuối năm 2015.

Còn chị Đinh Thị Hướng, dân tộc Ca Dong ở làng Cao Sơn, xã Trà cũng “khởi nghiệp” từ 25 triệu đồng vay hộ nghèo và vốn ưu đãi dành cho hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn của NHCSXH huyện. Với số vốn này chị Hướng đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi gia súc gia cầm và cải tạo chân ruộng trũng thành vườn cây ăn quả. Hiện tại, gia đình chị Hướng đã thoát nghèo, con cái có điều kiện về thành phố Đà Nẵng học Đại học Nông nghiệp, bản thân chị vinh dự được tham dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Nam và báo cáo điển hình về sử dụng vốn vay ưu đãi vượt khó làm kinh tế giỏi.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi không chỉ được xem là đòn bẩy giúp vùng cao Bắc Trà My thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, mà còn tác động mạnh mẽ, chuyển biến về nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn trong quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay hiệu quả, thực hiện trả nợ, nộp lãi đầy đủ, đúng quy định.

Xuất phát từ thực tế ở Bắc Trà My có nhiều vùng sâu, vùng xa, nhiều thôn, xã đặc biệt khó khăn, kinh tế phát triển chậm, sự hiểu biết của đồng bào DTTS còn hạn chế, bởi vậy bên cạnh việc tập trung ưu tiên giải ngân, cho vay kịp thời vụ, NHCSXH đã phối hợp với chính quyền đoàn thể địa phương đẩy mạnh xây dựng, củng cố, kiện toàn, sắp xếp mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng liền canh, liền cư, mạnh dạn giải thể các tổ hoạt động yếu, kém, bầu chọn những người có nhiệt huyết, năng lực đảm trách vai trò Tổ trưởng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Kết quả thu được đã thể hiện qua con số 100% số Tổ tiết kiệm và vay vốn toàn huyện hoạt động đạt chất lượng loại khá, tốt, số nợ quá hạn giảm rõ rệt, còn 0,05% so với tổng dư nợ.

 Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, Bí thư huyện ủy Bắc Trà My Huỳnh Thị Thùy Dung cho biết: Nguồn vốn ưu đãi và hoạt động của NHCSXH đã góp phần đắc lực thúc đẩy chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững vùng miền núi dân tộc, đồng thời tạo nên sự chuyển biến mới về nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn, nhất là khơi dậy được ý chí chủ động, tự lực vươn lên của hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS theo phương châm đầu tư của Nhà nước “cho vay thì còn, cấp không là mất”.

Bài và ảnh Đông Dư

Các tin bài khác