Tọa đàm trực tuyến “Dân vận khéo trong công tác giảm nghèo”

11/06/2019
(VBSP News) Ngày 10/6/2019, tại Hà Nội, NHCSXH phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Dân vận khéo trong công tác giảm nghèo” nhằm trao đổi, thu nhận ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chuyên gia, nhà quản lý, cử tri về vai trò của dân vận khéo trong công tác giảm nghèo để người dân nhận thức rõ về giá trị của đồng vốn cho vay và sử dụng đồng vốn thực sự hiệu quả; từ đó, tìm các giải pháp nâng cao công tác dân vận gắn với công tác giảm nghèo bền vững.
Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

Khách mời tham dự Tọa đàm có ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH; ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ; bà Leo Thị Lịch, ĐBQH tỉnh Bắc Giang - Ủy viên chuyên trách Hội đồng dân tộc của Quốc hội; bà Lò Thị Luyến, ĐBQH - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên.

NHCSXH là ngân hàng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Đối tượng phục vụ của ngân hàng là những người nghèo, người yếu thế, người đồng bào DTTS… Bởi thế, hoạt động của ngân hàng không chỉ đơn thuần là thiết kế các chương trình, sản phẩm cho vay đa dạng, đơn giản, dễ tiếp cận mà quan trọng hơn là hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con, sẵn lòng giúp họ thay đổi tư duy, nhận thức, tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Khách hàng của NHCSXH là những đối tượng dễ “tổn thương” nhất, do đó, để giải quyết những vấn đề thực chất: “Vay làm gì, làm như thế nào, quản lý làm sao cho hiệu quả” đòi hỏi mỗi cán bộ NHCSXH sự tận lực với công việc được giao, nhận thức được cái khó của dân. Và thực tế, NHCSXH là một trong những ngân hàng hiện có tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất trong ngành Ngân hàng. Nguồn vốn ưu đãi đã và đang bảo cho sự phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Người nghèo luôn cần NHCSXH - Vì sao?

Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm mục đích cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, xây dựng nông thôn có hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp… góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị.

Thực tiễn cho thấy, cùng với các chính sách tổng thể, chính sách tín dụng do NHCSXH thực hiện là một phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở khu vực nông thôn, các vùng nghèo, vùng đồng bào DTTS.

Phó TBT Báo ĐBND Nguyễn Quốc Thắng (Phó TBT Báo ĐBND): Thưa ông Nguyễn Văn Lý, ông có thể cho biết về vai trò của NHCSXH đối với công tác giảm nghèo thời gian qua?

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý: Trong những năm qua, NHCSXH đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo sinh kế, việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống, với độ phủ rộng, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong số đó, có trên 85% dư nợ cho vay để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Hơn 16 năm qua, đã có trên 35 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn chính sách với tổng doanh số cho vay đạt gần 538 nghìn tỷ đồng, góp phần giúp hơn 5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,7 triệu lao động; hơn 3,6 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 12 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gần 700 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…

Thông qua vốn tín dụng chính sách, người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện để mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; có kinh phí để trang trải các chi phí đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như chi phí học tập cho con em, xây nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng vay nặng lãi hoặc phải mua chịu vật tư, vật liệu, phân bón với giá cao, bán non các sản phẩm cho tư thương với giá thấp.

Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực ổn định trong các cộng đồng dân cư thông qua hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau của các tổ viên.

Với những kết quả trên, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực và là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Phó TBT Báo ĐBND: Thưa ông Bùi Sỹ Lợi, đến nay, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, người nghèo vẫn rất cần nguồn vốn từ NHCSXH. Đây có phải là vai trò của đồng vốn thúc đẩy SXKD không, thưa ông?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi

Phó Chủ nhiệm UB VCVĐXH của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Chúng ta đã đi một chặng đường rất dài để phát triển, và một trong những vấn đề Đảng và Nhà nước tập trung, không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội mà còn là niềm tin của người dân, NHCSXH là một ngân hàng cho vay nhưng không hoàn toàn kinh doanh vốn như các ngân hàng khác. Điểm sáng của NHCSXH chính là Ngân hàng thực hiện chức năng gắn bó với người nghèo để giải quyết vấn đề nâng cao mức sống của người dân. Tôi đã khẳng định rất nhiều lần khi giám sát rằng, vai trò của NHCSXH và tín dụng vay vốn cho người nghèo là một điểm sáng của Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo. Điều đó hoàn toàn được khẳng định từ tấm lòng, từ thành quả lao động của người nghèo.

Vốn là một yếu tố vật chất rất quan trọng của quá trình phát triển sản xuất, không có vốn thì chắc chắn mọi hoạt động SXKD không thể diễn ra.

Vốn cho người nghèo là bà đỡ quan trọng để chúng ta thực hiện Chương trình giảm nghèo ở giai đoạn đầu, đến bây giờ gọi là Chương trình giảm nghèo bền vững. Chính NHCSXH là bà đỡ trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Một vấn đề nữa, vốn cho người nghèo của NHCSXH đã bao phủ toàn diện các mục tiêu về xã hội và an sinh xã hội, từ vấn đề ăn mặc, đi lại, học hành, quan trọng nữa là nhà ở. Tôi rất thấm thía câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng: “Giải quyết nhà ở cho nhân dân, đó cũng là một trụ cột của an sinh xã hội”.

Vốn dành cho người nghèo đi vào cuộc sống thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Và nguồn vốn này không chỉ thực hiện giải ngân để cho bà con vay vốn mà còn gắn bó chặt chẽ với người dân, đặc biệt là người nghèo. Do đó, cán bộ tín dụng của NHCSXH là người cán bộ dân vận khéo, chỉ khi cán bộ tín dụng hiểu biết được vấn đề, phong tục, tập quán, phương thức làm ăn, thậm chí hướng dẫn kỹ thuật cho người dân chứ không chỉ là giữ cho đồng vốn của mình toàn vẹn để thu hồi. Đó là một bước thực hiện mục tiêu dân vận khéo của Đảng và Nhà nước.

Cuối cùng, có thể khẳng định, cán bộ tín dụng của NHCSXH không chỉ có mặt ở các điểm của NHCSXH mà có mặt tận thôn, bản, làng, xóm và rất gắn bó với người dân. Tôi đánh giá rất cao các tổ chức chính trị xã hội. Khi chúng tôi đi giám sát cũng thấy được tình cảm của người nghèo đối với các cán bộ tín dụng của NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội giúp người ta thoát nghèo.

Phó TBT Báo ĐBND: Theo bà Lò Thị Luyến khi tiến hành dân vận thì NHCSXH có vai trò như thế nào trong chính sách giảm nghèo?

ĐBQH, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến

ĐBQH, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến: Như chúng ta biết, công tác của các hội, đoàn thể chính là công tác tuyên truyền và vận động quần chúng nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong công tác này có rất nhiều hình thức vận động quần chúng, trong đó đối với nguồn vốn của NHCSXH và các chương trình tín dụng của NHCSXH đóng vai trò rất quan trọng. Thực tế, đối với vùng đồng bào DTTS, việc chúng ta đi nói để cho dân biết, dân hiểu, dân nghe là một việc rất là khó. Chỉ có cách hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, hành động bằng hiện thực mới tạo niềm tin cho bà con DTTS với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Rõ ràng, vai trò của nguồn vốn NHCSXH và các chương trình tín dụng cho vay đối với các đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng. Nguồn vốn này giúp cho đồng bào phát triển kinh tế cũng như giúp họ phát huy nội lực để vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững.

Phó TBT Báo ĐBND: Thời gian qua, việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt trong công tác giảm nghèo. Ở đây có sự đóng góp rất lớn của NHCSXH để người nghèo thoát nghèo. Vậy NHCSXH có vai trò như thế nào trong công tác này, thưa bà Leo Thị Lịch?

ĐBQH - Ủy viên chuyên trách Hội đồng dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch

ĐBQH - Ủy viên chuyên trách Hội đồng dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch

Ủy viên chuyên trách Hội đồng dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền của tỉnh Bắc Giang coi nguồn lực của NHCSXH là một trong những chủ thể, là công cụ kinh tế trong việc góp phần thực hiện vào mục tiêu giảm nghèo và cận nghèo bền vững của tỉnh. Từ việc xác định mục tiêu như vậy, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện khá đáng kể nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trong việc giảm nghèo bền vững những hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh.

NHCSXH với vai trò cung cấp nguồn lực trực tiếp cho công tác an sinh xã hội và còn huy động nguồn lực, ủy thác cho một số đoàn thể để thực hiện nội dung này. Để có thành công đó, ngoài chức năng, nhiệm vụ và sự chuyên nghiệp của NHCSXH thì Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể là một trong những kênh quan trọng trong công tác dân vận để thực hiện tốt nội dung này. Với 4 hội, đoàn thể được nhận ủy thác đối với nguồn vốn của NHCSXH đã tạo động lực cho các vùng có sự phát triển kinh tế chậm, và những hộ đồng bào khó khăn đã vươn lên được phần nào trong việc thoát nghèo bền vững.

Tôi cho rằng, tín dụng ưu đãi này là không chỉ phát triển kinh tế mà còn là một trong những nội dung liên quan đến văn hóa truyền thống của Việt Nam về tính nhân văn trong thực hiện chính sách này. Bởi người nghèo là người yếu thế và họ rất có niềm tin, tuy nhiên trong niềm tin đó họ có tự ti nhất định. Do vậy, chúng ta cần vận động, thuyết phục họ tham gia những chương trình chung ngoài chương trình được vay vốn. Trước đây, rất nhiều người sợ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, thế nhưng từ khi khi có chương trình này, những hộ nghèo họ có đủ năng lực để vươt ra khỏi thị trường, khắc phục cái nghèo không chỉ trên địa bàn của mình, trong tỉnh của mình mà vươn xa ra nước ngoài để thoát nghèo. Đó là một mục tiêu mà NHCSXH đã tạo ra cho người nghèo, có vị trí quan trọng trong việc giảm nghèo cả trong nhận thức, nâng cao trình độ nhận thức của hộ nghèo. Thực tế đã có con em các hộ được đi học hành, trưởng thành quay lại thực hiện công tác tại vùng mà mình đã sinh ra.

Phó TBT Báo ĐBND: Thưa ông Nguyễn Thanh Xuân, với Cần Thơ thì vai trò của NHCSXH tập trung trong lĩnh vực gì và người nghèo mong chờ gì ở NHCSXH?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân: Qua thực tế tại địa phương, đồng vốn của NHCSXH đã góp phần vào chương trình giảm nghèo bền vững. Cụ thể, bên cạnh cải thiện cuộc sống của người nghèo, đồng vốn ấy còn góp phần vào xây dựng nông thôn mới của Cần Thơ, góp phần vào giảm khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.

Đến hết năm 2019, chúng tôi phấn đấu có 36 xã hoàn thành nông thôn mới và 2 huyện được công nhận đã hoàn thành chương trình nông thôn mới. Sau giai đoạn này, chúng tôi sẽ chuyển từ mô hình nông thôn mới lên nông thôn mới kiểu mẫu. Để thực hiện được điều này, người nghèo phải tiếp cận được nguồn vốn vay, họ phải nâng cao được thu nhập và giải quyết được việc làm.

Thông qua sử dụng vốn vay, chúng tôi sẽ hoàn thiện các tiêu chí của nông thôn mới ở từng huyện, góp phần vào giảm chênh lệch giữa nông thôn và đô thị. Bện cạnh đó chúng tôi cũng sử dụng nguồn vốn để xây dựng các phường văn minh đô thị. Đây là điều rất cần thiết, đô thị cũng phải có những điều kiện, chính sách để tiếp cận, nếu không nông thôn sẽ vượt. Tôi nghĩ, trong thời gian tới, chúng ta cũng cần có kiến nghị để thành thị cũng phải được tiếp cận và phát triển đồng đều.

Tận tâm, tận lực với dân, với từng đồng vốn

Bên cạnh việc thực hiện tốt chủ trương, quy định trong hoạt động tín dụng chính sách, một yếu tố “ngoài chuyên môn” mà mỗi cán bộ NHCSXH phải thường xuyên thực hiện là công tác “dân vận khéo” đã góp phần quan trọng trong việc huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Về lý thuyết, có thể nói không có chương trình tín dụng nào có tỷ lệ rủi ro về vốn cao như tín dụng chính sách xã hội. Với đối tượng khách hàng đặc thù, khả năng phát triển SXKD còn hạn chế và nhất là các chương trình cho vay đều không phải thế chấp, những điều đó đồng nghĩa với mức độ rủi ro tín dụng gần như là 100%.

Phó TBT Báo ĐBND: Thưa ông Bùi Sỹ Lợi, là người từng tham gia rất nhiều đợt giám sát về giảm nghèo và là người trực tiếp giúp đỡ người nghèo, theo ông, có được đồng vốn của NHCSXH rồi, nhưng làm thế nào để đồng vốn đó phát huy hiệu quả?

Phó Chủ nhiệm UB VCVĐXH của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Khi chúng ta nói đến đồng vốn, chính là chúng ta nói đến một vai trò quan trọng của tín dụng. Vốn rất quan trọng nhưng điều quan trọng hơn chính là sử dụng đồng vốn đó như thế nào? Đó chính là bài toán, bài toán đó phải được giải ở hai khía cạnh.

Khía cạnh đầu tiên là hướng dẫn, tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ từ sử dụng, quản lý đồng vốn làm sao cho hiệu quả. Nhưng phải xét khía cạnh thứ hai, không đơn giản người nào cũng làm được việc đi vào cuộc sống của người nghèo một cách dễ dàng. Đó chính là dân vận. Tức là mình hướng dẫn, mình cầm tay chỉ việc nhưng quan trọng là làm sao để người ta tin mình. Điều này đòi hỏi các tổ chức chính trị - xã hội, MTTQ, các đoàn thể chính trị phải vào cuộc với tâm lý coi người nghèo, giảm nghèo, vươn lên làm giàu là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi người cán bộ. Có những địa phương người ta còn giao chỉ tiêu cho các cán bộ đảng viên giúp đỡ 1 hoặc 2 gia đình nghèo thoát nghèo bền vững. Đó là vấn đề dân vận.

Tôi nghĩ rằng, vấn đề đặt ra là chúng ta phải đi sâu nghiên cứu về tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh, phong tục tập quán của người nghèo để giúp đỡ một cách thiết thực và hiệu quả. Điều này giúp người nghèo gắn bó với các tổ chức chính trị - xã hội, với cán bộ tín dụng của NHCSXH để giải quyết vấn đề căn bản về giảm nghèo. Điều quan trọng nhất thông qua việc cho vay vốn, thông qua việc dân vận khéo của cán bộ tín dụng là tạo ra được sự đồng thuận xã hội, tạo ra được mối mối quan hệ khăng khít, chính là tình làng nghĩa xóm, chính là khối đoàn kết yêu thương lẫn nhau, xây dựng một xã hội văn minh, hay nói cách khác là xây dựng nông thôn mới - nếp sống văn minh.

Tôi nghĩ vai trò của đồng vốn rất quan trọng, nhưng chúng ta cũng đừng nghĩ kinh tế quyết định tất cả, mà vấn đề xã hội cực kỳ quan trọng. Tôi muốn nhắc đến vai trò của việc đoàn kết, yêu thương lẫn nhau xây dựng xã hội êm ấm. Chính nơi đó sẽ đảm bảo trật tự an sinh xã hội.

Phó TBT Báo ĐBND: Thưa ông Nguyễn Văn Lý, với đồng bào DTTS trình độ dân trí còn chưa cao, NHCSXH sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành thực hiện thường xuyên công tác “dân vận” như thế nào để đồng vốn phát huy hiệu quả?

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý: Trong thời gian qua, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng tới 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được thụ hưởng tín dụng chính sách ưu đãi của Đảng và Chính phủ, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đa số hộ DTTS sống tại vùng DTTS và miền núi đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ vay vốn từ 2 - 3 chương trình tín dụng ưu đãi. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hộ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo, trong đó: có gần 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 860.000 lao động (trên 20.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp gần 300.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ dân tộc thiểu số được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,6 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 233.000 căn nhà ở…

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng dân tộc thiểu số và giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội. Đồng bào DTTS được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để thực tập làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý SXKD, cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng DTTS… Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.

Tại các chi nhánh NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch huyện, bên cạnh việc thực hiện tốt chủ trương, quy định trong hoạt động tín dụng chính sách, một yếu tố “ngoài chuyên môn” mà mỗi cán bộ NHCSXH phải thường xuyên thực hiện là công tác “dân vận”, việc thực hiện tốt công tác cho vay đã góp phần quan trọng trong việc huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác quản lý, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách và công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Về lý thuyết, có thể nói không có chương trình tín dụng nào có tỷ lệ rủi ro về vốn cao như tín dụng chính sách xã hội. Với đối tượng khách hàng đặc thù là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có trình độ dân trí chưa cao, ý thức tự vươn lên giảm nghèo còn kém…, khả năng phát triển SXKD còn hạn chế và nhất là các chương trình cho vay đều không phải thế chấp, những điều đó đồng nghĩa với mức độ rủi ro tín dụng rất cao. Cùng với đó, NHCSXH là ngân hàng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng hiện nay, nợ quá hạn của NHCSXH khi cho người nghèo và đối tượng chính sách đang ở mức thấp.

Có được điều đó, bên cạnh việc thực hiện chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cho vay, mỗi cán bộ NHCSXH còn phải “dân vận” trực tiếp với khách hàng. Cán bộ NHCSXH phải khéo léo, phối hợp tốt với các tổ chức chính trị xã hội và cấp ủy, chính quyền cơ sở từ tổ dân phố đến thôn, buôn, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Bởi đó là “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong việc chuyển tải và phát huy nguồn vốn đến tay đối tượng thụ hưởng. Nói một cách văn hoa, cán bộ NHCSXH đã phát huy được vai trò “dân vận của dân vận” để đưa chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, Trưởng thôn, Tổ tiết kiệm và vay vốn vào đồng hành cùng cán bộ NHCSXH trong công tác quản lý nguồn vốn để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về thủ tục, quy trình, kể cả lập dự án giúp cho các hội viên vay được vốn và vận động thành viên thực hành tiết kiệm…

Qua thực tế công tác cho thấy, chất lượng tín dụng chính sách đang tiếp tục ổn định và ngày càng được nâng lên. Những kết quả đó đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ.

Mỗi cán bộ NHCSXH đều nhận thức đúng đắn vai trò, trách nhiệm của mình đối với công việc được giao, đối với xã hội và với người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách.

Phó TBT Báo ĐBND: Là một tỉnh có đông đồng bào DTTS, với nhiều nền văn hóa, phong tục đặc thù như Điện Biên thì công tác dân vận trong hoạt động tín dụng chính sách hẳn sẽ rất đa dạng và vất vả thưa bà Lò Thị Luyến? Bà có thể chia sẻ về cách làm của Hội Phụ nữ Điện Biên để đồng bào “dám nghĩ”, “dám vay” và “dám làm”?

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến: Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc anh em, khó khăn vất vả trong hoạt động tín dụng chính sách rất là nhiều. Thứ nhất, việc kết nối hạ tầng giao thông, đi lại khó khăn. Thứ hai, nhận thức của đồng bào chưa đồng đều. Thứ ba, nguồn vốn của ngân hàng còn hạn hẹp mà nhu cầu của người dân trên địa bàn là rất lớn. Do đó có rất nhiều khó khăn vất vả trong công tác dân vận về hoạt động tín dụng chính sách. Tuy nhiên, nói đồng bào DTTS “tự ti” không dám vay là không đúng. Họ rất mong muốn được vay, thế nhưng, nguồn vốn phân bổ theo mục tiêu của từng chương trình. Hiện tại trên tỉnh Điện Biên có 20 chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện. Chúng tôi có rất nhiều cách để hướng dẫn đối với người được vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiểu quả. Trong việc tổ chức thực hiện có nhiều nơi họ rất là sáng tạo.

Riêng với Hội Liên hiệp Phụ nữ, khi các đối tượng được vay vốn thì chúng tôi hướng dẫn thành lập các tổ liên kết sản xuất, các nhóm sản xuất. Hội Liên hiệp Phụ nữ làm công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ, tại TX Mường Lay, chúng tôi thành lập tổ sản xuất của đồng bào Thái trắng để họ làm bánh khẩu xén, chúng tôi thành lập các nhóm sản xuất rau an toàn, thành lập tổ sản xuất trồng bí đặc trưng của địa phương. Khi họ tiêu thụ những sản phẩm này gặp khó khăn thì chúng tôi giúp họ kết nối với các cửa hàng rau an toàn do tỉnh hỗ trợ; đồng thời, tiếp thị tới các trường học. Đối với các tỉnh đồng bào DTTS như Điện Biên, trường nội trú chiếm đa số, do đó các sản phẩm này tiêu thụ rất tốt.

Ngoài ra, đối với các hộ gia đình, tôi còn nhớ về một gia đình được vay vốn chính sách từ khi tôi làm công tác này cách đây 15 năm. Gia đình được vay 15 triệu đồng ban đầu và mua 1 con bò giống, từ 1 con bò giống đến nay đã phát triển tới hơn 200 con bò ở huyện Nậm Pồ. Cách làm này cũng được lan toả, nhân rộng bằng cách giúp cho các hộ gia đình khác có nhu cầu. Khi người dân được vay vốn, chúng tôi chỉ hướng dẫn họ sử dụng đúng mục đích của chương trình tín dụng vay vốn của NHCSXH. Đối với phát triển sản xuất và hỗ trợ phát triển kinh tế thì chúng tôi làm theo phương pháp như trên. Đó chính vai trò của Liên hiệp Hội Phụ nữ trong việc phối hợp hướng dẫn tổ chức quản lý cũng như sử dụng nguồn vốn này là đối với tập thể, cá nhân.

Phó TBT Báo ĐBND: Không chỉ “dân vận” trực tiếp với khách hàng, cán bộ NHCSXH cũng phải khéo léo, phối hợp tốt với các hội, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền cơ sở, các khu dân cư, tổ dân phố. Bởi đó là “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong việc chuyển tải và phát huy nguồn vốn đến tay đối tượng thụ hưởng. Nói một cách văn hoa, cán bộ NHCSXH đã phát huy được vai trò “dân vận của dân vận” để “kéo” các tổ chức hội đồng hành cùng cán bộ NHCSXH trong công tác quản lý nguồn vốn để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về thủ tục, quy trình, kể cả lập dự án giúp cho các hội viên vay được vốn và vận động thành viên tiết kiệm…

Thưa bà Leo Thị Lịch, làm gì cũng cần có tâm huyết, tận tâm, tận lực. Vậy theo bà, làm cán bộ NHCSXH cần có phẩm chất gì để người dân mong muốn nhận được đồng vốn vay ưu đãi và sử dụng hiệu quả nhất?

Ủy viên chuyên trách Hội đồng dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch: Bắc Giang là địa bàn có 9 huyện, 1 thành phố, nhưng trong đó có 6 huyện miền núi. Tỉnh có 8 đồng bào dân tộc thiểu số nhưng có tới 21 thành phần dân tộc thiểu số, rất đa dạng. Để hiểu hết phong tục tập quán và đưa nguồn vốn đến với đồng bào là điều không dễ.

Nói đến hộ nghèo, trước hết chúng ta phải xác định họ là đối tượng rất dễ “tổn thương”. Điều này đòi hỏi cán bộ làm chính sách phải có tâm - trí - nghĩa mới đến được với người dân một cách chân tình. Đòi hỏi cán bộ làm chính sách phải có sự quyết tâm giúp cho hộ nghèo vượt qua khó khăn, chia sẻ những khó khăn đó. Tôi cho rằng đây là khâu đầu tiên cần có của một cán bộ làm chính sách.

Trước đây, khi còn làm Chủ tịch Hội Nông dân - một đoàn thể đứng ra nhận ủy thác 32% tổng thị phần hỗ trợ cho hộ nghèo cả tỉnh Bắc Giang. Từ khi quyết định của NHCSXH cho các tổ chức chính trị - xã hội thành lập các nhóm và Tổ tiết kiệm và vay vốn, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn ban đầu. Chúng tôi phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, địa bàn, tìm hiểu từng khu vực, cách làm như thế nào thì mới có thể đến được với người dân. Chúng tôi thành lập theo từng chi hội, mỗi chi hội từ 15 thành viên trở lên thành một Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Ban đầu bà con phản đối việc tiết kiệm, bởi đang nghèo thì tiết kiệm bằng cách nào? Chúng tôi phải rất kiên trì nói với họ rằng, mỗi ngày nhịn ăn một nắm gạo cho vào hũ gạo cứu đói, tiết kiệm tạo thành thói quen, gia đình chúng ta có ăn, chúng ta có tích lũy. Tiết kiệm gửi vào NHCSXH cũng vậy, nguồn gửi này sinh lời 1 năm, 2 năm, 3 năm, từ nguồn gốc có thể có nguồn lực trả nợ. Chúng tôi còn phối hợp với NHCSXH tập huấn, mời các chuyên gia của NHCSXH tập huấn kỹ năng về cập nhật hàng ngày, vay vốn xong làm thế nào, theo dõi ra sao, tiết kiệm thế nào về sổ sách hành chính.

Tại Bắc Giang, không phải ở đâu cũng trồng vải được. Chúng tôi phải hướng dẫn từng vùng trồng cây nào cho phù hợp, nuôi dê, nuôi bò kết hợp như thế nào… Sau khi nguồn vốn đến bà con, sử dụng thế nào cho đúng mục đích, đúng hướng dẫn, đúng quy trình.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý: Xin nhấn mạnh về sự tâm huyết, tận tâm, tận lực của cán bộ NHCSXH. Ví dụ, NHCSXH hỗ trợ người dân tiền vốn để mua trâu, một năm sau người dân bán trâu trả đủ nợ, đủ lãi cho ngân hàng. Như vậy quy trình tín dụng của ngân hàng đã xong, nhưng cái lớn hơn, khó hơn ở chỗ là cán bộ NHCSXH đã giúp cho dân thực hành tiết kiệm, tiết kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong chi tiêu để trả dần nợ cho ngân hàng, nhờ đó sau thời gian con trâu đó trở thành của người dân. Đây là biện pháp phát triển bền vững và cũng là cái khó của chúng tôi, nhưng cho đến nay NHCSXH đang thực hiện rất thành công.

Phó TBT Báo ĐBND: Thưa ông Nguyễn Thanh Xuân, có thể nói“cái khó” của dân chính là “cái khó” của cán bộ NHCSXH. Chính điều này thúc đẩy công tác dân vận hỗ trợ người dân không chỉ vay vốn mà còn theo dân, sát dân cùng dân thúc đẩy sản xuất hiệu quả, giảm nghèo bền vững?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân: Mỗi vùng đều có đặc trưng riêng, có cái khó riêng. NHCSXH có thể phát triển mạng lưới tới tận xã, thôn, xóm, nhưng về nhân lực thì khó có thể đủ được. Vì vậy, NHCSXH phải phối hợp với 4 hội, đoàn thể, chính 4 hội, đoàn thể này là gắn với dân nhất và để tiếp cận giải quyết cái khó của dân.

Tại Cần Thơ, cán bộ NHCSXH rất gần với Đoàn ĐBQH, trong những cuộc tiếp xúc cử tri, giám sát họ đều có mặt. Điều này giúp NHCSXH tiếp cận người dân, trực tiếp trả lời dân, giải quyết khó khăn cho dân.

Gần 20 năm làm công tác giám sát, trong đó có 12 năm gắn bó với vai trò Ban đại diện của NHCSXH, tôi thấy rằng, đối với người dân, phải tổ chức những cuộc hội thảo, chuyên đề riêng, mời tất cả những đối tượng hộ nghèo hướng dẫn cách vay vốn, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đưa các điển hình tiên tiến trong việc thoát nghèo làm gương cho các hộ khác, nhằm truyền thông về vai trò của đồng vốn chính sách. Tôi gọi đó là những cuộc họp chuyên đề, những cuộc tuyên dương, những cuộc họp mặt để giải quyết những khó khăn.

Để được dân nghèo tin yêu, cậy nhờ - Kết quả từ dân vận khéo

Tín dụng chính sách là kênh tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Để đồng vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, hội, đoàn thể nhận ủy thác, Trưởng thôn và NHCSXH, trong đó, công cụ đắc lực để thực hiện việc chuyển tải tín dụng chính sách đến với người dân, đặc biệt là người dân vùng cao, đồng bào DTTS chính là công tác tuyên truyền, vận động.

Phó TBT Báo ĐBND: Thưa bà Lò Thị Luyến, dân vận khéo đóng góp như thế nào trong việc vay vốn NHCSXH và giảm nghèo của người dân Điện Biên?

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến: Đối với vai trò của dân vận khéo trong vay vốn NHCSXH, phải có cơ cấu tổ chức bộ máy tới tận thôn, bản. Ở đó, trong quá trình sử dụng nguồn vốn của NHCSXH, họ giám sát lẫn nhau về việc sử dụng nguồn vốn như thế nào cho hiệu quả. Đó chính là vai trò của của cấp ủy, chính quyền các cấp, hội, đoàn thể nhận ủy thác trong việc giúp NHCSXH trong việc làm cho người dân hiểu các chính sách của NHCSXH, và chúng tôi là kênh thông tin kết nối.

Trong quá trình quản lý, giám sát sử dụng nguồn vốn thì tôi nghĩ rằng Hội Liên hiệp Phụ nữ tại các thôn, bản đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp NHCSXH để tương tác với nhau.

Phó TBT Báo ĐBND: Thưa bà Leo Thị Lịch, từng là Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang - tổ chức nhận ủy thác lớn của NHCSXH Bắc Giang, nay bà lại giữ cương vị là ủy viên chuyên trách Hội đồng dân tộc của Quốc hội - vị trí luôn gắn bó với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm làm dân vận trong hoạt động tín dụng chính sách nói chung và kinh nghiệm để đồng bào nghe theo, tin theo và làm theo?

Ủy viên chuyên trách Hội đồng dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch: Trước hết, chúng ta phải khẳng định, đã nói đến tiền cho vay bao giờ cũng phải xác định là có rủi ro. Đối với hộ nghèo, nguồn rủi ro lại càng lớn vì nhận thức còn hạn chế, trình độ dân trí còn thấp so với mặt bằng chung, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, để duy trì và phát triển được nguồn chính sách này bền vững để họ sử dụng làm sao cho hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng như Đảng và Nhà nước đề ra, trước hết là phải công khai, minh bạch trong nguồn lực, trong khâu cho vay, trong thủ tục, quy trình, chương trình, mức vay thế nào, thời hạn vay ra sao, sử dụng thế nào… Tất cả những yếu tố đó tác động trực tiếp đến nguồn vốn có bền vững hay không, nhất những người làm cán bộ ở cấp phường, cấp xã càng phải công khai những vấn đề này cho dân biết.

Phó TBT Báo ĐBND: Thưa ông Nguyễn Thanh Xuân, là người từng tham gia Ban đại diện của NHCSXH tại địa phương, ông có cho rằng dân vận khéo là một trong những yếu tố thành công trong hoạt động của NHCSXH?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân: Tôi rất đồng tình với các đại biểu đã phát biểu trước tôi. Tôi nhận thấy rằng, thông qua việc tổ chức những hội nghị tham vấn ở trong dân có đại diện của NHCSXH, Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng gỡ khó cho dân là việc làm rất cần thiết. Đó không chỉ là cái khó của người dân, của cán bộ NHCSXH mà còn là cái khó của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Nếu như chúng ta không áp dụng dân vận khéo vào trong chính sách tín dụng, người dân chưa hiểu và tiếp cận công khai thì những rủi ro và tỷ lệ nợ xấu sẽ cao hơn rất nhiều.

Phó TBT Báo ĐBND: Thưa ông Bùi Sỹ Lợi, giải pháp phát huy dân vận khéo trong thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách thời gian tới là gì?

Phó Chủ nhiệm UB VCVĐXH của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Theo tôi, có rất nhiều giải pháp, chính những ý kiến đại biểu phát biểu tại đây chính là kinh nghiệm thực tiễn từ cuộc sống chúng ta rút ra, kinh nghiệm đó chính là giải pháp để chúng ta tiếp tục. Tôi cho rằng có 3 giải pháp cơ bản là:

Thứ nhất, quan trọng nhất vẫn chính giải pháp truyền thống, đó là sự vào cuộc rất đồng bộ nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị và của cán bộ tín dụng NHCSXH. Đây chính là yếu tố tạo ra sự đồng thuận. Chính hệ thống cán bộ tín dụng coi việc cho vay, việc giải ngân là rất cần thiết nhưng sử dụng nguồn vốn đó như thế nào. Những người làm công tác dân vận, nói đúng ra là làm công tác nhiệm vụ chính trị xã hội để chăm lo cho bà con, cần có sự chia sẻ cách thức làm ăn, phổ biến kiến thức, cầm tay chỉ việc, đó chính mối quan hệ hai chiều để giải bài toán dân vận khéo.

Thứ hai, thông qua công tác tín dụng tạo ra sự hiểu biết sâu sắc, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng và đề xuất của người nghèo để chúng ta giúp đỡ họ thoát nghèo bền vững. Đó chính là giải pháp tạo sự chia sẻ, cũng chính là thực hiện dân vân khéo nếu chúng ta làm tốt.

Thứ ba, tạo được niềm tin của người nghèo trong hệ thống chính trị, đặc biệt là trong Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông qua đó nói đi đôi với làm. Tiếp đến là cùng chia vui với niềm vui của người nghèo và cùng chia sẻ khó khăn với người nghèo. Đó chính là sự kết hợp rất chặt chẽ giữa người nghèo với các tổ chức chính trị - xã hội. Tôi cho rằng đó là những giải pháp hết sức căn cơ, để công cuộc giảm nghèo phát triển bền vững.

Phó TBT Báo ĐBND: Thưa ông Nguyễn Văn Lý, dân vận khéo là công cụ đắc lực để thực hiện việc chuyển tải tín dụng chính sách đến với người dân, đặc biệt là người dân vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy NHCSXH sẽ tiếp tục phát huy công tác dân vận để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như thế nào?

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý: Để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao, chúng tôi tiếp tục tập trung thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch các chương trình tín dụng chính sách xã hội, tổ chức rà soát các chương trình tín dụng chính sách xã hội để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh đối tượng cho vay, mức cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với thực tiễn để người dân có đủ vốn thực hiện các dự án SXKD đạt hiệu quả, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai, minh bạch quy trình, thủ tục cho vay tại các điểm giao dịch xã. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, nhất là tại các Điểm giao dịch xã.

Chúng tôi đang xây dựng mô hình người vay vốn tập trung một mối. Toàn bộ vốn đưa về xã, Chủ tịch UBND xã điều phối vốn vay, hộ nào vay trước, hộ nào vay sau, vay sản xuất cây, con gì thì được kết hợp trong xây dựng nông thôn mới… Trong xây dựng nông thôn mới, đang thực hiện xây dựng hợp phần chuyển giao KHKT và định hướng tiêu thụ sản phẩm. NHCSXH gắn vốn này với xây dựng nông thôn mới thì độ an toàn cao hơn, tất cả tập trung vào vai trò của Chủ tịch UBND xã.

Đặc biệt là công tác dân vận, tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các trưởng thôn/ấp…, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn cho các hộ vay để sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong những năm qua, NHCSXH đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo sinh kế, việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống, với độ phủ rộng, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong số đó, có trên 85% dư nợ cho vay để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng góp phần giúp hơn 5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,7 triệu lao động; hơn 3,6 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 11 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gần 700 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…

Có được kết quả trên một phần quan trọng nhờ vào công tác dân vận khéo. Chính công tác dân vận khéo không chỉ giúp cho việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn mà còn tạo được sự đồng tình ủng hộ, khơi dậy lòng nhân ái, tương trợ, giúp đỡ của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, đồng thời từng bước làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo để họ chủ động vươn lên, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Trần Trang - Mai Phương lược ghi

Các tin bài khác