Khi Chỉ thị “bốn mươi” đến với vùng trung du Bắc Giang

07/06/2019
(VBSP News) Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) đã trở thành cách nói quen thuộc của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời được coi là đòn bẩy tăng cường năng lực hoạt động cho NHCSXH, khích lệ đồng bào các dân tộc vùng trung du miền núi, trong đó có tỉnh Bắc Giang phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động của NHCSXH tỉnh Bắc Giang tại Điểm giao dịch xã

Hoạt động của NHCSXH tỉnh Bắc Giang tại Điểm giao dịch xã

Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Giang Ngô Gia Quát cho biết, cùng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội, Chỉ thị số 40 đã định hướng cho công tác chỉ đạo và tạo điều kiện cho việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, chung tay giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được tiếp cận thuận lợi đến nguồn vốn chính sách để phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống.

Những năm qua, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND, các cấp, các ngành đã quan tâm sâu sát tập trung huy động nguồn lực cho NHCSXH tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Cụ thể là Sở Tài chính căn cứ tình hình ngân sách của địa phương đã tham mưu bổ sung nguồn vốn hàng năm cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; Sở LĐTB&XH đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát danh sách các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo đúng quy định hiện hành, phối hợp với NHCSXH giải ngân nhanh gọn, chính xác; chính quyền các cấp trên địa bàn không chỉ tích cực hỗ trợ về cơ sở vật chất như cấp đất xây trụ sở làm việc, ưu tiên vị trí đặt Điểm giao dịch xã khang trang, an toàn, mà còn trích ngân sách tối thiểu 300 triệu đồng/năm, tạo thuận lợi cho NHCSXH hoạt động.

Đến hết quý I/2019, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Bắc Giang đạt 4.070 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn đạt 114,5 tỷ đồng (tăng 31,2 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40), với 138.717 khách hàng đang còn dư nợ; dư nợ bình quân 33,1 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn liên tục tăng qua các năm, chất lượng tín dụng được bảo đảm. Đến nay, nợ quá hạn toàn tỉnh chỉ chiếm 0,07%  trên tổng dư nợ. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 129/230 xã không có nợ quá hạn phát sinh.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh Bắc Giang. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm toàn tỉnh giảm hơn 9.000 hộ nghèo, tương đương 2,2%, vượt 0,2% so với mục tiêu của Nghị quyết đề ra.

Gia đình chị Lục Thị Mùi vay vốn ưu đãi cải tạo rừng keo

Gia đình chị Lục Thị Mùi vay vốn ưu đãi cải tạo rừng keo

Nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn được vay vốn thuận lợi, như gia đình chị Lục Thị Mùi, người dân tộc Cao Lan ở thôn Tam Hiệp, xã An Lập, huyện 30a Sơn Động đã vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn để xây dựng chuồng trại, mua con giống, phát triển nghề chăn nuôi lợn nái, lợn thịt thành đàn 40 con. Ngoài ra, chị còn trồng 3ha rừng keo, 8 sào bưởi da xanh, cam lòng vàng, để có thu nhập ngót 300 triệu đồng/năm và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 6 lao động nông thôn.

Hay như vợ chồng anh Giáp Văn Tiện, chị Nguyễn Thị Thúy ở thôn Hựu, xã Trù Hưu, huyện Lục Ngạn với số vốn vay từ NHCSXH 70 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo và giải quyết việc làm, cộng với số tiền vay thêm của người thân, vợ chồng anh Tiện, chị Thúy đã đầu tư trồng cam Vinh, bưởi Diễn kết hợp nuôi gà đồi, kỳ đà. Sau 4 năm cần cù lao động, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, đến nay cơ ngơi của gia đình đã có 2ha cam, bưởi sai trĩu cành, 400 con gà thịt và khoảng 50 con kỳ đà trị giá khoảng 500 triệu đồng. “Nhờ vay vốn ưu đãi thuận lợi và tham gia học tập kinh nghiệm của một số mô hình kinh tế trong xã, trên huyện đã giúp gia đình tôi xây dựng thành công cơ sở sản xuất cây ăn quả như hôm nay. Kinh tế gia đình bây giờ khấm khá rồi, tôi có thêm điều kiện mở rộng trang trại và tham gia giúp đỡ bà con xung quanh cách thức làm ăn cũng như bán chịu không tính lãi nhiều giống cây ăn quả tốt”, anh Tiện chia sẻ.

Để góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 5,6%, NHCSXH tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 40, tập trung huy động các nguồn vốn, chuyển tải nguồn vốn kịp thời để hỗ trợ vùng khó khăn, ưu tiên đầu tư các mô hình SXKD hiệu quả, lồng ghép thực hiện với các chính sách giảm nghèo đặc thù và các dự án thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Đông Dư - Trần Việt

Các tin bài khác