Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm nghèo bền vững ở Hà Nam

06/08/2024
(VBSP News) Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, gần 3 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại tỉnh Hà Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ thị của Đảng đã được triển khai một cách sâu rộng, tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực; làm chuyển biến nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Từ sự chuyển biến đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, xác định lãnh đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.
ha nam 2

Một buổi giao dịch của NHCSXH huyện Thanh Liêm tại Điểm giao dịch xã Liêm Túc

“Bà đỡ” của các hộ nghèo
Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình giảm nghèo, các chương trình tín dụng chính sách xã hội được đánh giá là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành một điểm sáng, một trong những trụ cột trong hệ thống chính sách, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của tỉnh nhiều năm qua. Nhiều hộ nghèo đã được thụ hưởng chính sách và vươn lên ổn định cuộc sống.
Năm 2019 trở về trước, gia đình ông Trần Thanh Bình là hội viên nông dân Chi hội nông dân thôn 4 Tâng, xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, thuộc diện hộ cận nghèo. Khi ấy, nhà ông chỉ có 2 lao động chính, con cái còn nhỏ, đang tuổi đi học, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu vốn sản xuất, nhà đất chưa được cấp bìa đỏ để vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Bình chia sẻ: Sau khi được Hội Nông dân và Đoàn Thanh niên xã tuyên truyền về chương trình hộ cận nghèo của NHCSXH huyện thông qua Tổ tiết kiệm vay vốn của Đoàn Thanh niên thôn 4 Tâng, ông Bình thấy chính sách cho vay rất thuận tiện. Ông đã được bình xét cho vay nguồn vốn chương hộ cận nghèo để thực hiện chuyển đổi từ cấy lúa sang chăn nuôi bò với số tiền là 50 triệu đồng, thời gian vay là 36 tháng.
Từ nguồn vốn được vay, ông Bình đã mạnh dạn đầu tư mua con giống, nâng cấp chuồng trại để chăn nuôi bò nái. Đến năm 2020, ông hoàn thành trả nợ món vay hộ cận nghèo, kinh tế gia đình đã ổn định hơn, vươn lên thoát nghèo. Để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình, năm 2021, ông Bình mạnh dạn tiếp cận thêm nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay vốn NHCSXH số tiền 100 triệu đồng để mở rộng trang trại đầu tư chăn nuôi 20 con dê nái, hơn 100 đôi chim bồ câu, cải tạo 1,3 mẫu ao nuôi cá các loại, ngan, vịt đẻ,…
Năm 2022, mô hình sản xuất của gia đình ông Bình đang trên đà phát triển, gia đình ông lại tiếp tục đề nghị vay vốn NHCSXH để mở rộng quy mô đầu tư và được bình xét vay vốn từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, với số tiền 50 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp hơn 250m² chuồng để chăn nuôi 30 con lợn rừng (lợn nái và lợn thịt). Dự án chăn nuôi lợn cũng giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Nhờ nguồn vốn của NHCSXH, trong những năm qua, bản thân ông Bình và gia đình đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình chăn nuôi dê, bò, lợn, vịt, cá, chim bồ câu… Kết quả, đến nay mô hình chăn nuôi của ông đã nhân rộng khoảng 1,5ha và cho giá trị gấp nhiều lần so cấy lúa trước đây. Không chỉ gia đình ông Bình mà còn nhiều hộ nghèo khác đã có việc làm và thu nhập ổn định để nâng cao đời sống góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm 2018, gia đình ông Trần Văn Lực ở thôn Thanh Nga, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, không may gặp biến cố khi vợ ông là bà Đỗ Thị Thắm bị tai nạn dẫn đến bị chấn thương cột sống phải nằm điều trị lâu dài, đi lại khó khăn, không tham gia sản xuất được, sức khỏe yếu. Một mình ông Lực là lao động chính, vừa lo chăm sóc vợ, vừa lo kinh tế cho cả gia đình, các con ông khi đó còn nhỏ chưa có việc làm, cộng với khoản chi phí chữa bệnh cho vợ, dẫn đến kinh tế trong gia đình ngày càng khó khăn. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng gia đình ông vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo.
Ông Lực cho biết: Bản thân ông suy nghĩ phải luôn cố gắng vươn lên, không đầu hàng trước số phận và hoàn cảnh gia đình. Tháng 12/2018, ông Lực quyết định làm giấy đề nghị vay vốn NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để mở rộng thêm chuồng trại khoảng 800m² chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Trong năm 2019 và năm 2020, đàn lợn của gia đình ông Lực đã phát triển lên 80 con cả lợn nái và lợn thịt. Tuy nhiên, đến năm 2021, do tình hình dịch tả lợn châu Phi, không may, đàn lợn bị nhiễm bệnh, lợn chết dần, chỉ còn 2 con lợn nái, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gia đình ông gặp khó khăn về kinh tế.
Đến đầu năm 2022, gia đình ông Lực tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tổ tiết kiệm và vay vốn, chính quyền địa phương đã bình xét cho vay vốn NHCSXH 100 triệu đồng để tiếp tục tái đàn. Gia đình ông Lực đã cải tạo lại chuồng lợn, khử khuẩn chuồng và mua thêm 4 con lợn nái. Để đa dạng hóa sản phẩm, gia đình ông cải tạo một phần chuồng lợn để chăn nuôi khoảng 300 con gà đẻ. Có thu nhập ổn định từ việc bán trứng gà từ 500 - 600 nghìn đồng/ngày.
Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, không dừng lại ở đó, ông Lực và con trai là Trần Văn Dũng, quyết định mở rộng mô hình vườn ao chuồng, tiếp tục cải tạo ao, thả cá từ 2 sào ao lên 1 mẫu ao, chuyên thả các loại cá nước ngọt (trắm, trôi, chép, mè,…); đến thời điểm hiện tại đã bắt đầu đem lại thu nhập cho gia đình. Con trai ông thực hiện cải tạo một phần chuồng lợn bỏ không để làm xưởng mộc, gia công một số đồ gỗ nội thất như bàn ăn, tủ chè, trường kỷ… mang lại khoản thu nhập nhất định cho gia đình.
Ban đầu khi làm mô hình chăn nuôi, bản thân ông Lực không có kinh nghiệm, chưa tiếp thu được cái mới nên gặp nhiều khó khăn. Không nản chí, ông vừa làm, vừa học hỏi trên mạng xã hội, tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT khuyến nông, khuyến ngư do huyện, xã tổ chức… để nâng cao trình độ sản xuất, chăn nuôi; tham quan các mô hình ở thôn, xóm và trên địa bàn huyện để học hỏi, rút kinh nghiệm.
Ông Lực phấn khởi cho biết thêm: Nhờ có kinh tế, ông đã có điều kiện đưa vợ đi các bệnh viện để chạy chữa và may mắn thay, sức khỏe của vợ ông đã ổn định hơn, có thể làm được các công việc nhẹ trong gia đình, phụ giúp ông chăn nuôi đàn lợn, nhặt trứng gà đẻ. Đó cũng là nguồn động viên để ông Lực và các con yên tâm lao động, sản xuất.
Đó chỉ là 2 trong số hàng nghìn trường hợp được vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội.
Để chính sách đi vào cuộc sống

ha nam 1

Cán bộ NHCSXH kiểm tra mô hình nuôi gà đẻ của anh Bùi Xuân Chiến, thôn Trung Hạ Đại Vượng, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, quy mô tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong giai đoạn 2015 - 2024 (đến ngày 30/6/2024), chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân 7.325 tỷ đồng cho hơn 194 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần giúp cho hơn 30 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 21 nghìn lao động; giúp hơn 14 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; 1.964 em HSSV được vay vốn để mua máy vi tính, thiết bị đủ điều kiện học tập trực tuyến; góp phần xây dựng; cải tạo được hơn 162 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh; hỗ trợ xây dựng, cải tạo 1.408 căn nhà cho hộ nghèo, người có công, cán bộ, viên chức, công chức, công nhân, người thu nhập thấp; hỗ trợ 49 lượt doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 5.349 lượt người lao động; 28 trường, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn mua sắm thiết bị… Qua đó, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2015 là 5,81%, đến năm 2023 xuống còn 2,11%.
Giám đốc chi nhánh Lê Thị Kim Dung cho biết: Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động vốn; quản lý và sử dụng vốn hiệu quả. Chủ động tham mưu cho các sở, ngành liên quan, nghiên cứu đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi đặc thù của tỉnh phù hợp từng giai đoạn.
Để tín dụng chính sách tiếp tục lan tỏa và phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đinh Thị Lụa yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội nhằm gắn tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Các cấp ủy, chính quyền cần xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bài và ảnh Đào Phương

Các tin bài khác