SỨ MỆNH CỦA MỘT NGÂN HÀNG VÌ AN SINH XÃ HỘI

20/04/2013
(VBSP News) Thấm thoát đã 10 năm, kể từ ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo sau khi tách khỏi NHNo&PTNT Việt Nam. Sau 10 năm hoạt động, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan Đảng và chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, sự ủng hộ của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, cùng với sự phấn đấu nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống, NHCSXH đã thực hiện tốt những mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra ban đầu. Đó là tập trung nguồn lực lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách; tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại; huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.

11647

Gần 7,1 triệu hộ còn dư nợ

“Trong 10 năm qua, đã có trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, góp phần giúp trên 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 2,6 triệu lao động, hơn 3 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 4,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, trên 88 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long, gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; hơn 98 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài”.

Ngày đầu mới thành lập, NHCSXH nhận bàn giao 3 chương trình tín dụng, đến nay đã thực hiện 18 chương trình, trong đó 14 chương trình bằng nguồn vốn trong nước và 4 chương trình từ nguồn vốn uỷ thác của nước ngoài. Ngoài ra, còn có nhiều chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân uỷ thác cho NHCSXH thực hiện. Theo số liệu của NHCSXH, tính đến ngày 31/12/2012 tổng dư nợ của ngân hàng đạt 113.921 tỷ đồng, gấp 16 lần so với thời điểm nhận bàn giao; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 32,8%. Hiện có gần 7,1 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng hơn 4 triệu khách hàng so với thời điểm nhận bàn giao, với dư nợ bình quân 16 triệu đồng/hộ.

Chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao

Tín dụng chính sách của NHCSXH đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tỉ lệ hộ nghèo trong thời kỳ 2001 - 2005 giảm từ 17% xuống 7%; trong thời kỳ 2005 - 2010 giảm từ 22% xuống 9,45% và trong thời kỳ 2011 - 2012 giảm từ 14,2% xuống còn 10%.

Đặc biệt, trong điều kiện lãi suất cho vay trên thị trường có nhiều biến động, có những thời điểm tăng rất cao, nhưng lãi suất tín dụng chính sách xã hội về cơ bản vẫn được giữ ổn định và có ưu đãi, tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng yên tâm vay vốn sản xuất, học tập…, vươn lên thoát nghèo.

Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, công tác thu hồi nợ của NHCSXH đạt kết quả cao, doanh số thu nợ đã bảo đảm được hơn 50% doanh số cho vay ra hàng năm; các khoản nợ quá hạn tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị cho vay trước đây về cơ bản đã được thu hồi; tỷ lệ nợ xấu giảm qua các năm… Trước đây, mặc dù người dân nghèo cũng được Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để cải thiện đời sống nhưng do họ chưa biết cách làm ăn, nên đồng vốn không được sử dụng hiệu quả. Nghèo vẫn hoàn nghèo. Từ khi NHCSXH ra đời đã phối hợp cùng với các tổ chức chính trị - xã hội tập huấn, trợ giúp kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách làm ăn để sử dụng đồng vốn sao cho có hiệu quả nhất. Kết quả là rất nhiều hộ vay đã trả được nợ cho NHCSXH đầy đủ, đúng hạn và đã thoát nghèo. Điều này lý giải vì sao trong khi tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng khác là 2 con số, nhưng tỷ lệ nợ xấu của NHCSXH chỉ chưa đầy 2%/tổng dư nợ.

Cả hệ thống chính trị chung tay xóa nghèo

Đạt được những thành công trong 10 năm qua là do NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức quản trị đặc thù phù hợp với điều kiện, đặc điểm nước ta, đáp ứng yêu cầu tập trung mọi nguồn lực xã hội, tăng hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện xã hội hoá hoạt động của NHCSXH. Theo NHCSXH, hiện có gần 8.000 cán bộ lãnh đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội tham gia kiêm nhiệm công tác quản trị NHCSXH. Trong 10 năm qua, HĐQT và Ban đại diện HĐQT các cấp đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tham mưu giải quyết, bảo đảm kịp thời các nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách và tạo điều kiện cho hoạt động của NHCSXH.

Ngoài ra, hoạt động của NHCSXH còn nhận sự hỗ trợ của các tổ chức chính trị - xã hội. Theo báo cáo đánh giá của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, với trên 204 ngàn Tổ tiết kiệm và vay vốn, do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với NHCSXH thành lập và 10.861 Điểm giao dịch xã của người dân thực sự đã tạo nên một mạng lưới tín dụng tiện lợi, rộng khắp đến tận người dân. Đây chính là một chính sách ưu việt, riêng của Việt Nam mà nhiều nước khác không có.

Những thành công đạt được của NHCSXH đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Song sau 10 năm hoạt động, cũng là thời điểm để các Bộ ngành, người dân và ngân hàng nhìn nhận những hạn chế để cùng tháo gỡ khó khăn. Thứ nhất, là cơ chế tạo lập nguồn vốn chưa có tính ổn định lâu dài; cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lý. Nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu được tập trung để cho vay trung và dài hạn (dư nợ trung và dài hạn chiếm trên 90%/tổng dư nợ). Tuy nhiên, nguồn vốn huy động hiện nay chủ yếu là vốn ngắn hạn. Thứ hai, NHCSXH gần như chưa tiếp cận được các nguồn vốn nhân đạo, vốn ODA, các nguồn vốn vay có thời hạn dài, lãi suất thấp. Thứ ba, việc bố trí vốn trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước còn có khoảng cách lớn giữa nhu cầu vốn của các chương trình an sinh xã hội do Nhà nước giao cho NHCSXH thực hiện với thực tế vốn được bố trí trong kế hoạch hàng năm (gồm vốn cho chương trình, mà điển hình là chương trình cho vay giải quyết việc làm, vốn điều lệ, vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý). Ngoài ra, theo quy định, đối tượng vay vốn của NHCSXH là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được UBND cấp xã xác nhận. Tuy nhiên, công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; có nơi chưa rà soát, bổ sung kịp thời những hộ mới phát sinh nghèo, cận nghèo vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm ảnh hưởng tới việc hỗ trợ vốn kịp thời cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Ông Nguyễn Hữu Vạn - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Lào Cai: “Nên nghiên cứu giải pháp tăng nguồn lực cho các chương trình” 

Đảng bộ tỉnh Lào Cai đánh giá rất cao vai trò và những đóng góp của hệ thống NHCSXH từ Trung ương đến địa phương. Mô hình hoạt động của NHCSXH cũng tạo ra cơ chế, cách thức động viên được cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc quản lý hoạt động tín dụng chính sách, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội.

Đến nay, NHCSXH đã có tổng doanh số cho vay gần 3.200 tỷ, tổng doanh số thu nợ gần 1.600 tỷ; tổng dư nợ hơn 1.700 tỷ, với  trên 90 ngàn hộ đang vay vốn. Vốn tín dụng ưu đãi đã đến với 100% số thôn bản trong tỉnh. NHCSXH trực tiếp giao dịch tại xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc tiếp cận vốn, chỉ có phương thức phục vụ như thế thì người nghèo ở vùng sâu, vùng xa mới tiếp cận được vốn với chi phí thấp nhất.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ theo tinh thần của Nghị định 78, tỉnh Lào Cai đã thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi để chuyển ngân sách sang NHCSXH tỉnh trên 10 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cũng đã bàn và đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, những năm trước ngân sách tỉnh cũng đã hỗ trợ cấp bù lãi suất cho vay hộ nghèo được trên 5 tỷ đồng. Trong thời gian tới sẽ phấn đấu mỗi năm chuyển sang NHCSXH khoảng 5 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để NHCSXH cho vay trên địa bàn.

Để chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày càng mang lại lợi ích thiết thực và đóng góp nhiều hơn trong công cuộc giảm nghèo tôi có một vài ý kiến đề xuất. Đối với các tỉnh miền núi khó khăn như Lào Cai thì nguồn vốn ưu đãi hết sức quan trọng vì vậy tôi để nghị Chính phủ và NHCSXH bố trí nguồn vốn tăng trưởng hàng năm từ 15 - 20 %. Chính phủ nên nghiên cứu thêm nhiều giải pháp tăng nguồn lực cho các chương trình tín dụng chính sách, hiện nay có một số chương trình tín dụng có mức vốn cho vay còn thấp, nhiều đối tượng chính sách xã hội chưa được thụ hưởng tín dụng chính sách như gia đình thu nhập thấp có 2 con đi học, chương trình nước sạch và vệ sinh…

Bà Nguyễn Thị Huyên - Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị: “Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ NHCSXH”

Với chủ trương đúng đắn của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, cùng với sự phục vụ nhiệt tình, trách nhiệm cao của cán bộ NHCSXH, được người dân đồng tình ủng hộ, đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị của địa phương. Từ khi thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị đến nay đã có 13 hộ thoát nghèo, 12 lao động có việc làm mới. Nhiều hộ cải thiện được cuộc sống, có thu nhập khá, ổn định. Có được những kết quả này, trước hết là nhờ sự chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả từ cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, sự hướng dẫn tận tình của cán bộ NHCSXH, sự chung tay góp sức của các tổ chức hội nhận ủy thác.

Tổ TK&VV thôn tôi thường xuyên được cán bộ NHCSXH tập huấn, hướng dẫn về lập hồ sơ vay vốn, bình xét cho vay, cách thức ghi chép sổ sách theo dõi dư nợ, nội dung họp tổ… Đặc biệt NHCSXH tổ chức giao dịch cố định vào ngày 19 hàng tháng tại xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho các Tổ trưởng, các hộ vay vốn giao dịch, tiết giảm thời gian và chi phí. Thông qua các buổi giao ban hàng tháng tại buổi giao dịch đã kịp thời giải quyết được các khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động của tổ. Để quản lý tốt nguồn vốn và phát huy hơn nữa tính hiệu quả của các chương trình vốn vay, chúng tôi kiến nghị: Chính phủ và NHCSXH cần tăng thêm nguồn vốn cho vay, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm vốn sản xuất, kinh doanh cải thiện hơn nữa đời sống và thoát nghèo bền vững; Nâng mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, vì mức vay 4 triệu đồng như hiện nay là thấp và không phù hợp với giá cả thị trường. Nâng mức cho vay giải quyết việc làm lên 30 triệu/1 hộ gia đình. Mở rộng đối tượng cho các hộ gia đình có từ 2 con đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp… được vay vốn chương trình HSSV như các hộ nghèo chúng tôi hiện nay. 

Bà Hồ Thị Thanh Thúy, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh:NHCSXH đã mở ra cho gia đình tôi một cuộc sống mới” 

Năm 2007, sau khi được UBND xã xác nhận đối tượng được thụ hưởng, NHCSXH huyện Bình Chánh đã cho gia đình tôi vay vốn cho con học đại học. Cả khóa học NHCSXH đã cho gia đình vay tổng số tiền 32 triệu đồng để chi phí học tập. Tháng 6/2010, NHCSXH lại cho gia đình vay 8 triệu đồng theo Chương trình cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Số tiền vay đó đã giúp cho gia đình tôi có nhà vệ sinh sạch sẽ, có công trình nước sinh hoạt an toàn.

Ngoài hai chương trình trên, đầu năm 2011, gia đình tôi đã được vay chương trình hộ nghèo với số tiền là 10 triệu đồng để mua thêm heo giống. Từ đó, vợ chồng tôi tập trung chăn nuôi phát triển đàn heo, qua đó kinh tế gia đình tôi đã bớt khó khăn, cuộc sống cũng đầy đủ và no ấm hơn. Đặc biệt, cuối năm 2011, khi đứa con thứ hai của tôi vào học Cao đẳng, gia đình đã được tiếp tục vay vốn chương trình học sinh sinh viên với số tiền được duyệt để chi phí học tập là 30 triệu đồng cho khóa học 2011 - 2014. Nhờ có các chương trình vay vốn của NHCSXH, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, thoát khỏi cuộc sống bấp bênh ngày xưa.

Hiện nay, vợ chồng tôi đã có được công việc làm, các con cũng yên tâm học hành nên chúng tôi chủ động lập kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, hợp lý, trả nợ dần các khoản vay vốn NHCSXH. Đến nay gia đình tôi đã trả được số tiền 16 triệu đồng. Tôi nghĩ rằng, nếu Đảng, Nhà nước không có chính sách cho vay đi học thì các con tôi không thể được bước vào giảng đường Đại học như hôm nay và rồi tương lai của các cháu không biết đến đâu. Các chương trình vay vốn ưu đãi của NHCSXH đã mở ra cho gia đình tôi một cuộc sống mới, tốt đẹp hơn và tươi sáng hơn. Giúp cho các con tôi có thể được tiếp tục đi học và vợ chồng tôi có vốn để làm ăn, chăn nuôi vươn lên trong cuộc sống.

BBT

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác