Sơn La thực hiện hiệu quả đầu tư tín dụng chính sách

06/12/2015
(VBSP News) Tuy hoạt động ở một tỉnh miền núi cao thuộc vùng Tây Bắc bao la có 200km đường vành đai biên giới và còn đến 5/11 huyện nghèo thuộc chương trình 30a của Chính phủ cùng rất nhiều xã vùng sâu, vùng xa, với địa hình hiểm trở, nhất là gặp mưa nguồn, lũ quét thì việc đi lại bị tắc nghẽn, nhưng tập thể 154 cán bộ, nhân viên NHCSXH tỉnh Sơn La đã tận tụy vượt mọi khó khăn thách thức, phấn đấu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Người dân tỉnh Sơn La nuôi bò đạt hiệu quả kinh tế cao

Người dân tỉnh Sơn La nuôi bò đạt hiệu quả kinh tế cao

Đặc biệt từ khi NHCSXH tỉnh làm tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, thì mọi hoạt động liên quan đến đầu tư tín dụng cho chương trình giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao biên giới này được chuyển biến rõ rệt.

Đó là những việc làm mới cụ thể của NHCSXH tỉnh Sơn La như tập trung ưu tiên đầu tư vốn cho các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, các thôn bản còn tỷ lệ hộ nghèo cao, nâng suất cho vay tới gia đình đồng bào dân tộc thiểu số gắn với đảm bảo chất lượng tín dụng; nâng cao chất lượng ủy thác vay vốn chính sách của tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở xã, phường, đồng thời củng cố chất lượng hoạt động của mạng lưới 3.800 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 204 Điểm giao dịch tại xã.

Cùng với đó, NHCSXH tỉnh Sơn La đã tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn như tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, đề xuất nhận ủy thác các khoản từ ngân sách tỉnh, huyện chuyển sang, tích cực huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân, tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, nên tính đến nay dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn vốn khó khăn đã tạo được sự tăng trưởng vượt bậc, đạt trên 2.550 tỷ đồng, tăng 260 tỷ đồng so với năm 2014. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã cơ bản giải quyết những khó khăn về vốn. Tình trạng các hội viên nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh… phải đi vay “nóng” ở bên ngoài chịu lãi suất cao đã được chấm dứt, nhiều gia đình đồng bào dân tộc Thái, Mông, Mường… có phương án phát triển mô hình kinh tế hiệu quả cũng được đáp ứng kịp thời về nguồn vốn hỗ trợ. Đơn cử về 318 hộ nghèo, hộ cận nghèo ở 23 bản, tiểu khu xã biên giới Chiềng Sơn đã vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Mộc Châu, bình quân mỗi hộ vay 22 triệu đồng để đầu tư thâm canh đồi chè, nương ngô, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Từ nguồn vốn vay, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số thoát hẳn nghèo, có cuộc sống khấm khá. Tiêu biểu là anh Bùi Văn Sơn, người dân tộc Mường ở Bản Lòng Hồ đã sử dụng 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ lao động, sử dụng vốn vay hợp lý nên nhà anh đã làm nên một cơ ngơi với đàn trâu béo 8 con, 2ha chè sạch, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La, Tòng Thị Phóng cho biết: Trong thời gia tới NHCSXH tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thực hiện tốt, đầy đủ chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới, chú trọng tuyên truyền và đưa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đi vào cuộc sống, đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để mọi cấp, mọi người dân hiểu sâu sắc, cùng thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi. Cùng với đó, NHCSXH tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể làm nhiệm vụ ủy thác trong thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát việc bình xét cho vay, việc sử dụng vốn vay của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo theo định kỳ; đồng thời kiên quyết xử lý nợ quá hạn, nợ phát sinh đến mức thấp nhất, nhằm mục đích đảm bảo chất lượng tín dụng và phát huy tác dụng của nguồn vốn chính sách trong chương trình xóa nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống mới ở vùng miền núi dân tộc Tây Bắc.

Bài và ảnh Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác