Phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách

07/07/2015
(VBSP News) Đến nay, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt trên 1.700 tỷ đồng, tăng hơn 845 tỷ đồng so với năm 2010. Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm đã giúp cho hàng vạn hộ nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xóa được đói, giảm được nghèo, vươn lên cải thiện cuộc sống, tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn miền núi; góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 21,7% năm 2010 đến nay giảm còn 10,39%, tính bình quân mỗi năm giảm 2,28%, cao hơn mức giảm nghèo bình quân chung của khu vực Tây Bắc.
Hộ nghèo ở xã Tân Long, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) nhận vốn vay thuận tiện ngay tại Điểm giao dịch xã

Hộ nghèo ở xã Tân Long, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) nhận vốn vay thuận tiện ngay tại Điểm giao dịch xã

Đạt được kết quả đó, trước hết là NHCSXH tỉnh Tuyên Quang thời gian qua đã bám sát tình hình thực tế và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, phối hợp tốt với các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn từ việc bố trí phân bổ vốn kịp thời, hợp lý, chuyển vốn ngân sách đến công tác tổ chức thực hiện chương trình tín dụng; đồng thời đẩy mạnh lồng ghép các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến lâm,… giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đối với hộ vay.

Cùng với đó, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn các xã đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng nâng lên rõ rệt. Với 79,8% trong tổng số 2.535 Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, còn lại 20,2% tổ xếp loại khá, không còn tổ hoạt động trung bình, yếu kém, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tín dụng chính sách.

Thông qua hoạt động của 14 Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Phụ nữ xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, thời gian qua 517 hộ gia đình hội viên được vay vốn chính sách thuận lợi với tổng dư nợ trên 6,7 tỷ đồng. Tiêu biểu có gia đình chị Đặng Thị Niệm ở thôn Yên Lập thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đã vay được vốn ưu đãi để đầu tư nuôi trâu sinh sản, trồng chè sạch, vươn lên thoát nghèo, nay đã trả hết nợ cho ngân hàng, lại còn có vốn mua xe ô tô tải chuyên vận chuyển hàng hóa nông sản cho bà con trong vùng.

Tương tự ông Tống Huy Thuần, dân tộc Mán ở thôn Làng Mãn được sự giúp đỡ hướng dẫn của Tổ tiết tiết kiệm và vay vốn đã mạnh dạn vay vốn, sử dụng 30 triệu đồng vốn vay chương trình hộ nghèo để cải tạo đất vườn trồng cây ăn quả đặc sản như táo, lê, cam, kết hợp với chăn nuôi gà đồi, đạt thu nhập hàng năm đạt trên 100 triệu đồng.

Chị Phạm Thị Luyến - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Phú cho biết, hầu hết các thành viên tham gia sinh hoạt ở 14 Tổ tiết kiệm và vay vốn do hội quản lý đều được hướng dẫn, giúp đỡ vay vốn thuận lợi và sử dụng vốn vay đúng mục đích, có kế hoạch hợp lý đem lại hiệu quả kinh tế.

Đến nay, thông qua uỷ thác của các tổ chức hội, đoàn thể và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn rộng khắp bản làng, đã có rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn kịp thời và sử dụng vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh, thâm canh trồng trọt, chăn nuôi thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Để nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng hơn nữa, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, duy trì hoạt động giao dịch tại xã, nâng cao chất lượng của hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn… đồng thời cần sự vào cuộc sâu hơn của các cấp, các ngành để công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Trần Tú

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác