Núi rừng rộn ràng vươn lên đổi mới

29/05/2019
(VBSP News) Cùng với các chương trình dự án hỗ trợ đồng bào DTTS giảm nghèo, phát huy lợi thế về đất đai, lao động, đồng vốn tín dụng ưu đãi đang góp phần đưa huyện Mường Khương (Lào Cai) không ngừng phát triển và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Không chỉ trồng dứa, cây mía cũng góp phần giúp đồng bào Mường Khương thoát nghèo và làm giàu

Không chỉ trồng dứa, cây mía cũng góp phần giúp đồng bào Mường Khương thoát nghèo và làm giàu

Đổi thay ở Bản Lầu

Cán bộ tín dụng chính sách đi cùng với chúng tôi nói, chưa đến Bản Lầu chưa tới Mường Khương. Mường Khương là huyện đặc biệt khó khăn, Bản Lầu là xã đặc biệt khó khăn giáp đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Trước đây, Bản Lầu xa xôi do đất đai hoang hóa, đường xá đi lại khó khăn, đồng bào DTTS loay hoay mãi không biết trồng cây gì nuôi con gì, một phần do thiếu vốn sản xuất trầm trọng. 

Nhưng từ khi có các chương trình 134, 135, 30a, rồi tín dụng ưu đãi của Chính phủ ưu tiên hỗ trợ thì đường liên thôn, liên xã nối ra thị trấn được mở rộng, điện lưới quốc gia thắp sáng vùng rẻo cao xa xôi. Người Mông, người Dao trên núi cao đã “hạ sơn”, được giao đất, giao rừng, được vay vốn ưu đãi thuận lợi kết hợp với được hướng dẫn đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất nông sản thực phẩm hàng hóa.

Và thế là Bản Lầu dần đổi khác. Chị Nông Thị Nghĩ - Chủ tịch Hội PN xã Bản Lầu - cho biết: Nhờ đồng vốn ưu đãi tiếp sức, nhiều hộ gia trong xã đã  biết trồng lúa nước, mở đất trồng cây ăn quả đặc sản đạt năng suất cao, thu nhập khá, cuộc sống  no ấm dần, bản làng thêm rộn ràng.

Hộ nghèo là đồng bào DTTS tiếp cận gần 29 tỷ đồng của NHCSXH, trong đó riêng Hội PN nhận ủy thác trên 14 tỷ đồng với 297 hộ vay. Đồng vốn tín dụng ưu đãi đã giúp bà con chuyển đổi cây trồng được 263ha chè sạch, 800ha chuối tiêu hồng, 1.400ha dứa thơm, thay đổi tập quán canh tác cũ, lạc hậu để chuyển sang sản xuất kinh tế hàng hóa.

Tiếp thêm câu chuyện của chị Chủ tịch Hội PN xã, bên đồi dứa, đồi mía nhà mình, anh Giàng Sình, dân tộc Mông ở bản Na Lốc, xã Bản Lầu kể chuyện: “Nếu không được vay vốn ưu đãi thì vợ chồng tôi làm sao có lực khai hoang vỡ đất, mua cây giống, phân bón để trồng dứa và chuối xuất khẩu được”.

Sau thời gian làm lụng chăm chỉ, gia đình anh vượt qua nghèo khó, trả hết nợ nần và mới đây vay thêm vốn ưu đãi hộ nghèo tới 100 triệu đồng và thực hiện kế hoạch mở rộng diện tích trồng 16 nghìn cây dứa, 2000 cây chuối và 68.000m2 mía tím.

Diện mạo mới của huyện vùng cao Tây Bắc

Không chỉ Bản Lầu, mà các xã bản khác của Mường Khương cũng đang “thay da đổi thịt”, góp phần tạo nên diện mạo mới cho huyện vùng núi cao biên giới Tây Bắc này. 

Bởi, nhiều người còn nhớ, Mường Khương là một trong 64 huyện nghèo nhất nước, nằm trong chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững ngay từ đợt đầu tiên năm 2008. Với dân số trên 50 nghìn người, bao gồm 14 dân tộc khác nhau, trong đó đông nhất là người Mông và có đến 3/4 số xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện Mường Khương chiếm hơn 45% vào thời điểm năm 2011.

Chính vì vậy, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nhất là nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước do NHCSXH tổ chức thực hiện, đã được chú trọng từ các khâu phân bổ, sử dụng để đầu tư phát triển sản xuất, góp phần thiết thực giúp đồng bào dân tộc khắc phục khó khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, vốn tín dụng ưu đãi đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng, nâng tổng số vốn cho hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS ở Mường Khương vay của NHCSXH trong thời gian qua đạt xấp xỉ 400 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn ưu đãi, toàn huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

Đồng vốn ưu đãi cũng góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như lúa Séng Cù, ngô lai Tung Chung Phố, dứa, chuối Bản Lầu, rừng keo, chè sạch Nậm Chẩy, Pha Long… Nhờ đó đời sống của đồng bào dân tộc ở 15 xã trong huyện dần được đổi thay. 

Ông Nguyễn Chi Sử - Bí thư Huyện ủy Mường Khương cho biết: Đồng vốn ưu đãi đã khích lệ bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trồng các loại dược liệu quý, cây rừng, cây công nguyên liệu phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

“Để công tác giảm nghèo thực sự đạt hiệu quả, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân, đồng thời tích cực tuyên truyền, giới thiệu, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, kinh nghiệm sử dụng vốn vay tín dụng ưu đãi thoát nghèo nhanh, bền vững của các hộ gia đình, địa phương”, ông Nguyễn Chi Sử cho biết. 

Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện đã nhận được sự đồng lòng hưởng ứng của các cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào DTTS nơi đây, góp sức giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao biên giới Mường Khương.

Bài và ảnh Đông Dư

Các tin bài khác