Nỗ lực đưa vùng cao Tân Sơn thoát huyện nghèo 30a
Huyện Tân Sơn được thành lập trên cơ sở tách huyện Thanh Sơn vào đầu xuân 2007, từng có đến 14/17 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 82% dân số là đồng bào DTTS, đất đai sản xuất nông nghiệp chỉ có 8% trên tổng số 68 nghìn ha đất tự nhiên và cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu thốn, yếu kém. Sau tròn 1 thập kỷ nỗ lực, Tân Sơn đã “thay da đổi thịt” với một diện mạo nông thôn miền núi mới. Cụ thể, đến mùa xuân Kỷ Hợi 2019, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10 lên 19 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,4%, có 5 xã, 10 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả này có sự góp sức, chung lòng của các cấp ngành, các chương trình dự án, trong đó có nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Bí thư Huyện ủy Tân Sơn Phạm Thanh Tùng cho biết, những năm qua, tổng kinh phí thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Tân Sơn đạt trên 1.000 tỷ đồng, riêng NHCSXH góp phần hỗ trợ đến 418 tỷ đồng với 13 chương trình tín dụng ưu đãi, tăng 40 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Năm 2018, doanh số cho vay đạt gần 100 tỷ đồng với 2.513 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. NHCSXH huyện đã hoàn thành xuất sắc, vượt mức kế hoạch. Khách hàng vay vốn được tăng cả về số lượng và đảm bảo đúng đối tượng để kịp thời đầu tư sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo khó. Cùng Giám đốc NHCSXH huyện Tân Sơn Tăng Tiến Sỹ, chúng tôi đến Mỹ Thuận - vốn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Sơn - nay đang đổi thay từng ngày. Từ nguồn vốn ưu đãi vay của NHCSXH huyện, nhiều hộ trong xã đã đầu tư hiệu quả phát triển kinh tế, đời sống sung túc.
Cách đây 3 năm, gia đình bà Hà Thị Mơ, xóm Bình, xã Mỹ Thuận được vay 40 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo. Có vốn, bà Mơ đầu tư mua một cặp bò sinh sản và cải tạo khu đất trồng lúa năng suất thấp thành vườn chè cành giống mới hơn 1ha. Đến đầu năm ngoái, thì bò đã sinh ra 2 chú bê khỏe mạnh và chè cũng cho thu hoạch mỗi năm 3 - 4 đợt, mỗi đợt hái đến trên tấn búp tươi, đạt thu nhập 100 - 150 triệu đồng. Gia đình bà vừa thoát nghèo trước Tết. “Vui vì thoát được cảnh nghèo, nhưng gia đình tôi vẫn mong muốn được tiếp cận với đồng vốn ưu đãi để tiếp tục đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, thoát nghèo bền vững, làm giàu từ đồng đất, lao động”, bà Mơ tâm sự. Cũng là đối tượng hộ nghèo được vay vốn NHCSXH, anh Trần Văn Định, thôn Mín 2, xã Mỹ Thuận đã sử dụng đồng vốn ưu đãi cùng sự giúp đỡ của bà con họ hàng, thôn xóm, đầu tư mua máy móc thiết bị, lập xưởng sản xuất chè khô và thâm canh 2 ha mía tím. Hiện mỗi ngày xưởng chè của anh thu khoảng 4 tạ chè nguyên liệu, giải quyết việc làm cho 5 lao động. Mỗi vụ thu hoạch hơn 2 tấn mía cây, thu lãi hàng năm tới 2-3 trăm triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hà Văn Thuấn - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận cho biết, toàn xã trước có 37,6% hộ nghèo, từ khi được NHCSXH huyện hỗ trợ (đến nay hơn 36 tỷ đồng), Mỹ Thuận đã giảm nghèo bình quân 4% - 5% mỗi năm, đứng trong tốp đầu của huyện về tỷ lệ hộ nghèo giảm bền vững. Trở lại Tân Sơn vào những ngày xuân mới, chúng tôi cảm nhận thấy hiệu quả rõ rệt của vốn tín dụng ưu đãi đang lan tỏa khắp vùng núi cao xa này. Đồng vốn góp phần giúp toàn huyện hiện có 55 nghìn hec-ta rừng cây keo lá chàm, cây sơn và gần 10 nghìn hec-ta chè nguyên liệu, trong đó có 75% diện tích đang khai thác. Mỗi năm trung bình mỗi hộ trồng rừng, trồng chè thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng.
Cũng từ vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Tân Sơn đã chung sức xóa đi hơn 4000 căn nhà tạm bợ và xây mới hàng nghìn ngôi nhà, tạo điều kiện giúp nhiều lao động được học nghề và đi xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo nhanh bền vững. Bước sang xuân mới, huyện Tân Sơn xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, tăng thu nhập bình quân đạt 21 triệu đồng/người/năm. Cùng các ngành, các cấp trên địa bàn, NHCSXH huyện Tân Sơn đẩy mạnh triển khai giải ngân vốn nhanh chóng, thuận lợi, đổi mới phương thức đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh để giảm nghèo bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý, hiệu quả ở một huyện vừa ra khỏi huyện nghèo 30a.
Bài và ảnh Đông Dư
Các tin bài khác
- » Hỗ trợ thanh niên vùng cao khởi nghiệp, lập nghiệp
- » Hành trình về nguồn tri ân của đoàn viên thanh niên NHCSXH TW
- » NHCSXH chúc mừng 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
- » Hà Nam hướng tới kết quả bền vững cho các chương trình mục tiêu Quốc gia
- » Giám sát việc triển khai nguồn vốn địa phương cho vay ưu đãi
- » Nghị lực thoát nghèo của phụ nữ vùng DTTS
- » Đổi thay trên vùng chiến khu xưa
- » Ban Kinh tế Trung ương làm việc với NHCSXH
- » Mang yêu thương đến miền đất đỏ huyền thoại Tây Nguyên
- » Nhân đôi mức vốn vay cho người nghèo