Nguồn vốn chính sách góp phần bảo đảm an sinh xã hội
Gia đình anh K’Thiện ở thôn Hang Ka, xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm là một trong những hộ đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay tín dụng của NHCSXH huyện. Đến nay, gia đình anh đã có của ăn, của để, cho các con học hành đầy đủ. Năm 2019, anh được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm của NHCSXH huyện, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi 1ha diện tích cà phê cằn cỏi, năng suất, chất lượng thấp sang trồng cây Sầu riêng giống mới. Sau 3 năm trồng và chăm sóc đến nay cây sầu riêng đã cho thu hoạch.
Niên vụ vừa qua gia đình anh thu được 7 tấn quả với giá bán trên thị trường 50 nghìn đồng/kg, gia đình thu về trên 300 triệu đồng. Khi kinh tế gia đình ngày càng phát triển gia đình anh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Anh K’Thiện cho biết: “Trước đây không có nguồn vốn vay NHCSXH gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhờ nguồn vốn đến nay gia đình đầu tư vườn tược, kinh tế phát triển đi lên. Sử dụng đồng vốn có hiệu quả và trả lãi đúng kỳ hạn nên vừa qua gia đình được vay thêm 100 triệu từ NHCSXH huyện để mở rộng quy mô sản xuất”.
Cũng như anh K’Thiện, đối với chị Lê Thị Xuyền ở thôn Đông La 2, xã Lộc Đức thì nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện đã thực sự trở thành “đòn bẩy” giúp gia đình có điều kiện phát triển kinh tế. Là hộ nghèo của xã, khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chị Xuyền đã đầu tư chăn nuôi con nhím để phát triển kinh tế. Đến nay, đàn nhím đã phát triển với số lượng lớn, chị đã xuất bán nhím giống, nhím thương phẩm ra thị trường, qua đó gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cho cuộc sống của gia đình. Từ nguồn thu nhập đó, gia đình chị Xuyền có thêm điều kiện đầu tư chăm sóc vườn cà phê xen cây ăn trái.
Chị Lê Thị Xuyền cho biết: Trước đây thu nhập chính của gia đình chị phụ thuộc vào 8 sào cà phê, nên điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2020, chị được biết một số hộ ở tỉnh Đồng Nai giàu lên từ mô hình nuôi nhím. Vì vậy, vợ chồng chị đã mạnh dạn đến tận nơi để tham khảo và học hỏi kinh nghiệm. Sau khi tìm hiểu kỹ về kỷ thuật chăn nuôi nhím, chị Xuyền bàn với chồng vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Bảo Lâm để đầu tư xây dựng chuồng trại và con giống về nuôi. Ban đầu, chị mua 5 cặp nhím giống với trị giá 15 triệu đồng và đầu tư 35 triệu đồng để xây dựng chuồng trại. Sau 1 năm, đàn nhím trưởng thành và sinh sản, lứa đầu tiên gia đình chị giữ lại nuôi để nhân giống. Đến nay, sau 3 năm, mô hình nuôi nhím của gia đình chị đã phát triển lên 25 cặp nhím bố mẹ sinh sản. Từ bán nhím giống mỗi năm gia đình chị Xuyền có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng.
Không chỉ riêng gia đình anh K’thiện, chị Lê Thị Xuyền mà nhiều gia đình trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã và đang được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ nguồn vốn vay, các hộ gia đình ở đây đã đầu tư thêm trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, duy trì và phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời, tạo việc làm cho nhiều lao động và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nhằm giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn sản xuất, NHCSXH huyện đã chủ động phối hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các ban, ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện chương trình tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn. Đến hết năm 2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 597,7 tỷ đồng cho trên 10 nghìn khách hàng vay vốn, tăng 87,5 tỷ đồng so với năm 2022. Tăng trưởng tín dụng tập trung tại các chương trình như: cho vay giải quyết việc làm, NS&VSMTNT, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn…
Bên cạnh đó, NHCSXH huyện đã thường xuyên bám sát địa bàn, phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền về tín dụng ưu đãi kịp thời đến với các đối tượng thụ hưởng chính sách. Đồng thời, tăng cường các giải pháp củng cố, duy trì ổn định hoạt động tại các Điểm giao dịch xã, thị trấn; đôn đốc, nhắc nhở các Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp bình xét, thực hiện cho vay đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho hộ vay kịp thời tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Bà Lê Thu - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Lộc Đức cho biết: “Để nguồn vốn vay đến với hội viên, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ nguồn vốn của Nhà nước. Sau khi hội viên đã được vay vốn, chúng tôi thực hiện công tác giám sát nguồn vốn, tránh tình trạng sử dụng nguồn vốn sai mục đích. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho hội viên phụ nữ. Từ đó, hội viên phụ nữ mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo”.
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Phạm Tiến Ngọc chia sẻ: “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục bám sát các chính sách của Chính phủ, định hướng hoạt động của ngành và các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, chương trình mục tiêu giảm nghèo, việc làm, an sinh xã hội. Tập trung cho vay, thu nợ, đầu tư cho vay đúng đối tượng, tập trung cho các hộ nghèo thiếu vốn sản xuất kinh doanh; đặc biệt là những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập trung vốn cho vay các vùng nghèo thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của từng xã tạo nhiều việc làm mới cho người lao động”.
Có thể nói, sự đồng hành của NHCSXH đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở huyện Bảo Lâm trên hành trình giảm nghèo đã tiếp thêm sức mạnh, mở ra cơ hội, điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Việc tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới tại Bảo Lâm trong thời gian tới.
Bài và ảnh Quỳnh Trang
Các tin bài khác
- » Vốn chính sách tiếp sức cho nông dân
- » Lạng Sơn nỗ lực giảm nghèo
- » Lan tỏa vai trò tín dụng chính sách
- » Vươn lên từ vốn chính sách
- » Ðộng lực từ nguồn vốn chính sách
- » Hiệu quả từ nguồn vốn địa phương
- » Nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách
- » Nguồn vốn chính sách “khai sinh” nhiều trang trại ở Nam Định
- » Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
- » Tín dụng chính sách nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân