Ðộng lực từ nguồn vốn chính sách

09/04/2024
(VBSP News) Cuộc sống có nhiều khó nhọc, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH, cùng sự nỗ lực của bản thân, nhiều chị em ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Định đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, làm chỗ dựa cho bản thân, gia đình và đặc biệt là các con.
AnyConv.com__viewimage

Nhờ mạnh dạn vay vốn NHCSXH, chị Lê Thị Lèo đã có 8ha keo xanh tốt

Mạnh dạn thay đổi
Vươn lên từ hộ nghèo, gia đình chị Lê Thị Lèo ở thôn Suối Đá, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh hiện đã dành dụm được vốn để xây nhà, mở quán tạp hóa và trồng 8ha cây keo lai. Trước đó, năm 2021, từ thông tin của Chi hội Phụ nữ thôn, chị Lèo tiếp cận với vốn tín dụng chính sách và được NHCSXH huyện cho vay 100 triệu đồng. Từ đó, chị trồng 8ha keo lai, hiện đã thu hoạch được một phần với thu nhập hơn 200 triệu đồng. Từ số tiền thu được, ngoài trả tiền vay, chị Lèo xây, sửa lại ngôi nhà đã cũ và mở cửa hàng tạp hóa phục vụ người dân tại địa phương.
Theo chị Lèo, trước kia, khi chưa tiếp cận nguồn vốn, chị chỉ có thể trồng mì, trồng keo, trồng cỏ thuê, ngày công không được bao nhiêu. “Khi vay vốn NHCSXH 100 triệu đồng, tôi cũng chần chừ, lo lắng không biết làm sao mới có thể trả được. Nhưng khi đã vay, tôi quyết tâm cố gắng hết sức. Số tiền lời từ bán keo tôi dùng làm của để dành và tái đầu tư. Còn số tiền kiếm được từ hàng tạp hóa, tôi trang trải cuộc sống hằng ngày. Nhờ đó, gia đình tôi thoát nghèo, tôi còn động viên con gái vay và phát triển kinh tế như tôi. Hiện nay, cuộc sống của gia đình tôi và gia đình con gái đã tốt hơn rất nhiều”, chị Lèo chia sẻ.
Không cam chịu phụ thuộc vào hoạt động sản xuất lạc hậu, chị Đinh Thị Pin ở thôn 4, xã An Hưng, huyện An Lão mạnh dạn vay vốn NHCSXH huyện để trồng keo, đồng thời chuyển đổi cây mì kém hiệu quả qua trồng cỏ để nuôi bò lai. Có được số tiền lời đầu tiên, chị dành dụm, tích góp để tái sản xuất. Hiện tại, ngoài 5 rẫy keo với số lượng 6.000 - 8.000 cây keo/rẫy, chị còn nuôi 5 con bò lai, 20 con heo nái. Cuộc sống nhờ đó dần ổn định.
Chị Pin cho biết: “10 năm trước, tôi bắt đầu vay vốn NHCSXH huyện số tiền 30 triệu đồng. Tuy không nhiều nhưng đủ để tôi trồng được 2ha keo. Cố gắng từng ngày, tôi trả được tiền gốc và có được thu nhập ổn định. Không chỉ tôi, nhiều chị em cùng làng cũng dần mạnh dạn thay đổi để giúp cuộc sống tốt hơn”.
Chỗ dựa cho gia đình
Là người mẹ với tình yêu thương con bao la, dù bất kỳ hoàn cảnh nào các chị đều cố gắng vươn lên để cho các con có cuộc sống tốt hơn. Chị Đinh Thị Hay ở thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh được biết đến là người phụ nữ tháo vát, đảm đang. Chị cùng chồng chăm sóc 6 con bò, 2 con heo nái, 20 con heo thịt, 7ha keo, 3 sào cây ăn quả các loại. Ngoài ra chị còn trồng lúa rẫy, lúa nước và các loại đậu…
Chị Hay có 2 người con, con gái lớn đã cưới chồng, con trai nhỏ đang học lớp 11. Để con gái có cuộc sống ổn định hơn, chị Hay tạo điều kiện cho con mở quán tạp hóa và nước giải khát tại nhà. “Con mình thì mình thương. Tôi tạo điều kiện để cháu làm ăn, kiếm đồng vốn, sau này muốn làm gì hay kinh doanh cũng dễ hơn. Còn với con trai, tôi luôn ủng hộ cháu học để kiếm con chữ, kiếm kiến thức”, chị Hay chia sẻ.
Cũng là chỗ dựa cho con, chị Đinh Thị Pin không còn “chung đường” với chồng từ 5 năm trước. Tất cả việc lao động sản xuất đến chăm sóc, nuôi dạy con đều do một tay chị lo liệu. Theo chị Pin, làm một người mẹ, chị luôn tự nhủ mình phải cố gắng, đó là thiên tính. Người con lớn sau khi tốt nghiệp THPT đã có việc làm ổn định tại một công ty hải sản ở TP Quy Nhơn. Người con nhỏ của chị đang học lớp 7. Động viên con học tốt, chị Pin phải là một người mẹ mẫu mực.
“Cách sống của người mẹ ảnh hưởng đến con rất nhiều. Tôi nghĩ nếu tôi sống trách nhiệm, chăm chỉ, con tôi cũng sẽ học hỏi được điều đó. Do vậy, tôi không chỉ cố gắng đảm bảo kinh tế để chăm sóc con, tôi còn gương mẫu để tiếp động lực cho con”, chị Pin tâm sự.

Thảo Khuy

Các tin bài khác