Vốn chính sách tiếp sức cho nông dân

10/04/2024
(VBSP News) Với vai trò là “cầu nối” nhận ủy thác của chi nhánh NHCSXH tỉnh, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã triển khai kịp thời các chương trình cho vay tín dụng chính sách, đồng thời quản lý hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Từ đó, góp phần quan trọng giúp hội viên nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
dt_942024835_44

Nông dân xã Cư Yên, huyện Lương Sơn phát triển mô hình chăn nuôi lợn thịt mang lại hiệu quả kinh tế khá

Trước đây, vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất và nguồn vốn đầu tư, gia đình bà Trần Thị Thảo ở xóm Trung Thành, xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình dù đã xây dựng mô hình chăn nuôi để phát triển kinh tế nhưng hiệu quả không đạt như mong muốn. Nắm bắt được nhu cầu muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và tập huấn KHKT của gia đình bà Thảo, các cấp Hội Nông dân đã đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để gia đình được vay vốn ưu đãi của NHCSXH. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng KHKT trong chăn nuôi và kết hợp với kinh doanh dịch vụ, sản phẩm của gia đình tiêu thụ ổn định, mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, để lan tỏa tinh thần lao động, sản xuất đến hội viên nông dân địa phương, hàng năm bà Thảo hỗ trợ 10 - 15 hộ hội viên trong xóm về kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi lợn để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cũng như gia đình bà Thảo, nhờ nguồn vốn vay NHCSXH, trên địa bàn tỉnh đã và đang có hàng nghìn hộ hội viên nông dân được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, xác định công tác phối hợp với NHCSXH truyền tải nguồn tín dụng chính sách cho nông dân sản xuất, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã đưa nội dung này vào chương trình công tác toàn khóa và chương trình công tác hàng năm của Hội. Theo đó, để thực hiện tốt chương trình ủy thác cho vay vốn NHCSXH, Hội luôn bám sát nội dung ủy thác, các văn bản chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân và NHCSXH Trung ương để chỉ đạo cơ sở Hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội quản lý.  
Nhằm đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn, mỗi năm, các cấp Hội Nông dân phối hợp với NHCSXH tỉnh tổ chức 25 lớp tập huấn cho trên 1.100 lượt cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh, huyện, xã với hình thức đa dạng, phong phú. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các Hội cấp huyện, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, phân công cán bộ Hội trực tiếp quản lý và giám sát hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đôn đốc các hộ vay trả nợ và trả lãi theo định kỳ; chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét công khai, dân chủ, đúng đối tượng, hướng dẫn hội viên vay lập hồ sơ, tiến hành phê duyệt, giải ngân kịp thời.
Đến nay, 10/10 Hội Nông dân các huyện, thành phố ký văn bản liên tịch và 151/151 Hội cấp xã ký hợp đồng uỷ thác với NHCSXH. Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đang quản lý 643 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trên 26.270 hội viên vay với dư nợ đạt trên 1.238 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng chính sách do Hội quản lý không ngừng nâng cao qua các năm. Các cấp Hội tích cực vận động hội viên nông dân tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT để có kiến thức áp dụng vào sản xuất. Từ năm 2023 đến nay, có trên 4.400 hội viên nông dân được chuyển giao tiến bộ KHKT trong chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật thâm canh lúa và các loại cây màu, cây lâm nghiệp…
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Văn Thạch cho biết: Từ nguồn vốn vay chính sách đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư, tích cực sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Hầu hết hộ vay vốn chấp hành nghiêm việc trả lãi hàng tháng và trả nợ gốc khi đến hạn. Tính đến hết năm 2023, số Tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH đạt loại tốt chiếm 97%, số tổ khá chiếm 2,3%. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp tốt với chi nhánh NHCSXH tỉnh chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến hội viên nông dân; nắm chắc tình hình hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, củng cố kịp thời tổ trưởng hoạt động kém hiệu quả; nhắc nhở các tổ thực hiện tốt quy chế hoạt động, tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban tại xã, phường hàng tháng. Thực hiện kiểm tra theo chuyên đề hoặc kiểm tra lồng ghép đảm bảo tỷ lệ theo kế hoạch đề ra…

Bài và ảnh Thu Hằng

Các tin bài khác