Nguồn vốn chính sách giúp đổi thay trên quê hương Nam Đàn

24/05/2019
(VBSP News) Nhiều năm qua, từ nguồn vốn vay của NHCSXH, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Qua đó, giúp Nam Đàn xây dựng nông thôn mới và là huyện điểm văn hóa của cả tỉnh.
Hộ nghèo ở Nam Đàn sử dụng vốn vay ưu đãi vào chăn nuôi

Hộ nghèo ở Nam Đàn sử dụng vốn vay ưu đãi vào chăn nuôi

Chuyển mình từ Kim Liên

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư các công trình hạ tầng đã giúp tình hình sản xuất và đời sống kinh tế - xã hội của người dân Nam Đàn những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện qua hoạt động ủy thác của 4 tổ chức hội, đoàn thể đã có hàng nghìn lượt hộ được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, qua đó đã góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nếu như năm 2018 có 72 hộ nghèo thì năm 2019 còn 50 hộ, hiện tỷ lệ hộ nghèo trên giảm còn 0,26%. Dư nợ của xã Kim Liên tại NHCSXH huyện Nam Đàn là 22,453 tỷ đồng, với 10 chương trình cho vay. Trong các tổ chức hội nhận cho vay uỷ thác thì Hội CCB có dư nợ lớn nhất với trên 11 tỷ đồng. Ông Chu Văn Cái - Phó Chủ tịch Hội CCB xã Kim Liên cho hay: Hội có 13 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 454 thành viên. Tổ chức hội nhiều năm liền được đánh giá là hiệu quả nhất của xã. Nhiều năm liên không có nợ quá hạn phát sinh, không có lãi tồn đọng.

Bên ngôi nhà khang trang mới được đầu tư xây mới, anh Trần Khắc Nhượng - hội viên hội CCB ở xóm Hội 3, xã kim Liên, chia sẻ: “Là hộ nghèo nhưng không có vốn làm ăn nên cái nghèo cứ mãi đeo bám. Đến năm 2012, thông qua Hội CCB, tôi được vay vốn hộ nghèo 30 triệu đồng đầu tư chăn nuôi lợn, gà, bò. Từ đó, kinh tế của gia đình tôi bắt đầu ổn định, năm 2014 gia đình trả nợ NHCSXH và thoát nghèo. Tiếp đó, từ nguồn vốn vay hộ cận nghèo 50 triệu đồng, tôi tiếp tục đầu tư chăn nuôi, làm ruộng. Kinh tế cứ thế ổn định, làm được nhà khang trang, rộng rãi”.

Ngoài vay vốn phát triển kinh tế gia đình, anh còn được vay từ chương trình HSSV để nuôi 2 con học đại học. Hiện, con trai lớn của gia đình anh đã học xong Đại học GTVT thành phố Hồ Chí Minh và đã ra trường có việc làm. Con trai út đang là sinh viên năm thứ 4 Đại học Nông lâm Thái Nguyên. “Những đồng vốn ưu đãi thực sự là cứu cánh giúp gia đình nông dân như chúng tôi có điều kiện thoát nghèo, nuôi con ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang hơn”, anh Nhượng chia sẻ.

Không chỉ thoát nghèo, nhờ phát huy tốt nguồn vốn vay mà nhiều hộ nghèo đã có điều kiện vươn lên làm giàu. Một trong số đó phải kể đến gia đình anh Nguyễn Hà Trung ở xóm Sen 4, xã Kim Liên. Năm 2008 anh Trung vay 50 triệu đồng từ vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay gia đình anh có trang trại chăn nuôi rộng 3,5ha để đào ao thả cá và nuôi lợn. Anh Trung cho biết: “Nhờ nguồn vốn của NHCSXH huyện, cộng với số vốn của gia đình và sự giúp đỡ của bạn bè, anh em, tôi đã đầu tư vào xây dựng trang trại chăn nuôi. Chăn nuôi hiệu quả nên quy mô đàn lợn của gia đình ngày một mở rộng. Hiện trang trại của anh có 30 lợn nái, 300 lợn thịt, mỗi năm bán 30 - 40 tấn lợn thịt. Cùng với 10 - 12 tấn cá mỗi năm, doanh thu từ trang trại vài tỷ đồng/năm”.

Mô hình làm ăn hiệu quả như vậy hiện nay khá nhiều ở Kim Liên. Và không chỉ phát huy hiệu quả đối với các chương trình cho vay để phát triển kinh tế, nguồn vốn từ NHCSXH còn là “phao cứu sinh” cho nhiều hộ nghèo trong việc nuôi con ăn học.

Ông Trần Lê Chương - Chủ tịch UBND xã Kim Liên, Nam Đàn cho biết: “Nguồn vốn của NHCSXH rất quan trọng góp phần giúp người dân quê Bác phát triển kinh tế, nhất là khi xã nhà đang phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2019 này. Cùng với nguồn vốn, chúng tôi cũng tích cực chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp bà con nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, trồng trọt. Chúng tôi mong muốn NHCSXH tiếp tục quan tâm, dành thêm nguồn lực để các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vì trên thực tế vẫn còn một số chương trình chưa đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của người vay”.

Kênh dẫn vốn hiệu quả

Gần 17 năm hoạt động, các chương trình tín dụng của NHCSXH triển khai trên địa bàn huyện Nam Đàn đã góp phần tạo thu nhập cho người nghèo, tăng trưởng kinh tế huyện nhà. Riêng năm 2018, NHCSXH tiếp tục đầu tư nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế phục vụ mục tiêu giảm nghèo, trọng tâm là các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo với tổng doanh số cho vay đạt hơn 93 tỷ đồng, chiếm 82.8% tổng doanh số cho vay với 2.023 khách hàng được vay vốn. Bên cạnh đó, nguồn vốn phục vụ cho mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được chú trọng với doanh số cho vay đạt hơn 19 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17.1%. Nhờ đó đã có 85 hộ xoá được nhà ở tạm bợ; 3.310 hộ sinh sống trên địa bàn nông thôn vay vốn xây dựng được 3.281 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn giúp cải thiện môi trường sống; 74 lao động được tạo việc làm mới… Đến nay, nhiều hộ nghèo đã được thoát nghèo, tạo điều kiện các hộ cận nghèo, hộ có khó khăn được tiếp cận nguồn vốn HSSV giảm bớt gánh nặng cho gia đình và khuyến khích phong trào hiếu học, lập nghiệp cho giới trẻ. Đây cũng chính là hướng tạo việc làm ổn định trong tương lai và giảm số lao động dôi dư trên địa bàn. Các chương trình cho vay xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có cơ hội làm giàu bền vững, giúp Nam Đàn xây dựng nông thôn mới và là huyện điểm văn hóa của cả tỉnh.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hoạt động tín dụng chính sách đã có những đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nam Đàn, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và ổn định, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh, chính trị tại địa phương. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống dưới 2.21%, đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bài và ảnh Thu Huyền

Các tin bài khác