Nghiệm thu đề tài “Giải pháp nâng cấp phần mềm Offline phù hợp với hệ thống Intellect Digital Corebanking của NHCSXH”
Trong những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi căn bản, toàn diện tới đời sống kinh tế - xã hội. Các ngân hàng Việt Nam hiện nay chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại theo xu hướng chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng số bằng cách nâng cấp nền tảng công nghệ, chuyển đổi giải pháp CoreBanking. Không nằm ngoài xu thế đó, NHCSXH đã nâng cấp hệ thống Intellect Core Banking lên nền tảng Digital Core Banking nhằm tối ưu hóa khả năng xử lý các yêu cầu của người sử dụng và hạn chế tối đa các rủi ro trong môi trường vận hành, khai thác phần mềm, đặc biệt là tạo ra nền tảng công nghệ quan trọng để phát triển sản phẩm dịch vụ trên nền tảng ngân hàng số.
Với các hoạt động nghiệp vụ theo phương thức đặc thù, NHCSXH thực hiện giao dịch với khách hàng tại các Điểm giao dịch xã/phường/thị trấn được thực hiện thông qua phần mềm Offline. Trong điều kiện hạ tầng viễn thông còn hạn chế, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, phần mềm đã giúp khách hàng tiết giảm chi phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận với dịch vụ của ngân hàng.
Tuy nhiên, trong tiến trình chuyển đổi số, để duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù dựa trên nền tảng công nghệ số đòi hỏi phải nâng cấp và đồng bộ giữa các hệ thống thông tin, đặc biệt là các hệ thống thông tin hỗ trợ giao dịch của NHCSXH. Trên cơ sở đó, song song với việc triển khai nâng cấp hệ thống Intellect lên phiên bản ngân hàng số thì NHCSXH cũng cần thiết phải nâng cấp phần mềm Offline trên nền tảng công nghệ mới nhằm đảm bảo tính đồng bộ hướng tới tích hợp liền mạch, an toàn, tối ưu với nền tảng ngân hàng số của hệ thống Intellect cũng như đáp ứng nhu cầu mở rộng sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã
Tại buổi nghiệm thu, nhóm nghiên cứu đã hệ thống hóa những vấn đề mang tính lý luận về hoạt động NHCSXH tại Điểm giao dịch xã; nền tảng ngân hàng số mà NHCSXH đang triển khai, tích hợp dữ liệu và xu hướng hiện nay trong hoạt động nghiệp vụ của NHCSXH. Thông qua các phương pháp thống kê, phân tích, khảo sát trực tiếp tại hoạt động giao dịch xã các Phòng giao dịch, nhóm nghiên cứu đã đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giao dịch tại Điểm giao dịch xã của NHCSXH. Xuất phát từ thực trạng nghiệp vụ thực hiện tại Điểm giao dịch xã và phần mềm hỗ trợ giao dịch cũng như nền tảng ngân hàng số mà NHCSXH đang triển khai, nhóm nghiên cứu đã đề ra một số giải pháp nâng cấp dựa trên lựa chọn công nghệ, kiến trúc và thực tiễn phát triển phần mềm Offline nhằm nâng cao khả năng tích hợp, tăng khả năng bảo mật, hỗ trợ cải tiến và bổ sung quy trình nghiệp vụ. Qua đó, cung cấp nền tảng mới tăng năng lực xử lý, đảm bảo tính hệ thống ổn định, hiện đại, hoạt động an toàn, bảo mật; cung cấp giao tiếp tích hợp giữa kết nối giữa phần mềm Offline và hệ thống Intellect Online, với các hệ thống khác; góp phần phát triển thêm nhiều dịch vụ, cung cấp nhiều sản phẩm hơn cho khách hàng.
Các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao kết quả lao động công phu, sáng tạo của nhóm nghiên cứu, nội dung đề tài có khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn hoạt động giao dịch của NHCSXH. Bên cạnh những kết quả đạt được của Đề tài, các thành viên Hội đồng đã chỉ ra một số hạn chế cần bổ sung và chỉnh sửa về mặt lý luận và tập trung tìm hiểu, khảo sát các giải pháp đã triển khai thực tế tại một số ngân hàng, cũng như giải pháp được áp dụng nhiều trên thị trường hiện nay trong việc xây dựng kho dữ liệu, từ đó đưa ra các đề xuất có thể áp dụng phù hợp với NHCSXH.
Ghi nhận và biểu dương những nội dung đã được nhóm nghiên cứu trình bày, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài cho biết: Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp hệ thống có ý nghĩa thực tiễn và phù hợp trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của NHCSXH. Việc nâng cấp phần mềm Offline sẽ bổ sung và hỗ trợ tối đa các nghiệp vụ mà các cán bộ tín dụng chính sách đang triển khai tại Điểm giao dịch xã, giúp tối giản hóa quy trình, giảm thiểu những thủ tục giấy tờ liên quan, tiết giảm thời gian, nhanh chóng cho khách hàng tiếp cận các dịch vụ của NHCSXH.
Nhóm nghiên cứu cần tiếp thu những ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh đề tài đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng ngày càng nâng cao, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch chuyển đổi số của NHCSXH đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với những nghiên cứu rất có ý nghĩa và phù hợp với tình hình phát triển NHCSXH, đề tài “Giải pháp nâng cấp phần mềm Offline phù hợp với hệ thống Intellect Digital Corebanking của NHCSXH” xếp loại Giỏi.
PV
Các tin bài khác
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Bài cuối: Góp sức lan tỏa thương hiệu làng nghề
- » Bài 2: Cùng làng nghề vươn khơi
- » Hoạt động tín dụng chính sách ở huyện Chương Mỹ (Bài 1: Kịp thời và đúng đối tượng)
- » Tiếp sức cho hộ nghèo vượt khó
- » Ðức Trọng nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
- » Tín dụng chính sách xã hội thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Thừa Thiên Huế
- » Bài 2: Sức mạnh từ những “cánh tay nối dài”
- » Tín dụng phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia (Bài 1: Khi cần câu “đủ mồi”)
- » Hậu Giang lan tỏa tín dụng chính sách